Báo động tình trạng thả diều gây mất an toàn lưới điện tại Thái Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian vừa qua tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt là tại thị xã Phổ Yên, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người dân thả diều làm mắc vào hệ thống lưới điện quốc qua.
Truyền tải điện Đông Bắc 3 phối hợp với chính quyền địa phương thu giữ diều vi phạm.
Truyền tải điện Đông Bắc 3 phối hợp với chính quyền địa phương thu giữ diều vi phạm.

Những vụ việc trên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành lưới điện và tính mạng của người dân Thái Nguyên, tuy nhiên cơ chế xử phạt đối với hành vi vi phạm này còn thiếu sức răn đe khiến cho tình trạng thả diều vi phạm hành lang an toàn lưới điện không thuyên giảm.

Nỗi nhức nhối của ngành điện

Bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều người dân tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vẫn vô tư tập trung nơi công cộng để thả diều. Nhiều thành phần đối tượng, trong đó chủ yếu là học sinh và công nhân các khu công nghiệp đang trong thời gian nghỉ học, nghỉ việc nên thời gian rảnh rỗi nhiều, cứ có gió là mang ra thả dẫn tới sự cố do diều ngày càng gia tăng với quy mô cũng lớn hơn nhiều.

Đến thị xã Phổ Yên những ngày này, không khó bắt gặp nhiều nhóm người dân cả già cả trẻ đang tụ tập thả những con diều đủ loại kích cỡ, thậm chí có những con diều to, người chơi còn dùng cả sợi dây diều có bện sợi kim loại, điều này không những gây nguy hiểm cho đường lưới điện mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người chơi.

Không chỉ ở khu vực thị xã Phổ Yên, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thú chơi diều của người dân cũng ngày càng gia tăng như huyện Phú Bình, TP Sông Công, TP Thái Nguyên… đe dọa lớn tới an toàn hành lang lưới điện. Đã có những trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện đang vận hành gây ra chập điện, cháy nổ, làm hư hỏng thiết bị điện lưới mà nghiêm trọng hơn là gây mất điện cả khu vực, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân.


Lực lượng quản lý vận hành không kể ngày đêm tuần tra, ngăn chặn chơi thả diều gần khu vực đường dây cao áp

Lực lượng quản lý vận hành không kể ngày đêm tuần tra, ngăn chặn chơi thả diều gần khu vực đường dây cao áp

Để nâng cao ý thức trong nhân dân cũng như nhằm giảm thiểu các vụ sự cố về điện do diều gây ra, Truyền tải điện Đông Bắc 3 đã đẩy mạnh việc tuyên truyền về hậu quả của việc thả diều gần đường dây điện bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Phát hơn 3.000 tờ rơi tuyên truyền tới cơ quan, trường học, chính quyền và các hộ dân; Treo hơn 100 Pano truyên truyền tại các UBND xã và những nơi tập trung đông người; Ký hơn 600 cam kết tuyên truyền với từng hộ dân; Tổ chức 09 lượt hội nghị tuyên truyền cấp xã, huyện; Lắp Camera quan sát.

Đặc biệt, để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định dịp Lễ Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đơn vị đã lập phương án trực lễ, tăng cường kiểm tra không kể ngày đêm nhằm ngăn chặn, nhắc nhở người dân chơi thả diều gần khu vực đường dây... Tuy nhiên đến nay, tình trạng thả diều gây mất an toàn lưới điện vẫn tiếp diễn, gây ảnh hưởng ngành điện, đời sống sản xuất và sinh hoạt, gây bức xúc trong đời sống dân sinh, đặc biệt với những doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Pano tuyên truyền được treo tại nơi tập trung đông người.

Pano tuyên truyền được treo tại nơi tập trung đông người.

Sức răn đe chưa đủ lớn!

Có thể thấy, việc chơi thả diều ở Thái Nguyên đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên không thể thay đổi một sớm một chiều nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền và nhắc nhở như thế này.

Nghị định 14/2014/NĐ-CP và Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện là hành vi bị nghiêm cấm và bị xử phạt từ 1–5 triệu đồng. Tuy nhiên, chế tài xử phạt này còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, trong khi thiệt hại do diều gây sự cố là rất lớn. Mặt khác, việc xử phạt rất khó khăn vì người thả diều không bao giờ nhận diều của mình khi gây ra sự cố và cũng chưa có quy định diều phải đăng ký xác nhận chủ sở hữu.

Thực tế, thời gian gần đây, sự cố lưới điện do các trường hợp thả diều gây ra ngày càng gia tăng nhưng chính quyền tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để. Nhiều trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện đang vận hành gây ra chạm, chập điện, cháy nổ nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương chưa đủ cứng rắn dẫn đến hiện tượng "nhờn luật".

Tình trạng này khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu chính quyền địa phương tỉnh Thái Nguyên đã ra tay xử lý quyết liệt hay chưa? Trò chơi dân gian vốn được nhiều người yêu thích này tại Thái Nguyên tới bao giờ mới không trở thành mối nguy hiểm cho ngành truyền tải điện và cho chính người dân Thái Nguyên?

Pano tuyên truyền được treo tại UBND xã.

Pano tuyên truyền được treo tại UBND xã.

Trên thực tế, tại nhiều địa phương khác, thả diều gần lưới điện cũng từng là nỗi nhức nhối của ngành điện song nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, tình trạng này đã nhanh chóng thuyên giảm, trả lại an toàn cho đường lưới điện quốc gia. Đơn cử như tại địa phương lân cận Thái Nguyên là tỉnh Bắc Giang, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác quản lý bảo vệ hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Giang đã ra chỉ thị số 05/CT-UBND, trong đó có nội dung nghiêm cấm thả diều vật bay có nguy cơ sự cố lưới điện cao áp trong phạm vị 5km.

Cùng với sự vào cuộc trên diện rộng ở tất cả các địa phương tại Bắc Giang, quyết liệt kiểm soát việc chơi thả diều, vật bay gần đường dây điện, trạm điện, tăng cường kiểm tra, tuyên truyền tới người dân thì nạn thả diều gần đường dây điện tại địa bàn tỉnh đã nhanh chóng giảm bớt.

Từ bài học kinh nghiệm trên của Bắc Giang, thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên cũng cần xử lý quyết liệt hơn nữa và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn triệt để hiện tượng người dân chơi thả diều gần khu vực lưới điện nguy cơ gây sự cố, góp phần nâng cao chất lượng vận hành hệ thống điện quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Chỉ có như vậy mới có thể bảo đảm an toàn đối với công trình lưới điện quốc gia và tính mạng cho chính người dân trên địa bàn tỉnh, hướng đến một tương lai không có sự cố lưới điện do diều, đảm bảo cung cấp điện ổn định, chất lượng phục vụ đời sống nhân dân, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên một cách bền vững.

Đọc thêm