Báo động tình trạng phá, xâm lấn rừng phòng hộ tại Yên Bái

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tình trạng phá rừng phòng hộ một cách tinh vi tại Yên Bái đang khiến cho cánh rừng tự nhiên vốn quanh năm xanh ngắt bao bọc, che chở đồng bào người Mông vùng cao dần bị thu hẹp lại. Thực trạng này đang khiến người dân địa phương lo lắng, bức xúc cho rằng hệ sinh thái nơi đầu nguồn nước sẽ mất cân bằng nếu vẫn cứ tái diễn.
Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ, xẻ dở.
Nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ, xẻ dở.

Thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) lọt thỏm trên đỉnh núi mờ sương, vốn là nơi được biết đến có thảm thực vật đa dạng, nhiều loại gỗ rừng có tuổi thọ lâu năm, được đánh giá loại rừng phòng hộ đầu nguồn nước. Song thời gian gần đây, người dân địa phương phản ánh tình trạng phá rừng, xâm lấn rừng đang diễn ra với tốc độ đáng báo động.

Có mặt tại địa phương này vào giữa tháng 4/2022, PV trong vai người đi rừng tìm hái thuốc nam và di chuyển từ trung tâm xã Suối Bu đi ngược lên thôn Bu Thấp. Men theo con đường bê tông nhỏ, dốc chỉ vừa vặn bánh xe máy khoảng gần 1h đồng hồ mới đến thôn Bu Cao. Người dẫn đường cho biết, đồng bào ở đây chủ yếu là người Mông, cuộc sống quanh năm gắn với núi rừng.

Để tránh sự chú ý, PV phải bỏ lại xe máy bên bờ con suối để đi bộ lên đồi chè Shan Tuyết. Người dẫn đường nói: “Ở đây đều là cây chè cổ thụ, gắn với nhiều đời đồng bào nơi đây, thu nhập của người dân trước đây cũng đều từ cây chè. Nhưng những năm gần đây, cây quế trở nên “sốt” hơn bao giờ hết, vì thế người dân bỏ trồng chè, bỏ trồng keo, bồ đề để chuyển sang trồng quế”.

Chính vì giá trị của cây quế mang lại hấp dẫn nên người dân đổ xô đi mua giống loài này về trồng. Phát hết vườn nhà đến phát vườn rừng, sau đó phát cả rừng phòng hộ.

Đến giữa lưng chừng núi, cầm GPS định vị, bắn tọa độ, xác định trên bản đồ kiểm kê rừng tỉnh Yên Bái (năm 2016) vị trí nơi có đồi chè mà chúng tôi đang đứng là rừng sản xuất. Tuy nhiên, đi hết nương chè thì phát hiện dưới những tán gỗ rừng lớn là những cây quế có chiều cao khoảng 1,5m đang mọc. Đi tiếp vào rừng mới thấy nhiều cây gỗ có đường kính gốc từ 50-60cm đã bị chặt hạ, xẻ dở.

Người dẫn đường cho hay, những cây gỗ được xẻ thành hộp vuông sẽ được các đối tượng chở đi bán, nếu gỗ tốt thì để lại làm nhà. Hiện trường cho thấy, lá của những cây gỗ rừng này vẫn còn xanh và chưa hết héo, chiều dài mỗi khúc hơn 2m.

Dưới gốc của nhiều cây gỗ rừng lớn đã bị các đối tượng khoanh vỏ nhằm “giết chết” những cây gỗ có tuổi thọ hàng chục năm. Theo người dẫn đường, sau khi những cây gỗ này chết dần, chết mòn, các đối tượng sẽ dễ dàng lấn chiếm rừng phòng hộ để trồng quế. Đây là một cách phá rừng tinh vi mà một số đối tượng đang áp dụng để “gặm nhấm” rừng tự nhiên.

Kiểm tra định vị lần nữa, xác định trên bản đồ kiểm kê vị trí rừng đang bị chặt hạ và phát gốc, khoanh vỏ tại lô 12, khoảnh 6, tiểu khu 464, hiện trạng là rừng tự nhiên núi đất (TXN), chức năng phòng hộ. Theo đánh giá của một người trong nghề, với rừng phòng hộ, dù một cây bị chặt cũng đã đủ nghiêm trọng.

PV đã thông tin vụ việc đến ông Nguyễn Tuấn Anh, Chánh Văn phòng UBND huyện Văn Chấn, được cho biết trước đây tại địa phương một số trường hợp phá rừng tương tự đã bị lực lượng chức năng khởi tố, bắt tạm giam và “sẽ báo cáo vụ việc để Chủ tịch UBND huyện biết và chỉ đạo”.

PV cũng đã liên hệ trao đổi qua điện thoại với ông Vũ Đình Trường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn. Ông Trường cho biết: “Rất cảm ơn anh em báo chí đã thông tin, tôi sẽ cho anh em kiểm tra và thông tin kết quả cho báo chí”.

Được biết, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vốn là địa phương “nóng” về tình trạng phá rừng. Mới đây, cơ quan chức năng cũng phát hiện tại xã Nậm Búng của huyện này cũng xảy ra tình trạng phá rừng tương tự. Người dân tại thôn Nậm Chậu thậm chí còn phát trắng rừng để trồng măng, sa nhân tím (loài cây có giá trị kinh tế cao). Thậm chí, theo một cán bộ địa phương, thực trạng xâm lấn để trồng các loài cây khác còn có sự tiếp tay hoặc trực tiếp tham gia phá rừng của cán bộ cơ sở.

Đọc thêm