Bạc Liêu xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 26/01, thông tin từ Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu Từ Minh Phúc cho biết, UBND tỉnh ban hành đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Gìn giữ Đờn ca tài tử và lưu truyền cho các thế hệ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Xuân Thu Vân, nghệ thuật Đờn ca tài tử hiện tại đang dần bị mai một, chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức cho lĩnh vực này. Một số nghệ nhân nòng cốt hiện tại phần đông đã lớn tuổi, việc truyền dạy cho lớp trẻ chưa có lộ trình, bài bản chính thức, một bộ phận thanh thiếu niên ít am hiểu về loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử….

Do đó, tỉnh Bạc Liêu xác định việc đầu tư, xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 là rất cấp thiết, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của địa phương. Đồng thời, tiếp tục gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ.

Mục tiêu của đề án là nhằm tiếp tục khẳng định giá trị to lớn của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Một tiết mục biểu diễn tại Toạ đàm “Bản Dạ cổ hoài lang - góc nhìn người làm báo” Tuần Văn hóa- Du lịch Bạc Liêu năm 2019.

Một tiết mục biểu diễn tại Toạ đàm “Bản Dạ cổ hoài lang - góc nhìn người làm báo” Tuần Văn hóa- Du lịch Bạc Liêu năm 2019.

“Thông qua Đề án này, tỉnh mong muốn tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân giao lưu, học hỏi, trau dồi nghề nghiệp; từng bước nâng cao chất lượng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương; phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Xuân Thu Vân cho biết.

Tỉnh Bạc Liêu cũng dự tính xây dựng loại hình này trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh để Bạc Liêu xứng đáng là một trong những cái nôi Nghệ thuật Đờn ca tài tử của Nam Bộ.

Mỗi trường đại học, cao học, trung cấp chuyên nghiệp, THPT có ít nhất một câu lạc bộ Đờn ca tài tử

Để thực hiện có hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục xây dựng và duy trì mỗi ấp, khóm, mỗi xã, phường, thị trấn, mỗi trường đại học, cao học, trung cấp chuyên nghiệp, THPT có ít nhất một câu lạc bộ Đờn ca tài tử hoạt động có hiệu quả.

Xây dựng nội dung, tài liệu tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử với nhiều hình thức phù hợp cho 100% các Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà Văn hóa - Khu Thể thao ấp, câu lạc bộ Đờn ca tài tử, Ban Chủ nhiệm các ấp, khóm văn hóa.

Đặc biệt, 100% các trung tâm huyện, thị xã, thành phố có cụm pano tuyên truyền về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đồng thời, vận động các Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực diễn xướng dân gian tham gia vào công tác truyền dạy về Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ cho các thành viên các câu lạc bộ Đờn ca tài tử, đoàn viên, hội viên, sinh viên, học sinh… tại các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các trường phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học trong tỉnh.

Đờn ca tài tử cần được phát huy trong các hoạt động du lịch để tạo điểm nhấn cho Bạc Liêu.

Đờn ca tài tử cần được phát huy trong các hoạt động du lịch để tạo điểm nhấn cho Bạc Liêu.

Duy trì tổ chức đăng cai và tham gia liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ 3 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau và tham gia giao lưu, liên hoan, hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ khu vực, các tỉnh, thành phố và toàn quốc.

Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngoài ra, tiếp tục rà soát và hướng dẫn các cá nhân đủ điều kiện lập hồ sơ đăng ký xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo đúng quy định pháp luật hiện hành để đề nghị cấp có thẩm quyền trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” cho các cá nhân có nhiều thành tích đóng góp đặc biệt vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của tỉnh.

“Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu là nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của địa phương. Đồng thời, tiếp tục gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ, nhằm thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Mục tiêu của Đề án là nhằm tiếp tục khẳng định giá trị to lớn của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời, Đề án góp phần thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Đọc thêm