Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh: Kiến nghị xử lý hình sự 76 đơn vị nợ đọng BHXH

(PLVN) - Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết, cơ quan này đã chuyển hồ sơ của 76 đơn vị sang cơ quan công an để đề nghị xử lý hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo Ðiều 216 BLHS với số tiền 153,7 tỷ.
Ông Phan Văn Mến phát biểu tại Hội nghị.
Ông Phan Văn Mến phát biểu tại Hội nghị.

Thông tin tại Hội nghị triển khai công tác phối hợp với báo chí năm 2021 vừa qua, ông Mến cho biết, năm 2020, BHXH TP đã thu được 68.695 tỷ, đạt 100,4% kế hoạch (tăng 4,5% so với năm ngoái). Trong đó, thu BHXH bắt buộc 51.258 tỷ, BHXH tự nguyện 194 tỷ, BHTN 3.885 tỷ, BHYT 13.251 tỷ; thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN 107 tỷ. 

Trong năm 2020, BHXH TP đã thực hiện kiểm tra và phối hợp thanh kiểm tra liên ngành tại 1.477 đơn vị; đề nghị các đơn vị lập thủ tục tham gia cho 478 lao động với số tiền 4,5 tỷ, điều chỉnh mức đóng cho 209 lao động với số tiền 536 triệu. Hiệu quả thu hồi nợ sau công tác thanh kiểm tra đạt trên 50%, góp phần tác động tích cực trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT và ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.

Các đơn vị khắc phục số tiền nợ quỹ BHXH, BHYT là 77,5/231 tỷ, thu hồi về Quỹ BHYT do các cơ sở khám chữa bệnh chi sai quy định trên 7,9 tỷ. Lập biên bản và xử phạt VPHC 61 đơn vị với số tiền xử phạt 4,7 tỷ (trong đó thuộc thẩm quyền Giám đốc BHXH TP 39 đơn vị với số tiền phạt 1,4 tỷ; thẩm quyền của UBND TP là 22 đơn vị với số tiền phạt 3,3 tỷ). Tuy nhiên, số nợ BHXH, BHYT, BHTN trong năm 2020 cũng chiếm 2,21% số phải thu...

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, BHXH TP đã chuyển hồ sơ 76 doanh nghiệp nợ và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan công an để xử lý theo Điều 216 BLHS với số tiền gần 154 tỷ. Trong đó, 59/76 đơn vị có phản hồi từ cơ quan Cảnh sát điều tra. Sau khi 59 đơn vị làm việc với công an thì có 3 đơn vị đã thực hiện thanh toán số tiền nợ, trốn đóng và một số đơn vị đã thực hiện thanh toán hơn 20% số tiền nợ đóng BHXH cho người lao động.

“Các doanh nghiệp bị cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố là doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhưng chưa khắc phục hậu quả lại tiếp tục vi phạm", ông Mến cho biết.

Được biết, BHXH TP HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc truy tố với doanh nghiệp nợ BHXH nên các thủ tục, hồ sơ chuyển giao vẫn còn nhiều điểm khúc mắc khiến cho tiến độ giải quyết chậm. Tuy nhiên, sau nhiều lần phối hợp, các đơn vị cũng đã thống nhất được quy trình với Công an TP nên trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục để sớm truy tố các đơn vị vi phạm theo quy định pháp luật.

Trong năm 2021, BHXH TP sẽ đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động nộp BHXH, BHYT hàng tháng bằng các hình thức đốc thu, gửi thư, mail nhắc nợ; mời các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên đến cơ quan BHXH làm việc cam kết đóng theo quy định. Đồng thời, chuyển danh sách các đơn vị nợ sang Sở Công Thương để phối hợp hỗ trợ tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; chuyển danh sách các đơn vị nợ từ 2 tháng trở lên sang BQL khu chế xuất-khu công nghiệp để phối hợp đôn đốc nhắc nợ và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN.

Đọc thêm