Hội nghị đã trao đổi và thảo luận về 2 Dự án luật, gồm: Luật Cư trú (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Các đại biểu thống nhất về tính cần thiết của 2 Dự án Luật với vai trò củng cố và khắc phục những bất cập trong lĩnh vực quản lý nhà nước về cư trú và xử lý vi phạm hành chính.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện các Dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi.
Cụ thể, đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Hội nghị nhấn mạnh đến các vấn đề về Hình thức xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền tối đa...
Các đại biểu đề nghị quy định thống nhất thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm đối với tất cả các hành vi vi phạm, trừ trường hợp có thời hiệu khác đã được thống kê cụ thể trong luật.
Về việc bổ sung biện pháp cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính bằng việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các đối tượng vi phạm vẫn còn ý kiến khác nhau. Một số ý kiến nhất trí bổ sung hình thức cưỡng chế này đối với những đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, xây dựng và có quy định cụ thể để không làm ảnh hưởng đến những đối tượng không liên quan.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng điện, nước là nhu cầu thiết yếu, quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính là chưa phù hợp, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức. Có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ quy định áp dụng xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với người nghiện ma túy vì không khả thi.
Đối với Dự án Luật Cư trú (sửa đổi), các ý kiến tập trung vào nội dung về: Điều kiện đăng ký thường trú, thủ tục đăng ký thường trú; điều khoản thi hành... Đại biểu nhất trí cao về việc bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú để thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật trên Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Tuy nhiên, đề xuất Ban soạn thảo cần quy định lộ trình thực hiện luật để có sự chuyển tiếp bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú vì hiện nay gần 30 thủ tục hành chính của các bộ, ngành còn yêu cầu Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng phương tiện kỹ thuật điện tử chưa đồng bộ, chưa bảo đảm.
Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị lần này sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tiếp thu, tập hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm căn cứ hoàn thiện các Dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ X.