An toàn hóa chất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để đảm bảo các hóa chất nguy hiểm và độc hại không tồn tại trong các sản phẩm tái chế, thay thế bằng hóa chất “xanh”, áp dụng tuần hoàn hóa chất, Việt Nam đã và đang phát động nhiều chương trình cung cấp thông tin và khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thuốc bảo vệ thực vật là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.
Thuốc bảo vệ thực vật là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Hiểm họa từ việc quản lý hóa chất không chặt chẽ

Công nghiệp hóa chất đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế của một đất nước. Tốc độ phát triển trung bình của ngành hóa chất là 10% giai đoạn 2010-2020. Ngành hóa chất và chuỗi cung ứng trực tiếp liên quan đã đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản lượng công nghiệp quốc gia, tạo việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp.

Các ngành sản xuất hóa chất, phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, hóa dầu, hóa chất cơ bản, nguồn điện hóa học, khí công nghiệp, cao su, chất tẩy rửa, sơn, hóa dược… đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển bền vững ở Việt Nam và đặt ra nhiêu vấn đề áp lực lên môi trường, sức khỏe con người và biến đổi khí hậu.

Hầu hết doanh nghiệp (DN) sản xuất trong các ngành công nghiệp khai thác, chế biến thực phẩm và đồ uống, thuốc lá, sản phẩm dệt, may mặc, da, giả da... đều có khả năng sử dụng các loại hóa chất, đặc biệt là hóa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Chi phí đối với cộng đồng do các dạng hóa chất độc hại là rất lớn.

Tại Diễn đàn Berlin về Kinh tế Hóa chất và Phát triển bền vững vào tháng 7/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, việc quản lý hóa chất không chặt chẽ trong năm 2016 đã dẫn đến ít nhất 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Vào năm 2015, gần một triệu công nhân đã thiệt mạng do ảnh hưởng của việc tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Các số liệu thực có thể cao hơn nhiều vì những số liệu này chỉ thống kê các trường hợp liên quan đến một số ít hóa chất có bằng chứng về mối liên hệ nhân quả. Đặc biệt, người nghèo bị ảnh hưởng lớn hơn do tác động của ô nhiễm hóa chất.

Triển vọng Hóa chất Toàn cầu II đã chỉ ra rằng sản lượng hóa chất toàn cầu sẽ tăng gấp đôi so với năm 2017. Đồng thời, vài triệu tấn hóa chất xâm nhập vào môi trường mỗi năm. Điều này xảy ra ở mọi thời điểm khác nhau, từ khai thác nguyên liệu thô đến sản xuất và chế biến đến tiêu thụ và thải bỏ.

Hóa chất cho một nền kinh tế tuần hoàn sạch

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết: “Thực tiễn hiện nay đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận và chuyển đổi mô hình phát triển sang phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH), giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường”.

Kinh nghiệm cho thấy, quản lý chất thải được xem là trọng tâm của KTTH, hóa chất với KTTH là một nội dung lớn với những sáng kiến đang được áp dụng như “hóa chất cho một nền KTTH sạch để đảm bảo các hóa chất nguy hiểm và độc hại không tồn tại trong các sản phẩm tái chế; chuyển đổi từ việc bán hóa chất dưới dạng sản phẩm sang cho thuê dịch vụ; tái chế hóa chất thông qua chuyển đổi và xử lý chất thải; và thay thế hóa chất xanh cho các quá trình tuyến tính bằng áp dụng tuần hoàn hóa chất để bền vững hơn.

Việt Nam đã thể chế hóa KTTH vào Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), quy định KTTH là “mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”. Mục tiêu khi chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính (take-make-waste) sang nền KTTH (circular economy) sẽ tập trung vào 3 trụ cột: thiết kế; kéo dài vòng đời vật liệu và giảm rác thải, phát thải và khôi phục hệ sinh thái.

KTTH không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. KTTH có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng…

Các quy định khác của Luật BVMT 2020 có vai trò thúc đẩy KTTH khác như EPR (trách nhiệm của nhà sản xuất), phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh…

Ngoài ra, nhiều chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia đều hướng đến một hoặc nhiều mục tiêu của KTTH, thực hiện phát triển bền vững như Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn…

Để thúc đẩy quản lý hóa chất, chất thải cho phát triển bền vững, trước mắt Việt Nam tập trung cụ thể hóa các quy định trong Luật BVMT 2020: Quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất trong việc thu hồi, tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra trên thị trường; phát triển công nghiệp môi trường, thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, sản phẩm thân thiện môi trường...; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường (phát thải và công nghệ) tương đương với nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Đọc thêm