Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Ngọc: Những tháng ngày giả điên che mắt giặc trong BV Tâm Trí Biên Hòa

(PLVN) - Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiện đang trưng bày một bộ hồ sơ bệnh án mang tên Nguyễn Thị Thu Cúc. Đọc nội dung trong bộ hồ sơ này và lắng nghe câu chuyện về người có tên trong bộ hồ sơ, ít ai có thể hình dung đó lại là một người phụ nữ. Bởi bộ hồ sơ bệnh án ấy được đổi bằng máu và nước mắt của những năm tháng thanh xuân một đời người.
Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Ngọc.

Thử thách với nữ cán bộ 21 tuổi

Đây là hồ sơ bệnh án của người nữ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (LLVTND) Huỳnh Thị Ngọc với tên giả là Nguyễn Thị Thu Cúc tại Dưỡng trí viện Biên Hòa (sau này lần lượt đổi tên Bệnh viện Tâm Trí Biên Hòa; nay là BV Tâm thần TW II, đường Nguyễn Ái Quốc, khu phố 7, phường Tân Phong, TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai). Hồ sơ được lập từ ngày 17/6/1972 - 4/3/1975, khi bà Ngọc giả điên che mắt địch.

Tháng 2/1972, bà Ngọc khi đó là Bí thư Thị đoàn Quy Nhơn, trực tiếp phụ trách đội biệt động học sinh, sinh viên Trần Văn Ơn, nhận nhiệm vụ đánh phủ đầu viên quan chức chế độ cũ là tân Tỉnh trưởng Bình Định Nguyễn Văn Chức. 

Đây là trận đánh mở đầu cho chiến dịch “Mùa hè đỏ lửa” do Khu ủy miền Trung phát động. Trận đánh diễn ra tại sân vận động Quy Nhơn ngay đêm diễn ra lễ ra mắt nhân dân của viên tân tỉnh trưởng. Kết quả Nguyễn Văn Chức bị thương nặng, năm đối tượng khác chết, trong đó có viên phó tỉnh trưởng có tiếng gian ác, nợ máu cách mạng. 

Sau trận đánh, giặc điên cuồng lùng sục, bắt bớ. Cuối tháng 2/1972, do có kẻ phản bội, bà Ngọc bị giặc bắt ngay trên đường từ căn cứ về thị xã. Khi bị bắt, trong người bà có một tấm thẻ kiểm tra (chứng minh nhân dân) hợp pháp mang tên Nguyễn Thị Thu Cúc nên bà chỉ một mực khai mình là Nguyễn Thị Thu Cúc. 

Tuy nhiên, vì đã nắm được tên thật, chức vụ cũng như mọi hoạt động của bà qua tên chỉ điểm, nên giặc tra tấn dã man hòng bắt bà khai nhận. Chúng đánh bà đến liệt cả hai chân và dùng nhiều hình thức tra tấn dã man với bà như “tra rắn” (bỏ rắn vào trong ống quần rồi buộc lại), “tra đèn” (dùng hai ngọn đèn hàng nghìn oát chiếu thẳng vào đầu trong suốt nhiều ngày đêm liên tục). 

Sau này mỗi lần nhớ lại sự tra tấn đó bà Ngọc vẫn không khỏi rùng mình: “Cái cảm giác lành lạnh, nhồn nhột, ghê tởm của bầy rắn đã làm tôi hoảng loạn đến cùng cực. Còn cách tra tấn bằng đèn làm cho tôi thấy đầu óc lúc trống rỗng, lúc đậm đặc, mọi cảm giác mất hết…”.

Hai mươi mốt tuổi đầu đã phải đứng trước một thử thách quá lớn, bởi bà nắm giữ nhiều bí mật về các cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng. “Tôi không biết thế nào là điên và cũng không nghĩ rằng mình phải giả điên, nhưng nghĩ mình phải làm một cái gì đó để chúng giết thì giết; hoặc không tiếp tục tra tấn hành hạ nữa. Bởi cứ đà tra tấn dã man này có khi tôi không thể giữ trọn vẹn khí tiết được nữa”, bà kể lại. 

