Túm tóc, xô đẩy, “trấn lột”, xúc phạm, làm nhục… đó là những hành động mà một bộ phận các em học sinh giải quyết mâu thuẫn hay để ức hiếp các bạn học yếu thế hơn.
Cần môi trường học tập an toàn và thân thiện
Dù không phải là mới, nhưng hiện câu chuyện bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, phổ biến với nhiều mức độ hành vi khác nhau và không phân biệt thành thị hay nông thôn, trường công lập hay dân lập, giới tính nam hay nữ mà là xảy ra nhiều hay ít và mức độ hậu quả như thế nào?! Song, điều đáng nói là hầu hết các vụ bạo lực học đường không chỉ xuất phát giữa cá nhân từng em học sinh, mà đôi khi là cả một nhóm đánh hội đồng một cá nhân. Cá biệt, có những trường hợp nhiều học sinh chứng kiến cảnh bạo lực học đường nhưng không can ngăn mà còn khích lệ, cổ xúy, hô hào và thậm chí quay lại cảnh bạn học bị ức hiếp đăng lên mạng xã hội.
Bạo lực học đường đã và đang là nỗi ám ảnh của nhiều em học sinh hiện nay - Ảnh minh hoạ. |
Điển hình một đoạn video ghi lại cảnh em L.P.N (nữ sinh lớp 8 trường THCS Vĩnh Thuận Tây thuộc tỉnh Hậu Giang) bị hai em học sinh nữ cùng trường dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lúc học ở trường. Mặc dù không có hậu quả nghiêm trọng, nhưng điều đáng nói là thái độ hờ hững, không can ngăn hành vi bạo lực học đường của nhiều em học sinh khác trong đoạn video trước cảnh em N bị hành hung. Tương tự, em L.T.Y.N (SN 2006, nữ sinh lớp 10 trường THPT Hương Trà thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế) bị nhóm bạn học cùng trường đánh tới tấp dẫn đến bị thương ở vùng đầu, chảy nhiều máu. Sau đó em N được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị chấn động não...
Nhiều ý kiến cho rằng: “Bộ ba gia đình – nhà trường – xã hội” cần quan tâm hơn đến câu chuyện bạo lực học đường, đưa ra những giải pháp căn cơ, để học sinh có một môi trường học tập an toàn, lành mạnh và thân thiện. Theo các chuyên gia tâm lý, nguyên nhân dẫn đến dẫn đến việc một bộ phận các học sinh hiện nay sử dụng bạo lực học đường với bạn bè là do nhiều yếu tố khách quan: Môi trường sống, hoàn cảnh và lối sống gia đình; tác động từ bạn bè và xã hội; ảnh hưởng từ các trào lưu trên mạng xã hội hay các cảnh bạo lực trong phim , ảnh… Từ đó khiến các em học sinh hình thành tính hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân và thậm chí dùng những hành động bạo lực với bạn bè để giải tỏa ức chế bản thân.
Bạo lực học đường có thể bị phạt hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự
Có thể nói, bạo lực học đường đang không ngừng diễn ra, khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng; Song, cũng có phụ huynh cho rằng, nhà trường cần có những hình thức kỷ luật nghiêm để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.
“Bộ ba gia đình - nhà trường - xã hội” là những yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn không để vấn nạn bạo lực học đườ |
Trao đổi với PLVN, Luật sư Trần Viết Hà, thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn, Đoàn LS TP HCM nói: “Tôi cho rằng, tùy vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo lực học đường thì mới có thể kết luận được. Vì bạo lực học đường có rất nhiều dạng, điển hình như các em học sinh thực hiện các hành vi bạo lực như: Bứt tóc, xô đẩy, trấn lột, xúc phạm, làm nhục… các bạn yếu thế hơn thì chỉ được xác định là các hành vi ít nghiêm trọng. Đồng thời, nếu các bạn học sinh chỉ ở độ tuổi từ 14 - đến dưới 16 tuổi thì chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm hình sự, theo Điều 12 BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017. Tuy nhiên, nếu hành vi bạo lực học đường mà hậu quả làm chết người hoặc gây thương tích với mức độ nghiêm trọng thì căn cứ điều luật nêu trên, các em học sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
“Trong trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì các em gây ra hành vi bạo lực học đường có thể bị xử phạt hành chính, theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 với hình thức cảnh cáo. Về trách nhiệm dân sự, các em học sinh có hành vi bạo lực học đường xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015”, Luật sư Trần Viết Hà cho biết thêm.