Mặc dù năm 2021, tỉnh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, tuy nhiên với việc chỉ đạo, điều hành đồng bộ các giải pháp, thích ứng linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép” với nhiều sáng tạo chưa từng có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng, iểm soát dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân... nền kinh tế Bắc Ninh vẫn tăng trưởng tốt, vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, trong báo cáo tại Kỳ họp thứ Tư – HĐND tỉnh khóa XIX ngày 7/12 cho thấy: Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2021 đã tăng 8,5%; Xuất khẩu hàng hóa tăng 18,7%; Dư nợ tín dụng tăng 19,7%; Thu hút đầu tư trong nước quy mô vốn gấp 2,6 lần so với năm 2020.
Đáng chú ý, công tác thu hút đầu tư nước ngoài đã tăng gấp 2,7 lần. Trong đó, đã ký kết thỏa thuận phát triển Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu bán dẫn tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, biên bản ghi nhớ với đối tác chiến lược của Nhật Bản phát triển dự án kho vận tại Khu công nghiệp Yên Phong 2A; tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng đạt 98%, đứng thứ 3 cả nước. Công tác thu ngân sách Nhà nước cũng vượt 11,7% dự toán năm; GRDP bình quân đầu người ước 6.738 USD; Thu nhập bình quân đầu người 71,8 triệu đồng...
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn tiếp tục nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) vượt lên đứng thứ 4/63 (tăng 46 bậc); chỉ số sẵn sàng chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định; Lực lượng y tế, Công an, quân sự và các đoàn thể xã hội đã phát huy vai trò tích cực trong tham gia phòng, chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội cho nhân dân.
Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong năm 2022, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị, thu hút, lựa chọn nhà đầu tư triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị có quy mô lớn; các khu thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí cấp vùng; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội... Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm, hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động sản xuất tại các KCN để kịp thời áp dụng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trong tình hình mới./.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong quản lý quy hoạch xây dựng, sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, quản lý tài chính, ngân sách, tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát; ổn định chính trị - xã hội và an toàn, an ninh cho nhân dân. Tích cực, chủ động đẩy mạnh triển khai, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đồng bộ, toàn diện.