Bạc Liêu: Dự án nhiều khuất tất khiến người dân bất bình khiếu kiện gần 20 năm

(PLO) -Năm 1997, UBND tỉnh Bạc Liêu quy hoạch khu dân cư Bắc Trần Huỳnh (phường 1, TP.Bạc Liêu) với diện tích 218.661m2 trên đất của hơn trăm hộ dân và giao cho Công ty xây dựng và phát triển nhà tỉnh Bạc Liêu thực hiện. Thế nhưng sau gần 20 thực hiện, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, người dân bất bình khiếu kiện đến trung ương còn tỉnh thì có vẻ như bất lực.
Một góc khu dân cư bắc Trần Huỳnh

Lập lờ trong bồi thường giải tỏa

Năm 1998, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ký quyết định 671/QĐ-UBND, các ngành chức năng của tỉnh và thị xã Bạc Liêu cùng Công ty xây dựng và phát triển nhà đã rốt ráo kê khai hiện trạng nhà, đất, vườn cây ăn trái của 129 hộ dân để tiến hành thu hồi đất, bồi thường và tái định cư cho các hộ dân.

Thế nhưng, sau thời gian dài hàng chục năm trời, dự án Bắc Trần Huỳnh vẫn đâu vào đó vì có quá nhiều lý do từ việc áp giá bồi thường quá thấp so với thực tế đến việc giám đốc công ty cấp đất sai đối tượng cũng như không thu hồi được phần đất của dân theo chủ trương của tỉnh.

Còn nhớ, khi tỉnh có chủ trương, 129 thuộc diện bị thu hồi đất cho dự án mặc dù bị ảnh hưởng vẫn rất đồng tình ủng hộ bởi tin tưởng những lợi ích mang lại từ các công trình phúc lợi như hệ thống đường giao thông, điện, nước sạch, chợ, mặt bằng kinh doanh. Nhưng rồi dự án cứ nằm mãi trên giấy, người dân dở khóc dở cười.

Ngay từ ban đầu, trong khi người dân đồng tình theo chủ trương, chủ đầu tư và một số ngành chức năng thực hiện không nghiêm túc, thiếu minh bạch. Đơn giản ngay từ việc thu hồi đất của dân, cụ thể như trường hợp của ông Nguyễn Văn Hòn (68 tuổi, ngụ tại khóm 7, phường 1).

Ông Hòn cho biết mình có 13.000 m2, gồm đất ở và đất nông nghiệp, là sinh kế của 14 nhân khẩu trong gia đình suốt mấy chục năm qua. Thế nhưng khi tỉnh có chủ trương, ông đã giao cho Công ty xây dựng và phát triển nhà Bạc Liêu toàn bộ diện tích 13.000 m2 đất mà trong tay chưa có một quyết định thu hồi đất lẫn phương án bồi thường nào.

“Công ty chỉ cho gia đình tôi tạm ứng lắc nhắc tổng cộng số tiền 200 triệu đồng và tái định cư cho gia đình 168m2 đất. Nhưng khi chuyển mục đích sử dụng 168m2 đất trên, gia đình tôi phải đóng 250 triệu đồng, thế là coi như gia đình tôi mất trắng 13.000 m2 đất”, ông Hòn kêu thán.

Từng có ruộng đất canh tác nông nghiệp và cuộc sống ổn định, thế nhưng gần 20 năm qua, gia đình ông Hòn rơi trong thảm cảnh làm thuê sinh sống qua ngày. “Khi tôi làm đơn yêu cầu thì không nơi nào giải quyết, thử hỏi như thế có công bằng hay không?”, ông Hòn chán ngán.

Cùng cảnh ngộ với ông Hòn là hộ ông Trương Văn Nhì, cũng ở phường 1. Năm 1982, ông Nhì có mua hơn 3000m2, có giấy xác nhận của UBND phường 4 (cũ) do ông Nguyễn Văn Sơn khi đó là phó chủ tịch ký tên, đóng dấu. Sau đó ông Nhì cũng đã được cấp Giấy chứng nhận QSH nhà-đất vào năm 1993.

Đang sinh sống ổn định, quyết định 671/QĐ-UBND ngày 5/11/1998 được ban hành, ông Nhì rơi vào diện thuộc 129 hộ dân bị thu hồi quyền sử dụng đất. “Gần 20 năm qua, gia đình tôi chưa nhận được quyết định thu hồi đất và cũng chẳng biết giá cả bồi hoàn như thế nào, tái định cư là bao nhiêu”, ông Nhì tỏ ra khó hiểu.

Bây giờ, gia đình ông Nhì muốn xây cất nhà cũng không được mà tách thửa đất cho các con cũng không xong. Bởi mỗi lần tìm đến phường và Phòng Tài nguyên và Môi trường TP.Bạc Liêu xin tách thửa thì nhận được câu trả lời là đất nằm trong dự án quy hoạch.

“Tôi đề nghị tỉnh, thành phố phải minh bạch rõ ràng. Quyết định thu hồi đất vì sao không trao tận tay cho từng cá nhân mà chỉ là danh sách 129 hộ dân. Trong khi đó, nội dung quyết định 671/QĐ-UBND chỉ nói chung chung rồi buộc các hộ dân phải thực hiện giao đất, chủ đầu tư lại dùng mọi cách để ép dân”, ông Nhì nói.

