Bảo hiểm xã hội Tiền Giang luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp và người lao động. Trong bối cảnh đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo ông Võ Khánh Bình - Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang, ngành BHXH đã luôn đồng hành và chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) trong thời gian bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Phần nào giúp cho NLĐ, doanh nghiệp bước đầu vượt qua khó khăn, ổn định trong sản suất và đời sống sinh hoạt.

Ngay sau khi Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành các văn bản về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, BHXH tỉnh Tiền Giang đã nhanh chóng triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của NLĐ, doanh nghiệp khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, BHXH tỉnh Tiền Giang đã thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, BHXH tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ. Thông báo giảm mức đóng bằng 0% cho quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022 cho 2.427 đơn vị với số tiền 50,256 tỷ đồng. Ra quyết định tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất cho 11 đơn vị số tiền 25,3 tỷ đồng. Xác nhận kịp thời danh sách cho các lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, ngừng việc, nghỉ việc không lương cho 521 đơn vị doanh nghiệp với 65.825 lao động để hưởng các chính sách hỗ trợ theo định.

Ông Võ Khánh Bình - Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang báo cáo kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ (Ảnh: Văn Thanh)

Ông Võ Khánh Bình - Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang báo cáo kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai các chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ (Ảnh: Văn Thanh)

Thứ hai, đối với Nghị quyết 116 và Quyết định số 28 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), BHXH tỉnh Tiền Giang đã quyết liệt triển khai với mục tiêu tạo sự thuận tiện, đơn giản về thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NLĐ sớm nhận được hỗ trợ, người SDLĐ được giảm trừ mức đóng kịp thời.

Thông báo giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ BHTN trong thời gian 12 tháng (từ 01/10/2021 đến 30/09/2022) cho 1.802 đơn vị sử dụng lao động với số tiền 44,2 tỷ đồng. Phối hợp với doanh nghiệp rà soát thông tin, quá trình đóng BHTN cho 93.800 NLĐ hiện đang tham gia BHTN tại doanh nghiệp và sẽ chi trả qua tài khoản ATM cá nhân, vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay NLĐ.

Riêng nhóm NLĐ bảo lưu thời gian tham gia BHTN từ 01/012020 đến nay, những NLĐ đã ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động không ở doanh nghiệp, đã về các địa phương sẽ được cơ quan BHXH cấp tỉnh, huyện tiếp nhận hồ sơ qua nhiều hình thức như: Cổng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính…vừa đảm bảo sự thuận lợi cho người dân, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Ngoải ra, về các nội dung liên quan Nghị quyết số 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 đã triển khai thực hiện giảm mức đóng, hỗ trợ từ kết dư quỹ BHTN. Riêng hai nội dung miễn tiền phạt chậm nộp BHXH phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 và cho phép bảo hiểm y tế được thanh toán các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa có thu phí, ngành BHXH sẽ triển khai thực hiện khi được Ủy ban thường vụ quốc hội thông qua.

Trong thời gian qua, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài đã gây ra những hậu quả thiệt hại nặng nề đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Tiền Giang. Nhiều chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, lao động hàng hóa bị đứt gãy, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong địa bàn Tiền Giang phải tạm ngừng sản xuất, giảm lao động…

Trên tinh thần chia sẻ và tháo gỡ những khó khăn với doanh nghiệp, BHXH tỉnh Tiền Giang đã chủ động, triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ kịp thời. Với những kết quả đạt được, có thể thấy các chính sách BHXH luôn là trụ cột đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Với phương châm “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, hiệu quả” trong tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, Tiền Giang định hướng trong thời gian tới sẽ thận trọng, kiểm soát chặt chẽ. Không thực hiện mở rộng ồ ạt, từng bước mở dần hoạt động sản xuất cho các doanh nghiệp. Chuẩn bị phương án, điều kiện hoạt động, dần dần chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.

Hy vọng rằng các doanh nghiệp trong địa bàn Tiền Giang sẽ vượt qua khó khăn trước mắt, biến “nguy” thành “cơ”; vận dụng linh hoạt các phương án “ 3 tại chỗ, “1 cung đường 2 điểm đến” phục hồi sản xuất, tạo thu nhập việc làm cho lao động trong tỉnh. Qua đó, góp phần hiệu quả cùng các bộ, ban, ngành, địa phương chung tay đẩy lùi dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội.

Đọc thêm