Nỗi ám ảnh của nhiều gia đình
Khi Kiab lên 16 tuổi, cô bé được anh trai hứa đưa đến một thị trấn du lịch ở vùng núi phía Bắc để chơi hội. Kiab không ngờ đó chỉ là chiêu lừa của người anh để bán em gái đi làm dâu cho một gia đình Trung Quốc.
"Trong mắt em, anh trai không còn là người nữa. Anh ấy đã bán chính em gái mình cho người Trung Quốc", Kiab kể với phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP tại trung tâm bảo trợ dành cho các nạn nhân của nạn buôn người ở TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai).
Nhiều thiếu nữ ở các nước sát biên giới Trung Quốc, không chỉ Việt Nam mà còn cả Triều Tiên, Lào, Campuchia và Myanmar, chịu chung số phận bị bán sang Trung Quốc làm dâu.
Trung Quốc là nước có tỷ lệ cân bằng giới thấp nhất trên thế giới với các gia đình có truyền thống chuộng con trai hơn con gái. Hàng triệu đàn ông "ế" vợ ở nước này là lý do khiến tình trạng buôn bán phụ nữ từ các nước láng giềng ngày một gia tăng, theo các nhóm nhân quyền.
Trung tâm bảo trợ ở Lào Cai hiện là nơi sinh sống của hơn chục thiếu nữ thuộc các tộc người thiểu số khác nhau ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Tất cả đều kể rằng các em bị chính những người thân, bạn bè hoặc bạn trai lừa bán cho đàn ông Trung Quốc. "Em đã nghe về nhiều vụ buôn người nhưng không tưởng tượng được điều đó lại xảy ra với mình", Kiab nói.
Các chuyên gia cho hay, các số liệu thống kế chính thức về nạn buôn người rất chắp vá và không bao quát hết được quy mô trên thực tế. Trong khi đó, các quan sát viên nhân quyền trên khắp Đông Nam Á đánh giá nạn buôn phụ nữ sang Trung Quốc là "có hệ thống".
Các cô gái Việt Nam bị bán với giá 5.000 USD cho đàn ông hoặc các nhà thổ ở Trung Quốc, Michael Brosowski, người sáng lập kiêm chủ tịch Quỹ Trẻ em Blue Dragon, cho biết. Từ năm 2007 đến nay, tổ chức này đã giải cứu được 71 phụ nữ bị bán sang Trung Quốc. Theo ông Brosowski, có khả năng nhiều cô gái bị bán vào nhà thổ nhưng do xấu hổ nên họ thường khai báo với cơ quan chức năng rằng họ bị ép cưới.
Vùng núi rừng hẻo lánh ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động buôn lậu từ trái cây, gia cầm sống đến phụ nữ. "Hầu hết những cô gái bị bán qua biên giới sống ở các vùng núi hẻo lánh", Lang, 18 tuổi, dân tộc Tày, vượt biên trái phép và bị bạn bán cho một gia đình Trung Quốc, nói.
Ở vùng núi phía Bắc, nạn buôn người đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. "Tôi cũng như tất cả những bà mẹ trong làng rất lo lắng, nhưng chuyện này đã xảy ra với nhiều cô gái ở đây rồi", Phan Pa May, một phụ nữ già người Dao đỏ, nói. "Tôi có một đứa con gái. Con bé lấy chồng rồi nhưng tôi rất lo cho cháu gái của tôi. Chúng tôi luôn phải hỏi xem con bé đi đâu, không cho nó nói chuyện điện thoại hay tin ai".
Trung tâm bảo trợ xã hội Lào Cai mở cửa từ năm 2010 và đã giúp đỡ được nhiều nạn nhân. "Nhà các em này chẳng có gì, thức ăn còn không đủ", ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lào Cai, nói, nhấn mạnh đói nghèo như một trong những nguyên nhân chính của nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Ký ức đớn đau
May Na, người H'Mông, mới chỉ 13 tuổi khi bị chú ruột dẫn qua biên giới rồi ép gả cho một người đàn ông Trung Quốc. "Em không thể chấp nhận được. Nhân một hôm họ bỏ em ở nhà một mình, em đã trèo qua tường và bỏ trốn. Em lang thang hơn một ngày trời, bị lạc, khóc rồi ngủ luôn trên đường", Na kể.
May Na, người H'Mông, không muốn quay về nhà sau khi bị bán sang Trung Quốc |
Na, bây giờ đã 16 tuổi, là chị cả trong gia đình 5 con, đang học tiếng Kinh ở trung tâm bảo trợ Lào Cai. Chú của cô bé đã bị bắt nhưng Na vẫn không muốn quay về nhà. "Em đã rất buồn trong những ngày ở Trung Quốc. Đó là một ký ức đau đớn đối với em", Na nói.
Chính quyền địa phương cho hay họ đã tổ chức các chương trình giáo dục ở vùng sâu vùng xa, gần biên giới, để cảnh báo các em gái trước những nguy hiểm từ người ngoài. Ông Long cho hay ông tin rằng số vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em đang giảm đi.
Ở quốc gia lân cận Campuchia, một số kẻ buôn người đã bị truy tố, nhưng An Sam Ath, thuộc nhóm nhân quyền phi chính phủ Licadho, cho hay tình hình vẫn tiếp diễn. "Tôi lo ngại rằng vấn nạn này sẽ lan rộng", ông nói.
Các nhóm chống nạn buôn người ở Việt Nam cho rằng rất khó để cảnh báo cho các cô gái về những mối nguy cơ vì những kẻ lừa đảo có thể chính là người thân trong gia đình hoặc bạn bè.
Họ cho rằng thay vào đó chính quyền nên có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn với những kẻ buôn người, ví dụ truy tố ở địa phương để nâng cao nhận thức trong cộng đồng về các hình thức xử phạt.
(Tên các nạn nhân đã được thay đổi)