Báo động nạn đuối nước tại Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mới đầu mùa hè nhưng tại Nghệ An đã liên tiếp xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm, không ít vụ đuối nước tập thể, nạn nhân là một nhóm học sinh hoặc anh chị em trong cùng gia đình.
Từ 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 156 vụ trẻ em bị đuối nước với 168 trường hợp tử vong.
Từ 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra 156 vụ trẻ em bị đuối nước với 168 trường hợp tử vong.

Mới đây nhất, ngày 25/4 do nắng nóng nên một nhóm 6 em học sinh lớp 8, Trường THCS xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn rủ nhau vào hồ nước tại xóm Tân Hữu, xã Nghĩa Lộc để tắm mát. Trong lúc tắm, cả sáu em sẩy chân xuống khu vực nước sâu và chìm dưới hồ. Trong lúc hoảng loạn, hai em may mắn thoát nạn, còn bốn em bị chìm dưới hồ tử vong.

Nhiều vụ đuối nước liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc trẻ chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân; môi trường sống xung quanh trẻ em cũng chưa an toàn. Ngày 13/4, UBND tỉnh có văn bản về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em trong bối cảnh mùa hè đang tới gần, gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, UBND cấp huyện.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho thấy, từ 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 156 vụ trẻ em bị đuối nước khiến 168 trẻ em tử vong. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ, khiến 7 cháu bé tử vong. Nguyên nhân cơ bản là do nhận thức của một số bộ phận gia đình, cộng đồng, xã hội về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu hành động cụ thể, môi trường sống cho trẻ em còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước. Ngoài ra, nguyên nhân quan trọng là do nhiều trẻ em chưa được học bơi và thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Để giảm thiểu số trẻ em bị tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch 625/KH-UBND ngày 30/10/2021 về triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch 197/KH-UBND ngày 24/3/2022 về thực hiện công tác trẻ em trên địa bản tỉnh năm 2022.

Theo Sở LĐ-TB&XH, cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em; phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, khối, xóm, thôn, bản. Vận động gia đình thường xuyên quan tâm trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ tai nạn, thương tích và đuối nước; quan tâm cải tạo, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích và đuối nước cho trẻ em ngay tại gia đình và cộng đồng, như: làm nắp đậy các dụng cụ chứa nước trong nhà, rào chắn quanh nhà, ao, hồ; đặt biển cảnh báo các khu vực sông, ngòi, công trình giao thông, xây dựng, các đoạn đường giao thông nguy hiểm dễ xảy ra tai nạn, thương tích, đuối nước và thực hiện các biện pháp liên quan khác để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các vụ tai nạn, thương tích, đuối nước đối với trẻ em.

Ngoài ra, UBND tỉnh đã giao Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Chủ trì, phối hợp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt là thời gian trước khi học sinh nghỉ hè; xây dựng chia sẻ tài liệu truyền thông phòng, chống đuối nước cho trẻ em để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đọc thêm