“Diễn tròn vai” kể cả khi bị ra trường bắn

Từ đó bà bất hợp tác, không nói, không ăn; chỉ nằm bất động, mở mắt trừng trừng, lơ láo. Chi bộ nhà tù lúc đó đã phối hợp cho bà bằng cách lan truyền thông tin bà bị điên. Địch không tin, chúng kết án tử hình bà rồi bí mật dùng máy bay đưa bà vào Sài Gòn. 

Tại Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, nơi được mệnh danh là có thể “nấu chảy mọi cái đầu sắt của cộng sản thành nước”, chúng lại đánh, lại tra, nhưng bà vẫn tiếp tục giả điên. Không biết đối phó và khai thác ra sao, giặc dựng một trường bắn giả để xác minh.

Hồ sơ bệnh án của bà Ngọc.

Tại trường bắn, bà vẫn khóc cười như điên dại, mặc chúng trói vào cọc, kể cả đến lúc tên chỉ huy bắn hai phát súng, đạn xẹt qua thái dương, cháy xém cả những lọn tóc mai, mà thấy bà vẫn có thái độ của người điên thì địch mới tin là bà điên thật và buộc phải đưa bà vào Bệnh viện Tâm Trí Biên Hòa.

Cùng với sự tiều tụy của thân thể, ánh mắt vô hồn, cách khóc cười vô cớ, nói năng lảm nhảm, bà đã che mắt được giặc và bác sĩ khi bắt đầu nhập viện. Hồ sơ bệnh án số 650/72 mang tên Nguyễn Thị Thu Cúc đã được kết luận trong bệnh án: Chấn loạn thần kinh. 

Bệnh viện Tâm Trí Biên Hòa thời đó có những khu vực thực chất là một trại nhốt người bị tâm thần. Vì mọi bệnh nhân không được thăm khám thường xuyên mà chỉ cho thuốc điều trị hàng ngày. Có những loại thuốc làm cho bệnh nhân hoàn toàn tê liệt, không cử động được, thậm chí nước bọt trong miệng chảy ra cũng không thể tự nuốt vào.

Sau sáu tháng ở tại bệnh viện với tình trạng của người điên, bà Ngọc được một bác sĩ người Bỉ gọi lên khám. Bác sĩ Olivette Mikolaczak làm việc trong Hội từ thiện và được cử đến bệnh viện này. Bà còn là một phụ nữ tiến bộ, rất quan tâm, chăm sóc bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nữ. Bà Ngọc để ý, theo dõi và biết được điều này.

Vì thế khi lên thăm khám, bà đã nói sự thật về tình trạng của mình cho bác sĩ. Lúc đầu, nữ bác sĩ ngạc nhiên và hoảng sợ, nhưng sau bà hiểu và thông cảm. Dần dần, bà Ngọc đã thuyết phục bác sĩ không tiêm thuốc, không cạo trọc đầu và cho bà ra ngoài lao động.

Sống giữa thế giới người điên, hoàn toàn cách biệt với cuộc sống bên ngoài, bà Ngọc luôn nung nấu ý nghĩ “vượt ngục” để trở về với cách mạng. Sau bao khó khăn và chờ đợi, một buổi sớm đầu tháng 3/1975, lợi dụng lúc các giám thị, hộ lý bận giải quyết một trường hợp bệnh nhân quấy rối lúc ăn sáng, bà Ngọc đã chạy thoát khỏi khu điều trị, dùng sợi dây xích đã chuẩn bị từ trước, vượt tường rào ra ngoài. 

