Để có thể nhanh chóng kiểm soát được tình hình dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Bắc Giang, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đã “hiến kế” và tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh nhiều điểm mới trong đợt chống dịch này.
Thiết lập mô hình khu cách ly tập trung tại chỗ
Theo đó, dịch COVID-19 tại Bắc Giang được đánh giá có rất nhiều điểm khác về quy mô, tốc độ lây lan và mức độ nguy hiểm do biến chủng Ấn Độ gây ra. Để ứng phó tình huống này, Tổ điều tra, giám sát dịch tễ của Bộ Y tế do PGS.TS Trần Như Dương đứng đầu đã tham mưu phong tỏa ngay các khu dân cư tập trung đông công nhân có nguy cơ cao như Núi Hiểu, Trung Đồng, Tam Tầng, Quang Biểu…
Các chuyên gia cũng thiết lập mô hình khu cách ly tập trung tại chỗ ở những khu vực này và thực hiện nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không cho nguồn lây có cơ hội thoát ra ngoài để lây lan sang địa phương khác.
Bên cạnh đó, quyết liệt việc cách ly tại nhà với từng hộ gia đình ở bên trong ổ dịch để ngăn chặn dịch lây lan với nguyên tắc: “Người nhà nào ở yên nhà ấy; không gặp gỡ, tiếp xúc với ai ở bên ngoài; không cho ai đến chơi nhà ai; không cho ai vào nhà mình với tinh thần nhà nhà cửa đóng then cài”.
Về công tác cách ly y tế, các Tổ kiểm tra, giám sát và phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung được thành lập trên địa bàn huyện. Mỗi khu cách ly phải được kiểm tra, giám sát ít nhất 1 lần/ngày và báo cáo kết quả về Tổ kiểm tra, giám sát của tỉnh. Khu cách ly tập trung nào không đảm bảo điều kiện, Chủ tịch UBND cấp huyện và người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp sẽ bị xem xét kiểm điểm. Các trường hợp đã hoàn thành thời gian cách ly phải có xác nhận của người quản lý khu cách ly mới được phép về cách ly tại nhà.
Bắc Giang đã áp dụng test nhanh kháng nguyên để sàng lọc tại chỗ nguồn lây nhiễm mạnh (test nhanh lựa chọn áp dụng có độ nhạy lớn hơn 70% và độ đặc hiệu lớn hơn 80%). Phương pháp lấy mẫu xét nghiệm cũng thực hiện theo hình thức mới, chia nhỏ các nhóm đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu nhằm hạn chế việc lây nhiễm chéo. Ngoài ra, do thiếu hụt về nhân lực y tế, Tổ xét nghiệm áp dụng thử nghiệm mô hình hướng dẫn người dân tự lấy mẫu test nhanh cho nhau (triển khai thí điểm tại các khu cách ly tập trung).
Thiết lập Trung tâm ICU điều trị bệnh nhân nặng
Tình hình hiện tại, số ca mắc ở Bắc Giang sẽ tiếp tục tăng cao song mức tăng có chiều hướng giảm. Bắc Giang tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có của tỉnh, nhằm thiết lập làm cơ sở thu dung điều trị ban đầu bệnh nhân mắc COVID-19. Các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tuỳ theo mức độ lâm sàng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong đợt dịch này, biểu hiện lâm sàng của ca bệnh khác với đợt dịch trước. Ngay cả những người trẻ không có bệnh nền thì diễn biến tổn thương phổi cũng rất nhanh, có nguy cơ tử vong... Vì vậy, để đáp ứng dự báo tình hình số ca mắc tăng nặng, ngoài lựa chọn Bệnh viện Phổi Bắc Giang để thiết lập trung tâm hồi sức tích cực (58 giường), Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) với 101 giường được thành lập sau 5 ngày thi công. Nhiều kíp chuyên môn kỹ thuật từ các bệnh viện trung ương, tuyến tỉnh đã tham gia điều hành trung tâm này.
Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, thời gian qua Bắc Giang đã phải gồng mình tấn công dập dịch với số ca nhiễm kỷ lục. Hiện Bắc Giang đang nỗ lực triển khai các giải pháp, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại, song vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho công nhân tham gia sản xuất.
Đến nay, trong tổng số 360 doanh nghiệp tại 4 khu công nghiệp của Bắc Giang, đến ngày 6/6 đã có 30 doanh nghiệp được hoạt động trở lại và 146 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đề nghị hoạt động trở lại. Hiện đã có hơn 3.660 lao động đã đi làm trở lại; có 6.490/160.000 lao động của 4 khu công nghiệp đã được phê duyệt đi làm trở lại…