Ban kiểm soát hết cảnh“bù nhìn canh dưa”?

(PLO) - Ban kiểm soát trong doanh nghiệp sẽ “thực” đến đâu, hay chỉ thành lập cho đủ thành phần? Đây là một trong những vấn đề được trông đợi giải quyết tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Theo Dự thảo Luật DN sửa đổi, chỉ cần có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết là đủ điều kiện tiến hành đại hội cổ đông, thay vì 65% như hiện nay. Ảnh minh họa
Theo Luật sư Lê Minh Toàn, Công ty Luật Lê Minh, mặc dù được Luật Doanh nghiệp 2005 quy định nhiều quyền hạn nhưng trên thực tế, vị trí và vai trò của ban kiểm soát trong cơ cấu quản trị và điều hành của các công ty phần lớn chỉ mang tính hình thức, do sự chi phối quá lớn của cổ đông/nhóm cổ đông đa số (nhất là cổ đông/nhóm cổ đông nắm giữ một tỷ lệ đủ để thông qua các quyết định có lợi hoặc phủ quyết các quyết định gây bất lợi cho mình). 
Những cổ đông/nhóm cổ đông đa số này chi phối hội đồng quản trị, ban kiểm soát thông qua quyền đề cử, ứng cử, giới thiệu ứng cử viên tại đại hội đồng cổ đông; hoặc giới hạn số lượng thành viên ban kiểm soát ở mức thấp để loại bỏ ứng cử viên của nhóm cổ đông thiểu số... đồng thời quy định tiêu chuẩn thành viên ban kiểm soát “không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột của thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và người quản lý khác” không bao quát hết với trường hợp nhờ người khác đứng tên hộ nắm cổ phần chi phối, cổ đông lớn (trên 5%).
Một thực tế phổ biến khác xuất phát từ thực tiễn tranh chấp trong nội bộ công ty, đó là ở đâu có tranh chấp, ở đó vai trò của ban kiểm soát rất mờ nhạt, thậm chí không tồn tại, hoặc nếu có thì cũng chỉ “tồn tại trên giấy”. 
Quy định cho phép ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc cũng bất khả thi, bởi những thành viên này cũng là cổ đông đa số/cổ đông lớn hoặc do hội đồng quản trị đề cử/tuyển dụng. Chính vì vậy, dưới áp lực “một cổ hai tròng” (đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị), ban kiểm soát tại nhiều công ty hoạt động kiểu “cầm chừng” hoặc “gió chiều nào, theo chiều đó”. 
Những nơi có ban kiểm soát muốn làm mạnh theo thẩm quyền đã được luật định thì thành viên ban kiểm soát (thậm chí cả trưởng ban) sẽ rất dễ bị thay thế. Cho nên mới có tình trạng tại nhiều công ty cổ phần, dưới áp lực của nhóm cổ đông thiểu số yêu cầu triệu tập họp đại hội đồng cổ đông bất thường hoặc khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên hội đồng quản trị, giám đốc/tổng giám đốc thì ban kiểm soát chọn phương án “từ chức tập thể” hoặc “im lặng không có ý kiến” (?!).
Trong Dự thảo mới nhất đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến thì ban kiểm soát sẽ được tăng quyền như: “Có quyền xem sổ sánh kế toán, báo cáo và tài liệu khác của công ty, kiểm tra công việc quản lý điều hành của hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) bất cứ khi nào xét thấy cần thiết, hoặc theo yêu cầu của cơ quan chủ sở hữu; xem xét, đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh, thực trạng tài chính của công ty, thực trạng vận hành và hiệu lực các quy chế quản trị nội bộ công ty; yêu cầu thành viên hội đồng thành viên; tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc), kế toán trưởng và những cán bộ quản lý khác báo cáo, cung cấp thông tin về bất cứ việc gì trong phạm vi quản lý và hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty; yêu cầu những người quản lý công ty báo cáo về thực trạng tài chính, thực trạng và kết quả kinh doanh của công ty con nếu xét thấy cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty”. 
Liệu những quy định này có chấm dứt cảnh ban kiểm soát chỉ là “bù nhìn”?

Đọc thêm