Bản tráng ca vọng ra từ hang đá Trường Sơn

(PLVN) -  Dẫu biết thời nay không còn chỗ cho những chuyện tâm linh quá đà để mê tín. Nhưng, có những sự trùng hợp đến khó tin cũng khiến ta không khỏi nghĩ suy. Hang Tám Cô, ngoài câu chuyện là bản tráng ca bất diệt về 8 liệt sĩ anh hùng còn mang một ý niệm về chốn linh thiêng đến lạ kỳ như thế…
Đền Tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng hôm nay.

Sáng hôm nay (14/11), Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (AHLS) hy sinh tại hang Tám Cô và đường 20 Quyết Thắng. Cùng đó, Tuần lễ húy nhật (lễ giỗ) cũng được tổ chức trang trọng kéo dài 9 ngày, từ 13 - 21/11/2021 (nhằm ngày 9/10 - 17/10 năm Tân Sửu).

Chuỗi hoạt động tri ân tưởng niệm này nhân kỷ niệm 49 năm Ngày hy sinh của 8 thanh niên xung phong (TNXP) trong hang Tám Cô được tổ chức tại Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng, thuộc địa phận xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), trong lâm phần của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Khúc bi tráng

Tháng 11/1972, Mỹ - ngụy dùng máy bay tăng cường quần thảo, ném bom rải thảm trên tuyến đường 20, hòng cắt gãy sự chi viện của miền Bắc hậu phương cách mạng vào tiền tuyến miền Nam qua đất bạn Lào. Đường huyết mạch này trở thành “tọa độ lửa”. Nhưng với khẩu hiệu: “Sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, hàng vạn bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến kiên quyết bám đường, đảm bảo mạch máu giao thông cho sức người, sức của ùn ùn tiến vào tiền tuyến.

Đường 20 bị máy bay Mỹ đánh phá tơi bời vào tháng 11/1972. (Ảnh tư liệu)

Đúng buổi chiều 14/11 cách đây 49 năm, Đội TNXP 25 (thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559) đang vá đường thì còi báo động máy bay ập về đánh phá, họ vội vã trú tạm vào hang đá có tên là Tám Cô bên đường. Cả đoạn đường tan nát bởi loạt B52 dày đặc kèm theo tiếng sập rung chuyển núi rừng.

Tảng đá nặng hàng ngàn tấn oan nghiệt ập xuống. Cửa hang bị bịt kín, để lại phía trong là 8 chiến sĩ. Mọi phương án cứu hộ của quân dân ta từ bên ngoài đều không khả thi… Chỉ cách một lớp đá mà đoạn lòng uất nghẹn, để cái chết cướp dần từng đồng đội. Mãi đến ngày thứ 9 (23/11), phía ngoài hang chỉ còn nghe thấy tiếng gọi thổn thức cuối cùng rất yếu ớt của 1 nữ TNXP: “Mẹ ơi”, rồi im bặt…

Họ không thể thoát ra ngoài và tất cả đã nằm lại vĩnh viễn trong hang đá lạnh lẽo. Hang Tám Cô từ đó trở thành nấm mồ chung của 8 TNXP thông đường gồm: Lê Thị Lương, Đỗ Thị Loan, Lê Thị Mai, Trần Thị Tơ, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Mậu Kỷ, cùng chung quê ở Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Họ ngã xuống khi tuổi đôi mươi - đẹp nhất đời.

Lý giải của nhiều cựu binh từng hành quân qua đường 20, hang đá này vốn là nơi trú ẩn của 8 nữ TNXP giữ đường nên họ thường gọi với tên dung dị - hang Tám Cô. Sau ngày 14/11 ấy, 8 người hy sinh là 4 nữ, 4 nam nhưng vẫn được gọi bằng tên cũ.

Năm 1996, tức là 24 năm sau, tỉnh Quảng Bình đã quyết định phá tảng đá lấp cửa hang để đưa hài cốt các TNXP ra ngoài trở về với đất mẹ. Theo những người chứng kiến cuộc “giải thoát”, khi phá được cửa hang, cả 8 bộ hài cốt nằm cuộn chồng lên nhau.

Họ đã sống và chiến đấu vì độc lập dân tộc cùng đồng chí, đồng đội. Khi ngã xuống, họ cũng ở bên nhau, ôm chặt đồng đội. Đến nay, gần nửa thế kỷ trôi qua, câu chuyện 8 TNXP đã anh dũng hy sinh trong hang Tám Cô vẫn mãi được nhắc nhớ như bản tráng ca bất diệt với thời gian...

Giữ cho di tích hang Tám Cô luôn sạch đẹp, trang nghiêm là công việc mỗi ngày của Trưởng ban Nguyễn Tứ Vỵ và các cán bộ nơi đây.

Những đóa hoa vô thường

Lòng hang đá nay đã rộng ra hơn, cửa hang gắn bia ghi tên tuổi của 8 TNXP cùng 5 chiến sĩ pháo binh khác hy sinh trên đoạn đường này vào buổi chiều định mệnh ấy. Bàn thờ các liệt sĩ được đặt dưới một vỉa đá trong lòng hang. Một ngôi đền được xây dựng bên cạnh hang Tám Cô là nơi tưởng niệm những AHLS đã anh dũng nằm lại trên tuyến đường 20.

