Bạc Liêu đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần với người dân

(PLVN) -  Công an Bạc Liêu đang rất quyết liệt triển khai đưa các dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4, đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để người dân được tiếp cận gần hơn với dịch vụ công trực tuyến, từ đó phát huy hiệu quả thực sự của các loại dịch vụ công do ngành Công an cung cấp.

Theo đó, ngày 15/02/2022, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đăng ký cư trú, cấp Căn cước công dân trên địa bàn tỉnh. Qua hơn 03 tháng triển khai, thực hiện, bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý cư trú và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện tại số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến vẫn chưa cao, do thủ tục phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần, kèm với đó là những rào cản của dịch vụ công trực tuyến đối với người dân.

Lực lượng Công an hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên thiết bị điện tử.

Một số rào cản khiến dịch vụ công trực tuyến khó tiếp cận người dân

Một trong những rào cản khiến người dân chưa được tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến là thiết bị điện tử. Tuy nhiên, những người dân ở các vùng nông thôn, hoặc những người lớn tuổi, những người ít tiếp xúc với công nghệ. Hiện nay, đa phần đối tượng sử dụng những dịch vụ công trực tuyến thường là doanh nghiệp, hộ kinh doanh do đã quen với các thiết bị công nghệ, với các dịch vụ trên mạng Internet, vì thế họ cũng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến hơn.

Một rào cản lớn để dịch vụ công trực tuyến thực sự hữu ích, đến được với người dân đó là “tâm lý truyền thống” của người dân khi làm thủ tục hành chính. Thông thường, người dân vẫn có thói quen đến trực tiếp cơ quan nhà nước để làm thủ tục hành chính, với suy nghĩ là sẽ chắc chắn hơn, được hướng dẫn cụ thể hơn về các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan.

Ngoài ra, có thể thấy hiện một số dịch vụ công trực tuyến có nhiều quy trình phức tạp sẽ khiến người dân dễ bị rối, từ đó hạn chế sử dụng. Chính vì thế, cải thiện quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng là một bước để giúp người dân từng bước tiếp cận với cách làm mới. Đơn cử như việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với việc cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe. Người dân phải thực hiện nhiều thao tác, như truy cập vào cổng dịch vụ công trực tuyến, sau đó đăng ký, nhận mã xác thực qua điện thoại di động. Người dân phải có số CMND/CCCD cùng với số điện thoại chính chủ. Sau đó, còn phải tra cứu dữ liệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ, tra cứu dữ liệu sức khỏe…. Thậm chí, dù đã thanh toán trực tuyến lệ phí đổi giấy phép lái xe vào Kho bạc nhà nước qua chức năng thanh toán của hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, nếu đăng ký không thành công do hồ sơ chưa hợp lệ, việc hoàn trả lại tiền cũng mất nhiều thời gian.

Người dân vẫn còn thói quen trực tiếp đến cơ quan nhà nước để được hướng dẫn làm thủ tục hành chính vì cảm thấy an tâm hơn.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đòi hỏi việc kết nối, chia sẻ dữ liệu liên thông giữa các ngành phải thật thông suốt. Chẳng hạn để kết nối dữ liệu trong cấp, đổi giấy phép lái xe trực tuyến, Bộ Giao thông vận tải phải phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an kết nối dữ liệu khám sức khỏe, dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến

Để người dân có thể sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, Công an các đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng.

Qua quá trình triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, Thiếu tá Kiều Quốc Thanh - Trưởng Công an Phường 1 (thành phố Bạc Liêu) cho biết: “Trên địa bàn phường có gần 200 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, hiện tại Công an phường đã tiến hành hướng dẫn cho tất cả chủ cơ sở cách thức đăng ký cư trú trên cổng dịch vụ công trực tuyến, bước đầu được sự đồng thuận cao của người dân. Khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết thủ tục hành chính ở mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có thiết bị có kết nối mạng internet, điều này góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại cho công dân; đồng thời, cũng giúp cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả hơn trong lĩnh vực cư trú”.

Lực lượng Công an cơ sở “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền cho người dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Đồng thời, Công an Bạc Liêu cũng đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ số trong thực hiện công tác chuyên môn, nhất là tại những đơn vị thực hiện chức năng giải quyết thủ tục hành chính. Xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trong nội bộ ngành Công an và kết nối, chia sẻ dữ liệu an toàn với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đảm bảo kết nối, liên thông và thực hiện chia sẻ dữ liệu một cách thông suốt, đồng bộ, an ninh, an toàn với nền tảng dữ liệu quốc gia.

Thượng tá Lê Quốc Cường - Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Việc đăng ký dịch vụ công trực tuyến trước mắt sẽ còn khá nhiều khó khăn, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng tiếp cận, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh cũng như độ phủ sóng của mạng 3G, 4G còn hạn chế cũng sẽ là trở ngại lớn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công”.

Với quyết tâm cao nhất, Công an Bạc Liêu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền các cấp tuyên truyền, hướng dẫn và giải đáp vướng mắc của công dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh./.

Đọc thêm