Bảo Lạc, Cao Bằng điểm đến hấp dẫn của khu vực miền núi phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, tiếp giáp với Trung Quốc. Huyện Bảo Lạc có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, thương mại như có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, là nơi hội tụ của những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Dốc 15 tầng uốn lượn như những dải lụa khổng lồ trên núi.
Dốc 15 tầng uốn lượn như những dải lụa khổng lồ trên núi.

Giai đoạn 2021-2025, du lịch Bảo Lạc hứa hẹn sẽ tiếp tục phục hồi và phát triển, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực miền núi phía Bắc.

Mảnh đất hoang sơ hùng vĩ,đậm đà bản sắc dân tộc

Bảo Lạc vẫn luôn được biết đến là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi ban cho nhiều cảnh quan hoang sơ. Khi đặt chân tới Bảo Lạc, điều ấn tượng nhất là hình ảnh của những ngọn núi cao chọc trời. Một trong những địa danh thu hút khách du lịch đến đây là dốc 15 tầng hay còn gọi là Khau Cốc Trà nơi mà mọi người đến đây có thể chiêm ngưỡng và tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Con đường đèo 15 tầng nằm trên Quốc lộ 4A, như dải lụa khổng lồ uốn quanh vách núi, tạo nên cảnh tượng hùng vỹ vô cùng đẹp mắt.

Bên cạnh đó Bảo Lạc còn có một số địa danh nổi tiếng như: hồ Thôn Lốm tại xã Xuân Trường mang vẻ đẹp thanh bình; Khe Hổ Nhảy tại xã Cô Ba với phong cảnh sông núi kỳ vĩ… Trong đó, sông Gâm là dòng sông lớn nhất huyện, bắt nguồn từ vùng núi cao gần 2.000m thuộc địa phận Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc). Sông Gâm mang màu nước xanh rêu, như một điểm nhấn mang đến vẻ đẹp mềm mại của miền núi.

Ngoài vẻ đẹp của núi rừng thì khi đến với Bảo Lạc, nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc cũng là điểm ấn tượng thu hút đặc biệt. Với 7 dân tộc sinh sống là Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô…, mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng. Chợ phiên mang nét đặc sắc của phiên chợ vùng cao, còn Chợ đêm thị trấn Bảo Lạc lại có những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc và thưởng thức văn hóa ẩm thực độc đáo... Làng du lịch cộng đồng Khuổi Khon, xã Kim Cúc cũng là nơi lưu giữ nguyên vẹn văn hóa của dân tộc Lô Lô được nhiều du khách nước ngoài biết đến.

Chợ đêm Bảo Lạc mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao.

Chợ đêm Bảo Lạc mang đậm bản sắc dân tộc vùng cao.

Đồng bào người dân tộc Lô Lô ở nơi đây vẫn giữ được khá nguyên vẹn những nét văn hóa phong phú, đặc sắc từ lâu đời như có ngôn ngữ, tiếng nói riêng, các làn điệu dân ca, các lễ hội, trang phục cổ truyền, hay không gian kiến trúc nhà sàn.

Phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc

Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, du lịch Bảo Lạc đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Lượng khách đến du dịch, trải nghiệm trên địa bàn huyện năm sau cao hơn năm trước và doanh thu từ du lịch cũng được tăng lên, nhờ đó kinh tế địa phương có nhiều khởi sắc. Công tác phát triển du lịch bước đầu đã nhận được sự đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch; Công tác xã hội hóa và các hoạt động giao lưu trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch được chú trọng.

Với mục tiêu được đặt lên hàng đầu là phát triển du lịch đi đôi gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc. Trên địa bàn huyện đã có 02 khu du lịch trọng điểm đang được đầu tư xây dựng đó là Dự án bảo tồn bản văn hóa truyền thống gắn với Điểm du lịch cộng đồng dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi khon, xã Kim Cúc và Dự án Điểm du lịch Thiêng Qua (mốc 589) xã Cô Ba.

Song song đó, huyện cũng đã tích cực tổ chức các lễ hội truyền thống: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình phong lưu ; Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông…Các Lễ hội của địa phương đều gây được dấu ấn đối với các cơ quan truyền thông và thu hút được đông đảo khách du lịch đến trải nghiệm cùng hòa mình vào các hoạt động tại Lễ hội của huyện.

Chia sẻ về mục tiêu và định hướng phát triển du lịch địa phương trong những năm tới, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh “Mục tiêu phấn đấu hết năm 2021 và những năm tiếp theo huyện Bảo Lạc sẽ phát triển được các mô hình du lịch có thế mạnh và có tiềm năng của địa phương.

Bên cạnh đó đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để các điểm du lịch thu hút được nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm quan, du lịch, khám phá, trải nghiệm...; Xây dựng một nền du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường. Đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của huyện và tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác. Đẩy mạnh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, việc làm của địa phương.”

Trong thời gian tới, huyện Bảo Lạc tập trung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch, đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch, tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, xây dựng các tour du lịch có sức thu hút, góp phần đưa du lịch Bảo Lạc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế./.

Đọc thêm