“Khi còn đặt bước chân trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, chúng tôi không bao giờ quên sự hi sinh cao cả của các cô. Những cô gái TNXP - cầu cho các cô được vĩnh hằng!” – đó là những dòng được khắc trên tấm đá hoa cương đặt bên vách hang của một du khách viếng thăm ký thác lại và vẫn vang vọng mãi phúc âm.

Đặt chân tới khu vực Đền tưởng niệm và hang Tám Cô, tôi đã dừng bước, lặng người hồi lâu trước cụm tượng đá khắc tạc sống động vóc dáng huyền thoại hào hùng của những chiến sĩ Trường Sơn chân dép cao su phá bom mở đường, dùng hỏa lực tấn công địch, thông tin liên lạc... Thời lính như thế, nay họ trở về kiên vững trong khốn khó để dựng xây quê hương. Có người nguyện về bên cạnh di tích để chăm nom đồng đội.

Trong Ban Quản lý Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng, cũng có người là cựu chiến binh. Ông Mai Văn Châu (SN 1966) là một người như thế. “Công việc chúng tôi là quản lý, bảo vệ, chăm sóc cây cối và các công trình khác khu di tích để đảm bảo luôn sạch đẹp, trang nghiêm; đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ các tổ chức, cá nhân đến thăm viếng, tri ân… Nói thì đơn giản nhưng cũng vất vả. Anh em tâm niệm rằng, đây là công việc bằng cái tâm, làm hết việc chứ không hết giờ…” – ông Châu cho hay.

Và mỗi lần trở lại hang Tám Cô dâng nén hương ngưỡng vọng là thêm lần tôi được nghe vô số những câu chuyện diệu kỳ, huyền bí từ những cán bộ quản lý di tích. Đêm khuya giữa hoang vu núi rừng Phong Nha, khu di tích hầu như không một bóng người. Dưới ánh trăng bàng bạc sáng, cán bộ bảo vệ di tích này vẫn nghe vang vọng giữa thinh không lời những bài ca thời chiến bằng giọng một vài cô gái. Rồi tiếng rầm rập của những bước chân hành quân…

Ông Nguyễn Tứ Vỵ - Trưởng ban Quản lý Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng tâm sự: “Nghề chúng tôi đặc biệt. Kể ra nhiều, người ta lại nói mình mê tín. Nhưng quy luật tâm lý khoa học vẫn lý giải rằng, điều gì tâm niệm quá nhiều thì dễ sinh ra những cảm nhận đặc biệt”. Và những cán bộ tại di tích này hẳn đã mang nỗi tâm niệm nghề nghiệp sâu sắc, nếu thiếu nó có thể sẽ không làm nghề được…

Du khách dâng hương tri ân trong Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng.

Và sự trùng hợp diệu kỳ

Không biết có sự hiện diện của bàn tay tạo hóa hay không, nhưng những câu chuyện trên đường 20 Quyết Thắng này đều gắn liền với những con số 8: Binh trạm phụ trách đường có 8 tập thể và 8 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Hang đá này trước là nơi trú ẩn của 8 nữ TNXP thì ngày 14/11/1972, lại là nơi thác thân của 8 TNXP cùng quê hương Hoằng Hóa.

Nhiều người công tác lâu năm tại di tích vẫn kể lại: Ngày 16/5/2009, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định công nhận Tập thể Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho 8 TNXP thì cây chuối mọc tự nhiên trước cửa hang bỗng nhiên nảy ra đúng 8 nải. Năm 2011, khi Ban Quản lý khu di tích này tiến hành sắp đặt lại một số thứ trong hang, cây chuối này lại trổ đúng 11 nải, ứng với 11 bát hương đặt trong hang.

Cách đây hơn chục năm, một đôi tắc kè trong rừng sâu bất ngờ kéo nhau ra trú ẩn trong hang. Đến ngày sinh sản, trứng tắc kè dính chặt vào tường hang ngay gian giữa đền thờ và nở 8 tắc kè con lành lặn. Trong đêm Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại (9/5/2009), khi cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Tổng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn đọc hết bản diễn văn khai mạc: “Giờ phút thiêng liêng này, cho phép tôi được tưởng nhớ đến các đồng đội của tôi, những người còn nằm lại trên rừng Trường Sơn huyền thoại!”.

Tất cả lặng im trong phút tưởng niệm, trong hang bỗng vọng ra đúng 8 lần tiếng: “Tắc kè…”. Khách dự lễ đêm ấy đã không cầm được nước mắt… Lại trùng hợp đến lạ kỳ.

Hang Tám Cô, ngoài câu chuyện là bản tráng ca oai hùng, một di tích lịch sử tưởng niệm đặc biệt còn mang một ý niệm khác về chốn linh thiêng, mong cầu thuận lợi, may mắn cho du khách bốn phương. Bước chậm qua những bậc đá lên hang Tám Cô chiều nay, tôi chợt nhận ra rằng: Chính những cái chết hóa thành bất tử đã làm phục sinh cho cõi sống…

Đọc thêm