Bói dạo, nhập vong tràn Facebook
Suốt nửa năm qua, Facebook tràn ngập các mẫu quảng cáo vật dụng tâm linh trong đó có cả bùa, ngải, hình nhân. Những lá bùa được người bán quảng cáo sẽ giúp các shop bán hàng online “hút khách” nhiều hơn.
Thậm chí nhiều hình nhân còn được giới thiệu như một loại phép thuật có công dụng hoang đường như thu hồi nợ, sinh quý tử, báo mộng... Giá trung bình của một lá “bùa mẹ Ngoắc” được bán tràn lan trên Facebook là 70.000-150.000 đồng. Theo lời người bán, “mẹ Ngoắc” có công dụng thu hút tài lộc cho các shop kinh doanh được thỉnh từ Thái Lan.
Bên cạnh những lá bùa vài chục nghìn đồng, một số người bán còn rao ra rả các hình nhân Kumanthong với cách dùng và công năng tương tự, thậm chí có thể giúp chủ cửa hàng đòi nợ. Và để tăng độ tin cậy cho từng bài đăng, chủ shop sẽ mua trước một lượng lượt thích và bình luận với nội dung tích cực. Với các video livestream, người bán sẽ mua thêm lượt xem trực tiếp (mắt livestream) cùng các bình luận “mồi”.
Một Fanpage khác có tên “Cô đồng xem tử vi” là của một cô gái chỉ tầm 20 tuổi, có địa chỉ tại Lục Nam (Bắc Giang) hầu như ngày nào cũng livestream coi bói. Trang này có tới hơn 50.000 người thích và gần cả 100.000 lượt đăng ký theo dõi. Cũng từ trang này, có vô số các livestream của những cô, cậu đồng khác được “đồng cô” chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Có thể nói, trên mạng xã hội đầy rẫy những “cô”, “cậu” như cô đồng Trang, cô Hạnh, thầy Tư Phong… và hàng trăm Facebook xem bói miễn phí thường xuyên livestream trên mạng xã hội. Chỉ dựa vào ngày tháng năm sinh, nét mặt, chỉ tay, dái tai… là ngay lập tức, các thầy phán vanh vách chuyện hiện tại, tương lai.
“Cô” Huân tự quảng cáo có khả năng xem bói tay chính xác 100%. Thế nên mỗi lần cô livestream, bao nhiêu người gửi hình bàn tay nhờ cô đoán vận mệnh, tương lai. Thậm chí hàng ngày các cô còn “bấm” số đề cho những đệ tử của lô đề…
Thủ đoạn thường thấy ở các trang xem bói online là chỉ xem miễn phí cho 5 - 10 người đăng ký đầu tiên, sau đó sẽ phán về những trắc trở trên con đường công danh, sự nghiệp, tình yêu… khiến người nghe phải lạnh gáy. Cuối cùng, họ sẽ gợi ý mọi người chuyển tiền để cúng dâng sao, giải hạn giúp. Không ít người còn lợi dụng sự cả tin của các bạn trẻ, để kinh doanh bùa ngải với giá cắt cổ.
Và sống động nhất là những lễ hầu đồng khi mà nhiều người “sống dở, chết dở” chỉ vì nghe lời “thầy” bói mà đi vay nặng lãi để theo hầu đồng. Chính những sự biến tướng này đã làm mất đi nét văn hóa của hầu đồng, làm mất đi sự thanh cao của tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu đồng, hầu thánh ngày càng bị biến tướng và lãng phí.
Có không ít lễ hầu đồng chi số tiền lên đến nửa tỷ đồng. Còn trung bình một lễ hầu đồng tại các đền, chùa, phủ ngày nay khoảng 200 - 300 triệu đồng, lễ thấp nhất hiện nay cũng phải 70 triệu đồng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 50 triệu, 70 triệu đồng mua hàng mã làm lễ, để đốt hầu thánh. Nhưng bảo họ bỏ ra 5.000, 10.000 đồng giúp người nghèo thì họ lại thấy tiếc.
“Lắm thầy, nhiều ma”
Theo Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, khi bế tắc, con người trở nên bất lực trong việc vận hành cuộc sống của mình, lúc đó những dịch vụ về tinh thần bắt đầu lên ngôi. Chưa cần xét đến những lời bói toán ấy đúng hay sai. Chỉ cần biết phía sau đó không được chống đỡ bằng các kiến thức khoa học. Không xuất phát từ những nghiên cứu chính thống thì chúng ta cần phải cân nhắc khi tham gia.
