Bắc Giang đề xuất xử lý dứt điểm 32 bến bãi hoạt động trái phép

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tiến hành kiểm tra chấp hành pháp luật về đê điều tại 8 huyện, thành phố  trong tháng 10/2021, Đoàn công tác liên ngành tỉnh Bắc Giang phát hiện nhiều bến bãi hoạt động trái phép, đề nghị xử lý dứt điểm 32 bến.
Hàng loạt bến bãi hoạt động trái phép gây bức xúc dư luận Bắc Giang vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, triệt để

Hàng loạt bến bãi hoạt động trái phép gây bức xúc dư luận Bắc Giang vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, triệt để

Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Giang, Đoàn công tác liên ngành do Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ trì cùng các sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông - Vận tải đã tiến hành kiểm tra chấp hành pháp luật về đê điều tại 8 huyện, Thành phố (trừ 2 huyện Sơn Động và Lục Ngạn) trong tháng 10/2021.

Thông qua kiểm tra, cho thấy nhiều vi phạm chưa được xử lý, các bến bãi ngoài quy hoạch vẫn hoạt động. Trong số 50 bến không đủ điều kiện hoạt động, phải giải tỏa, đến nay các địa phương mới chỉ xử lý dứt điểm 10 trường hợp ở huyện Hiệp Hòa và Việt Yên.

Đối với 83 bến, bãi nằm trong quy hoạch, UBND 8 huyện, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã hướng dẫn chủ hộ hoàn thiện hồ sơ theo quy định song vẫn chậm do phần diện tích đất từ mép bờ sông tự nhiên trở vào trước đây không được giao cho các hộ, nay phải điều chỉnh lại.

Tại hầu hết các bến không nằm trong quy hoạch, các chủ bến bãi mới tạm dừng không chất tải vật liệu thêm. Việc di chuyển hết số vật liệu đã chất tải và công trình ra khỏi bãi sông theo yêu cầu của UBND tỉnh chưa được tiến hành.

Làm việc với đoàn công tác, các địa phương cho rằng nguyên nhân chậm xử lý là do các chủ hộ đã chất tải cát, sỏi trên bãi với số lượng lớn, chưa bán được hết vì nhu cầu xây dựng đang giảm, tiêu thụ vật liệu chậm.

Một số bến, bãi không nằm trong quy hoạch song lại đủ điều kiện để chấp thuận đầu tư nên khó xử lý như bãi trung chuyển tập kết cát, sỏi, đá xây dựng của hai Công ty Chiến Thắng và Tiến Hiển, cùng ở thôn Đạo Ngạn 2, xã Quang Châu (Việt Yên). Đầu năm 2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã thẩm định, lấy ý kiến của các ngành liên quan để đề nghị UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Tuy nhiên, do vướng mắc về xác định khoảng cách an toàn cầu đường sắt Thị Cầu nên hai bãi này không được đưa vào quy hoạch.

Được biết, hiện tại Chi cục Thủy lợi - Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang đã tham mưu cơ quan có thẩm quyền báo cáo kết quả kiểm tra, đồng thời đề xuất giải pháp để xử lý dứt điểm các vi phạm.

Theo đó, cơ quan chuyên môn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 8 huyện, thành phố tập trung xử lý dứt điểm, triệt để 32 bến, bãi vật liệu trái phép, không bảo đảm điều kiện để hoạt động trước ngày 31/12/2021. Cụ thể, huyện Việt Yên có 7 trường hợp (không có bãi của Công ty Chiến Thắng và Tiến Hiển ); huyện Hiệp Hòa và Lạng Giang mỗi huyện 6 trường hợp; huyện Tân Yên có 4 trường hợp; huyện Yên Dũng huyện Lục Nam mỗi huyện có 3 trường hợp; huyện Yên Thế có 1 trường hợp và TP Bắc Giang có 2 trường hợp.

Với các trường hợp còn lại, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương xem xét, giải quyết. Để thực hiện nghiêm pháp luật về bảo vệ công trình đê điều, phòng, chống thiên tai, lãnh đạo Chi cục Thủy lợi cho biết, sẽ tham mưu với Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo, xem xét kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo các địa phương xử lý không triệt để các bến, bãi vật liệu không bảo đảm điều kiện hoạt động.

Trong nhiều năm qua, các địa phương trong tỉnh Bắc Giang đã tiến hành xử lý song các bến, bãi chỉ dừng hoạt động trong một thời gian ngắn rồi hoạt động trở lại như bình thường.

Đọc thêm