Bắc Ninh sẽ quản lý lộ trình công nhân bằng đồng hồ gắn chíp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với 450.000 công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp tại Bắc Ninh, việc quản lý cơ học về lâu dài sẽ rất khó khăn. Do vậy, địa phương này đã tính tới việc quản lý bằng công nghệ thông qua việc yêu cầu công nhân đeo đồng hồ gắn chip.
450.000 công nhân, người lao động tại Bắc Ninh dự kiến sẽ được quản lý bằng đồng hồ gắn chíp. Ảnh: VOV.
450.000 công nhân, người lao động tại Bắc Ninh dự kiến sẽ được quản lý bằng đồng hồ gắn chíp. Ảnh: VOV.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn chia sẻ với báo chí trong ngày 27/6.

Theo đó, cùng với việc tiếp tục đưa công nhân trở lại nhà máy làm việc, Bắc Ninh sẽ tăng cường kiểm soát các biện pháp đảm bảo an toàn chống dịch trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp.

Trong đó, sẽ áp dụng các biện pháp công nghệ để kiểm soát dịch. Cụ thể là quản lý bằng công nghệ thông qua việc yêu cầu công nhân đeo đồng hồ gắn chip. Qua đồng hồ, nếu công nhân, người lao động đi sai lộ trình, doanh nghiệp sẽ phát hiện được ngay.

Theo ông Tuấn, từ ngày 20/6, Bắc Ninh đã cho thêm công nhân trở lại nhà máy làm việc, nhưng đối với lao động trong khu dân cư đang thực hiện cách ly, muốn vào nhà máy cũng phải được xét nghiệm RT- PCR 2 lần âm tính mới được vào làm. Ngược lại công nhân, người lao động từ nhà máy về lại khu dân cư cũng phải test nhanh cho kết quả âm tính để tránh tình trạng ủ bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, để đảm bảo chống dịch hai đầu là khu công nghiệp và khu dân cư mà vẫn duy trì sản xuất, ngày 26/5, Bắc Ninh đưa ra phương án "lọc" công nhân sạch, cho phép không quá 50% công nhân vào làm việc, ăn ở tại công ty, thậm chí cả công nhân ở vùng cách ly, giãn cách xã hội..

Đây không phải là lần đầu tiên những biện pháp công nghệ nhằm tăng cường truy vết, kiểm soát dịch được đưa ra nghiên cứu. Trước đó, vào 4/5 khi làn sóng dịch lần thứ 4 bắt đầu “càn quét” tại nước ta, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cũng đã cho rằng phải có đầu mối chỉ đạo thống nhất, tăng cường các ứng dụng, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác truy vết, nắm được thông tin của tất cả những trường hợp bắt đầu nhập cảnh vào Việt Nam.

Các đơn vị công nghệ thông tin nghiên cứu, đề xuất giải pháp cụ thể để triển khai vòng tay điện tử giám sát các chuyên gia, lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn sự lây lan của dịch bệnh, tại một số quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng biện pháp dùng vòng tay điện tử để giám sát những người vi phạm quy định tự cách ly.

Đơn cử như Hàn Quốc, vào thời điểm giữa năm 2020 khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại “xứ sở kim chi”. Chính phủ Hàn đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có việc gắn vòng tay điện tử giám sát với những người đi ra ngoài mà không thông báo, không trả lời cuộc gọi và vi phạm nguyên tắc tự cách ly.

Chính quyền Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã từng thực thi biện pháp trên vào đợt dịch hồi cuối tháng 3/2020 khi phần lớn số ca nhiễm tại đây đều là du khách nước ngoài.

Tất cả những người đến Hong Kong sẽ được giám sát y tế 2 tuần và tự cách ly. Đặc biệt, họ sẽ phải đeo vòng tay điện tử giám sát, kết nối với ứng dụng điện thoại thông minh nhằm kiểm soát triệt để việc tự cách ly tại nhà.

Ứng dụng công nghệ trong việc truy vết được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất trong việc kiểm soát dịch tại nước ta nói riêng cũng như trên thế giới. Về việc truy vết điện tử, hiện nay có hai nguồn dữ liệu chính là từ ứng dụng Bluezone và Hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế. Bên cạnh đó riêng tại Bắc Ninh còn có Tổ phân tích thông tin để phân tích các nguồn dữ liệu, đề xuất việc truy vết, xét nghiệm và đánh giá nguy cơ lây lan.

Nhờ áp dụng tốt công nghệ và sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị Bắc Ninh và nhân dân cả nước, hiện tình hình dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tại Bắc Ninh cơ bản được kiểm soát, hầu hết các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Các ngành chức năng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch trong KCN như thí điểm mô hình doanh nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm tại 04 doanh nghiệp; thành lập nhóm zalo “Nhóm thông tin COVID-19 các khu công nghiệp (KCN) Bắc Ninh” nhằm giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh phát sinh trong các doanh nghiệp.

Hiện đã có 960 doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình ở tại nhà máy, nâng công suất hoạt động của doanh nghiệp khoảng 60%.

Đọc thêm