Bà Rịa – Vũng Tàu: “Điểm sáng” đầu tư cho các doanh nghiệp FDI

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng sự nhạy bén, tận dụng tối đa công nghệ thông tin, trong năm qua dòng vốn đầu tư vào tỉnh vẫn tiếp tục tăng mạnh, lên đến gần 1 tỷ USD.
Một dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022
Một dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang được xây dựng, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022

Bất chấp đại dịch, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn thu hút vốn đầu tư gần 1 tỷ USD

Theo kế hoạch năm 2021, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề ra mục tiêu thu hút 30 dự án đầu tư, tuy nhiên chỉ trong 8 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới đầu tư cho 39 dự án. Trong đó, có 11 dự án FDI và 28 dự án trong nước. Tổng vốn thu hút hơn 945 triệu USD, đạt hơn 150% kế hoạch năm, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến đầu tháng 11/2021, tỉnh đã thu hút được 44 dự án vào các khu công nghiệp, trong đó có 32 dự án trong nước và 12 dự án FDI, đạt hơn 185% kế hoạch và bằng 141% so với cùng kỳ năm 2020.

Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho biết, mặc dù năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tình hình thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn rất khả quan. Tính đến nay, có 503 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp còn hiệu lực; trong đó có 246 dự án trong nước và 257 dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có một số quốc gia có vốn FDI lớn như: Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp...

Hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bà Rịa - Vũng TàuHơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Để giữ chân được các nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn đặc biệt là FDI, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã áp dụng chuyển đổi linh hoạt, tận dụng tối đa tính năng hữu ích của mạng xã hội để giới thiệu dự án. Bên cạnh đó, triển khai những chính sách ưu đãi đầu tư, nhiều hợp đồng ghi nhớ, cam kết, thỏa ước và đặt cọc từ đó tạo dựng niềm tin với đối tác.

Ông Nguyễn Anh Triết - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Thời gian qua, tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các cụm công nghiệp liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào các KCN”.

Ngoài ra, ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chính quyền địa phương cũng tiếp tục nỗ lực hỗ trợ các KCN, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong các thủ tục hành chính, chuẩn bị các quỹ đất sạch, vận động người dân thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai dự án.

Điểm “dừng chân” của nhiều nhà đầu tư quốc tế

Thời gian qua, nhiều dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới đã lựa chọn Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi dừng chân để xây dựng phát triển như: Marubeni, Hyosung, Austal, CJ Cheiljedang, Sojitz, Nitori. Một số dự án có quy mô vốn lớn đang hiện diện như: Nhà máy sản xuất hạt nhựa polypropylene Phú Mỹ (13.466 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất gạch ốp lát gốm sứ granite (1.100 tỷ đồng); Cảng tổng hợp Cái Mép (2.000 tỷ đồng); Khu phức hợp Cap Saint Jacques (1.294 tỷ đồng); Nhà máy xử lý và tái chế bụi lò thép tại Việt Nam (115 triệu USD); Nhà máy kính nổi siêu trắng (110 triệu USD); Nhà máy sản xuất giấy Marubeni (211 triệu USD); Nhà máy sản xuất cà-phê hòa tan Marubeni (115 triệu USD),...

Một góc Khu công nghiệp Phú Mỹ 3

Một góc Khu công nghiệp Phú Mỹ 3

Nhờ làm tốt công tác cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội… Bà Rịa - Vũng Tàu đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và tạo dựng niềm tin, hướng đến sự phát triển bền vững với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Anh Triết cho biết thêm: “Hiện các KCN trên địa bàn đã có gần 50 nhà đầu tư tiềm năng đang theo dõi, ký ghi nhớ và giữ đất với diện tích hơn 1.000ha. Để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI đến Việt Nam, từ nay tới năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ mở rộng thêm 8 KCN, bổ sung quỹ đất hơn 8.000 ha để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư”.

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển các Khu công nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển các Khu công nghiệp, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác định mục tiêu phát triển thành “tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”. Trong đó, tập trung phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, trở thành ngành kinh tế chủ lực nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ khác của tỉnh phát triển. Đây cũng là một trong những lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư quan tâm, kỳ vọng lựa chọn để “xuống tiền” trong thời gian tới.

Trải qua 30 năm thu hút đầu tư FDI, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang nỗ lực từng ngày kiến tạo, xây dựng một môi trường đầu tư tốt nhất, tích cực nhất; quyết tâm gỡ bỏ các yếu tố trì trệ, nâng cao trách nhiệm đội ngũ công chức; tiếp tục kiên trì với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, mời gọi, lựa chọn những doanh nghiệp, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện những dự án lớn, tạo sức lan tỏa ở 5 ngành kinh tế mũi nhọn là: Công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp. Với phương châm "Tất cả vì sự hài lòng của nhà đầu tư", tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư hoạt động, an tâm sản xuất.

Đọc thêm