Thoát khỏi cổng viện, bà chui vào nấp sau một đống rác lớn, thay quần áo, giả làm người đi chợ sớm, đàng hoàng mua vé lên xe buýt. Khi bệnh viện phát hiện ra thì bà tới được nơi ẩn nấp an toàn. Không bao lâu sau, bà Ngọc hòa vào đoàn quân chiến thắng giải phóng Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. 

Năm 1990, bà Ngọc quay trở lại Bệnh viện Tâm Trí Biên Hòa để tìm những ký ức xưa. Tại đây, bà đã tìm thấy bộ hồ sơ bệnh án của mình, xin được lưu giữ làm kỷ niệm. Và sau 16 năm nâng niu cất giữ, năm 2016, bộ hồ sơ bệnh án được đổi bằng máu và nước mắt những năm tháng thanh xuân đã được bà trân trọng trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Những ngọn đèn không tắt

Trong chiến tranh cũng như trong cuộc sống đời thường trên đất nước Việt Nam, không biết từ bao giờ, ngọn đèn dầu gắn với hình ảnh của những người phụ nữ, của mẹ, của chị. Ánh lửa đèn các mẹ thắp lên chờ con về, báo nguy, báo an cho các con hoạt động đã đi cả vào thơ ca, nhạc họa: “Đêm chong đèn ngồi nhớ lại/Từng câu chuyện ngày xưa/Mẹ về đứng dưới mưa/Che đàn con nằm ngủ/Canh từng bước chân thù/Mẹ ngồi dưới cơn mưa”…

Tại Bảo tàng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên đất lửa Quảng Nam, có cây đèn dầu xuất hiện ở vị trí rất trang trọng. Đây là cây đèn dầu đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và người gìn giữ trao lại cho Bảo tàng là Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trị. 

Mẹ Trị chính là con gái cả của mẹ Nguyễn Thị Thứ, bà mẹ tiêu biểu có 9 con trai liệt sĩ và là nguyên mẫu của tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Quảng Nam. Mẹ Trị đào 5 căn hầm bí mật trong vườn nhà để nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích quân giải phóng miền Nam.

Cũng bởi những căn hầm nằm trong vườn nhà nên mẹ Trị đã tìm cách báo tin thời điểm an toàn để các anh ra ngoài. Mẹ sử dụng cây đèn dầu để ra ám hiệu. Vào ban đêm, hễ nhìn vào bàn thờ trong nhà, thấy ngọn đèn được thắp sáng thì các anh có thể yên tâm hoạt động. Ngược lại, khi đèn không được chong lên, chính là lúc giặc đang lùng sục. 

Cũng trên đất thép Quảng Nam không chỉ có cây đèn của mẹ Lê Thị Trị mà còn có một “ngọn đèn không tắt” khác nữa, đó là ánh đèn của bà Phạm Thị Cọng, nguyên Bí thư Phụ nữ xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn (nay là TX Điện Bàn), tỉnh Quảng Nam. Trong suốt những năm 1968-1975, nhiều lần bà dùng ánh đèn dầu báo hiệu cho bộ đội mỗi lúc vượt sông Yên, đưa thương binh qua Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam. 

Ánh đèn dầu đó được bộ đội và du kích gọi là “ngọn đèn không tắt” cho đến những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày 26/4/2018, bà Phạm Thị Cọng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đó còn là chiếc đèn chai mà nữ sư thầy Đàm Duyên trụ trì chùa Nam Ngạn, tỉnh Thanh Hóa tham gia dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Sư thầy tuy không thuộc thành phần tham gia kháng chiến nhưng đã hai lần xung phong đi dân công gánh bộ, vận chuyển lương thực lên Tây Bắc phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Để chuẩn bị cho chuyến đi, sư thầy đã tự làm chiếc đèn từ chai thủy tinh 0,65l để soi đường. Đèn chai được buộc ở đầu đòn gánh, vượt qua hàng trăm km đường rừng, gánh hai bồ gạo đưa đến các chiến trường. 

Đọc thêm