Điểm sáng trong phòng,chống dịch
Đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có khi là tâm dịch lớn nhất của cả nước với biến chủng mới SARS-CoV-2 lây lan trong các KCN với tốc độ rất nhanh, dịch bệnh đã khiến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất bị đình trệ, sức khỏe và đời sống của nhân dân bị ảnh hưởng lớn.
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã vào cuộc với quyết tâm cao, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Sau gần 2 tháng nỗ lực dập dịch, đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, từ ngày 2/9/2021 đến nay Bắc Giang không phát sinh ca F0 nào ngoài cộng đồng;
Tỉnh đã khống chế, kiểm soát nhanh chóng nguồn dịch phát sinh từ bên trong, ngăn chặn không để dịch từ bên ngoài xâm nhập, giữ vững thành quả phòng, chống dịch của tỉnh, bảo vệ bằng được các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp; đẩy mạnh công tác tiêm vaccine phòng COVID-19.
|
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND nhân dân tỉnh Bắc Giang. |
Trao đổi với phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND nhân dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ thành quả đạt được như hiện tại là nỗ lực to lớn của chính quyền và nhân dân trong tỉnh.
Đặc biệt, là sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế: "Công tác phòng chống dịch thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương.
Đồng thời, tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các tỉnh bạn. Ngoài ra, còn có sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy và sự chỉ đạo nhất quán, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy với quan điểm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc”; huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội; “lấy phòng dịch làm ưu tiên”, “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả”, “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cũng nhấn mạnh, công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả tốt còn nhờ vào Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 các cấp tích cực, chủ động bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh, nòng cốt là ngành y tế cùng với các lực lượng quân đội, công an triển khai các biện pháp quyết liệt, đồng bộ trên địa bàn tỉnh.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể tập trung phòng, chống dịch bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát...
Với những nỗ lực vượt bậc và thành quả trong phòng, chống dịch COVID-19, ngày 18/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang về những thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đây cũng là tỉnh đầu tiên được Chủ tịch nước tặng Huân chương trong lĩnh vực này.
Đạt nhiều thành quả trong phát triển kinh tế
Mặc dù là tâm dịch trong đợt dịch thứ 4, tuy nhiên, tỉnh Bắc Giang vẫn chủ trương thực hiện song song nhiệm vụ "kép": vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Sau khi tình hình dịch cơ bản được kiểm soát, các hoạt động kinh tế dần hồi phục, đời sống sinh hoạt của nhân dân ổn định trong trạng thái bình thường mới.
Kinh tế của tỉnh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất và đạt được những con số ấn tượng.
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) vẫn duy trì đà phục hồi khá; GRDP quý III tăng 6,7% đã bù đắp sự sụt giảm 6,8% của quý II, góp phần đưa GRDP 9 tháng lên mức 5,5% (6 tháng đạt 4,3%), trong đó, công nghiệp – xây dựng tăng 6,6% (công nghiệp tăng 7,8%, xây dựng giảm 0,8%); dịch vụ tăng 2,87%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,1%, thuế sản phẩm tăng 2,6%.
Dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư quan trọng. Song nhờ triển khai tích cực, hiệu quả Nghị quyết số 105-NQ/TU ngày 28/4/2021về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch số 242/KH-UBND nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 nên thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của tỉnh vẫn đạt kết quả khá.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 853,2 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, bằng 90,7% cùng kỳ; trong đó cấp mới 24 dự án đầu tư trong nước (DDI) vốn đăng ký 1.565 tỷ đồng, gấp 5,1 lần; 17 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vốn đăng ký 620,2 triệu USD (trong đó, Nhà đầu tư từ Singapore 03 dự án, Hàn Quốc 08 dự án và Trung Quốc 06 dự án), gấp 2,02 lần; điều chỉnh 7 dự án DDI vốn đăng ký tăng thêm 90 tỷ đồng, 32 dự án FDI vốn đăng ký bổ sung 161 triệu USD, bằng 55,8% so với cùng kỳ.
Tính riêng kết quả thu hút đầu tư FDI trong 9 tháng đầu năm 2021, Bắc Giang đứng thứ 7 cả nước. Các dự án FDI thu hút được có quy mô khá lớn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư trung bình đạt 150 triệu USD.
Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Tuy vậy, giá trị xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh vẫn có mức tăng khá. Giá trị xuất khẩu 9 tháng đạt 10,2 tỷ USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ, đạt 69,1% kế hoạch.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha…; với các sản phẩm chính là dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện các loại, thiết bị điện, sản phẩm từ chất dẻo... Giá trị nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tăng 50,3%, đạt 81,1% kế hoạch; thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản; sản phẩm nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu cho sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh trong đúng thời điểm thu hoạch vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh. Trong khi đó, Bắc Giang là tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp với quy mô lớn như: tổng đàn gà 15 triệu con/năm, đứng thứ 4 toàn quốc; tổng đàn lợn khoảng 01 triệu con, đứng thứ 4 toàn quốc; đặc biệt, vùng trồng vải thiều chuyên canh đứng thứ nhất cả nước, với trên 28.000 nghìn ha “Thủ phủ của Vải thiều”.
Tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ toàn tỉnh đạt 215.852 tấn (tăng trên 50.000 tấn, tương đương tăng 30,82% sản lượng so với năm 2020); trong đó 58,6% được tiêu thụ thị trường nội, 41,4% xuất khẩu. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ (tương đương với doanh thu năm 2020 là 6.830 tỷ đồng).
Hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngay sau khi có Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bắc Giang là tỉnh một trong các tỉnh đầu tiên ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do (Quyết định số 722/QĐ-UBND ngày 17/7/2021 của UBND tỉnh).
Trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung tạo điều kiện thuận lợi giải quyết thủ tục hỗ trợ cho các đối tượng đảm bảo đúng quy định, kịp thời để phát huy được tính nhân văn của chính sách.
|
Sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh, tỉnh Bắc Giang tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội |
Cụ thể UBND tỉnh đã ủy quyền cho các sở, ngành, UBND huyện, thành phố phê duyệt danh sách hỗ trợ cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động chỉ đạo ngành Y tế, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố hoàn thiện hồ sơ về điều trị F0, cách ly F1, các văn bản cách ly xã hội, giãn cách xã hội bàn giao về cho chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho các đối tượng không phải đi lại nhiều nơi làm thủ tục;
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thiết lập các nhóm zalo hỗ trợ cho cán bộ giải quyết chính sách, các doanh nghiệp, người dân trong quá trình thực hiện (riêng nhóm zalo hỗ trợ doanh nghiệp đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp tham gia); qua đó các ý kiến, thắc mắc đều được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị giải đáp kịp thời.
Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, bộ phận liên quan cử cán bộ trực làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật để tạo điều kiện tối đa cho người lao động hoàn thiện hồ sơ theo quy định; tập trung cao giải quyết dứt điểm các hồ sơ đã tiếp nhận và đủ điều kiện, bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.
Đến nay toàn tỉnh Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, riêng chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động chưa thực hiện do chính sách này cần tập trung lao động để đào tạo, hướng dẫn thực hành trực tiếp nhưng hiện nay tại tỉnh Bắc Giang, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, các doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực vào khôi phục phát triển sản xuất nên chưa quan tâm đến việc đào tạo cho người lao động.
"Đến ngày 07/10/2021, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ được 446.865 lượt người, 4.198 doanh nghiệp, 3.120 hộ kinh doanh với tổng số kinh phí đã phê duyệt hỗ trợ là 617,102 tỷ đồng. Nhìn chung, việc hỗ trợ được triển khai thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không bỏ sót, không để xảy ra tiêu cực", ông Mai Sơn nói./.