Bởi thế chỉ cần vào Google gõ từ khóa “xem bói”, có gần 5 triệu kết quả xuất hiện chỉ trong 1,3 giây như vansu.net, xemtuong.net, phongthuyso.vn, tuvikhoahoc.com… Click vào những đường dẫn này, người dùng được mời chào bằng vô vàn những lời quảng cáo hấp dẫn: “tử vi trọn đời”, “xem bói ngày sinh”, “đặt tên con”, “chọn giờ đẹp xuất hành”, “tuổi hợp, tuổi xung”…
Thiết kế bắt mắt, dễ sử dụng, và đặc biệt là cách hóa giải điềm xấu… là những ưu điểm khiến các trang web nhanh chóng thu hút lượng lớn người truy cập, nhất là các bạn trẻ, những người có tâm lý tò mò, muốn tìm hiểu về tương lai, may rủi trong cuộc đời. Các trang bói mạng còn len lỏi vào mạng xã hội để “câu kéo” khách, bằng cách tích hợp cả bói toán và trắc nghiệm vào cùng một “rổ”, phong phú, bắt mắt từ nội dung đến hình thức…
|
Có kẻ biến Phật giáo thành một thứ tôn giáo mê tín dị đoan |
Và đỉnh điểm của việc vận dụng công nghệ 4.0 để truyền bá trục lợi chính là chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Trước đây, đã thành lịch cố định, cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày, tại chùa Ba Vàng sẽ diễn lễ thỉnh vong giải nghiệp thu hút hàng ngàn người tham dự/đợt. Trước khi bị kỉ luật, chùa Ba Vàng có bốn trang Facebook chính là “Chùa Ba Vàng”, “Phạm Thị Yến - Tâm Chiếu Hoàn Quán”, “Ba Vang Pagoda” và “Thầy Thích Trúc Thái Minh”.
Trong đó, fanpage của thầy Thích Trúc Thái Minh đã được Facebook cấp tick xanh, vì là “người của công chúng” với gần 500.000 người theo dõi. Ngoài ra, còn có kênh Ba Vang Pagoda phân phối các nội dung tiếng Anh.
Trang của Phạm Thị Yến có 100.000 người theo dõi đang mua quảng cáo video của Facebook. Các video có nội dung như đau bụng vật vã 5 năm, cúng OGTC(oan gia trái chủ) không cần uống thuốc cũng hết hay tại sao phải cúng dường thì vong mới thôi ám được quảng cáo công khai, tiếp cận hàng chục nghìn người. Không chỉ có “cư sĩ” Yến, trang Facebook của chùa Ba Vàng và nhà sư Thích Trúc Thái Minh cũng quảng cáo những nội dung chữa bệnh bằng phương pháp dùng OGTC diệt vong.
Trong khi đó, theo quan điểm Phật giáo, đã là thần thánh, đã là Mẫu thì không bao giờ hù dọa, quở mắng, trách phạt “người trần” mà chỉ ban phúc lành, che chở cho nhân gian. Và, hoạt động lên đồng chính thống không bao giờ mang màu sắc mê tín, dị đoan. Chắc chắn sẽ không có thánh thần nào nhập vào “người trần, mắt thịt” rồi phán phải làm cái này, cái kia thì mới thôi đày.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định: “Không có việc “thỉnh vong” để hóa giải nghiệp, oan gia. Bởi cái nghiệp của mình phải tự mình phải làm việc tốt để hóa giải nghiệp cho mình. Chứ việc “thỉnh vong” là hoàn toàn không đúng. Dẫn dắt con người đi theo con đường đó là không đúng theo chính pháp. Đây là dẫn dắt con người ta vào con đường tà kiến, mê lợi”.
Và ở góc độ khác, nếu như hiện nay có rất nhiều nhà sư “tai tiếng” thì vẫn còn đó những sư thầy mẫn tiệp, giỏi giang. Ở Việt Nam, có lẽ chưa có một vị Thượng tọa nào lại có thể giảng giải 21 bộ Kinh Phật mà không cần sổ sách, giấy tờ. Như Thượng tọa Thích Huệ Đăng. Thế nên, người ta thường mang băng ghi âm mà Thượng tọa đã giảng, gỡ ra rồi in thành sách.
Cũng chưa có một Thượng tọa nào kiên quyết không nhận sự cúng dường của thí chủ, mà tự mình làm ra của cải vật chất, để vừa nuôi mình vừa đóng góp cho xã hội. Cũng chưa có một Thượng tọa nào lại là một nhà khoa học và được cấp bằng sáng chế về cấy mô sâm Ngọc Linh và hoa phong lan. Và công trình cấy mô sâm Ngọc Linh của ông đang được đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Thượng tọa phản đối một cách quyết liệt về tình trạng bây giờ người ta biến Phật giáo thành một thứ tôn giáo mê tín dị đoan, suốt ngày “cốc cốc, cheng cheng”, cầu xin Phật cho từ sự bình an đến sức khỏe, rồi thăng quan tiến chức, phát tài phát lộc và khấn vái theo kiểu: “Buôn một bán mười, đi tươi về tốt…”.
Chính vì thế mà mong ước của Thượng tọa Thích Huệ Đăng là làm sao xây dựng được một hệ tư tưởng Phật giáo Việt Nam dựa trên ba tư tưởng cốt lõi là: Chân lý Phật giáo của Thích Ca Mâu Ni - Chân lý Phật giáo của Phái Trúc Lâm và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Còn nếu cứ để Phật giáo phát triển pha tạp như hiện nay, không có bản sắc Việt, chẳng giống Ấn Độ, chẳng ra Đài Loan, Trung Quốc… và biến Phật thành một lực lượng siêu nhiên. Bởi chính những nhà tu hành đã làm như vậy để kiếm tiền thì đó không phải là con đường của Phật giáo…