Dự án được triển khai gần 20 năm nhưng chưa biết đến khi nào mới hoàn thành

Tạo áp lực buộc dân giao đất

Bà Lê Thanh Thoa (khóm 7, phường 1) cho biết vào năm 1986, sau khi nhận nhiệm vụ tăng cường về tỉnh Minh Hải để dạy học, gia đình bà đã khăn gói từ Bình Trị Thiên về định cư tại thị xã Bạc Liêu để dạy học tại trường THCS Võ Thị Sáu. Sau bao năm vất vã, tích cóp từ đồng lương dạy học và chăn nuôi bà mua được gần 4000m2 đất để ở.

Năm 1992 bà mua thêm được 4.000m2 đất nông nghiệp để canh tác nhưng đến năm 1998 thì có quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thu hồi hết phần đất mà bà đang sử dụng gần 8.000m2 nhưng chỉ tái định cư cho gia đình bà 300m2 để ở.

Cũng giống như các hộ khác gia đình bà Thoa cũng không nhận được quyết định nào về thu hồi đất, kể cả phương án bồi thường, mọi thứ đều triển khai bằng… miệng. Sau đó con đường Nam Sông Hậu đã được khởi công trên phần đất hơn 1.100m2 của bà nhưng vẫn không có quyết định thu hồi và phương án bồi thường.

Khi đó, bà Thoa làm đơn gởi khắp nơi để đòi quyền lợi. Sau ba lần viết đơn trình bày những khuất tất nói trên, bà Thoa vẫn không nhận được quyết định thu hồi đất lẫn bồi thường phần đất đã làm con đường mà chỉ có quyết định bổ sung chi trả bồi thường cho bà 160 triệu đồng giai đoạn từ năm 2010-2012.

Bà Thoa cho biết, phần đất còn lại 7.000m2 mặc dù cơ quan chức năng không hề đả động tới phương án bồi thường nhưng thi thoảng, UBND TP.Bạc Liêu lại gửi thông báo đến gia đình bà với nội dung  rằng thành phố sẽ đưa lực lượng đến để bảo vệ công trình thi công nếu bà không giao đất cho dự án.

Gần 20 năm qua, gia đình bà Thoa đi đăng ký làm giấy chứng nhận QSDĐ luôn bị khước từ, thậm chí đăng ký vô điện, nước để phục vụ sinh hoạt cũng bị các cơ quan này từ chối vì chủ trương của thành phố chưa cho phép. Đáng nói hơn, bà Thoa còn bị cơ quan nơi bà công tác gây sức ép vì chuyện đất đai.

“Lúc tôi còn giảng dạy ở Trường THCS Võ Thị Sáu, cứ vài ngày trường lại họp để kiểm điểm tôi vì không giao đất cho chủ đầu tư. Tôi trả lời nhà trường đây là tài sản vợ chồng tôi tạo ra, khi nhà nước thu hồi thì phải có quyết định và phương án bồi thường hợp tình, hợp lý chứ tôi hoàn toàn không chống đối nhà nước”, bà Thoa thẳng thắn.

Không khuyết điểm, không vi phạm đạo đức nhà giáo nhưng bị ban giám hiệu nhà trường gây áp lực, kiểm điểm, bà Thoa bức xúc nên cùng các hộ dận dân khăn gói ra tận Hà Nội để đệ đơn khiếu kiện. Nói về điều này, bà Thoa đặt câu hỏi, nếu UBND tỉnh Bạc Liêu giải quyết thấu lý, đạt tình thì người dân ra tận Hà Nội khiếu kiện làm gì?

“Gia đình tôi là gia đình liệt sỹ, bản thân tôi là giáo viên tăng cường vào Nam để giảng dạy từ những năm khi đất nước đầy khó khăn, thiếu thốn, lý ra nhà nước địa phương xem xét chiếu cố cho gia đình tôi chứ có đâu điện, nước sinh hoạt lại không cho đăng ký sử dụng vì chưa giao đất cho chủ đầu tư”, bà Thoa tâm sự.

Từ việc triển khai thu hồi đất của dân thiếu minh bạch nên đến thời điểm này, vẫn còn 30 hộ dân kiên quyết không nhận tiền bồi thường nên chưa giao đất cho chủ đầu tư. Cũng vì lý do tương tự mà  gần 90 hộ dân đã nhận tiền bồi thường và tái định cư đã tái chiếm lại phần đất mà trước đó tỉnh thu hồi giao cho chủ đầu tư.

Sự việc càng phức tạp hơn khi phần đất của họ đã được chủ đầu tư phân lô và cấp quyền SDĐ cho rất nhiều cán bộ công nhân viên chức nhưng rất nhiều trường hợp không thể tiến hành xây dựng nhà vì chủ đất đứng ra can ngăn. Tình trạng nói trên diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng tỉnh vẫn chưa tìm ra giải pháp.

Một dự án triển khai đã gần 20 năm nhưng đến nay thời điểm hoàn thành vẫn là điều bỏ ngỏ, đồng nghĩa với việc, hàng trăm nghìn mét vuông đất đô thị đã, đang và sẽ tiếp tục bị lãng phí. Và trong khi người dân khốn khổ, mỏi mòn đòi quyền lợi, chính quyền tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa có biện pháp thấu đáo giải quyết vấn đề.

Đọc thêm