Năm 2022, tỉnh Bắc Ninh xác định là năm tạo đà thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Với mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng nhân dân” cùng với tập trung tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Bắc Ninh đã đề ra nhiều giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023), gồm: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 01 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động...
Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chính sách cho vay ưu đãi đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định |
Căn cứ vào nội dung của Nghị quyết số 11, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã rà soát và xác định nhu cầu vốn các chính sách cho vay ưu đãi trong 2 năm 2022-2023 của tỉnh là 1.470 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2022, tỉnh Bắc Ninh cần khoảng 700 tỷ đồng và năm 2023 khoảng 770 tỷ đồng để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cần gần 1.200 tỷ đồng; chương trình cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là 250 tỷ đồng; Cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập là 17,5 tỷ đồng và cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch là 12,5 tỷ đồng.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ mới đây, ông Ngô Tân Phượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan bám sát chỉ đạo của Trung ương để tham mưu UBND tỉnh ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11.
“Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tham mưu, tổ chức triển khai các chính sách cho vay ưu đãi đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xác định nhu cầu vốn các chính sách cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định cho từng năm 2022 và 2023”.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cần chủ động ban hành Kế hoạch triển khai và thành lập Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên, chi nhánh ngân hàng. Đồng thời, triển khai phân bổ nguồn vốn hài hòa, hợp lý giữa các địa phương, khu vực, đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng địa chỉ, công khai, minh bạch.
Đối với các địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện giải ngân vốn tín dụng ưu đãi và tăng cường nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đáp ứng nguồn vốn cho các đối tượng chính sách.