Đây là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn về các cơ hội cho quản lý rừng tự nhiên bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ban Kinh tế Trung ương, Liên Hợp quốc và các đối tác tổ chức trong tuần qua.
Nhiều cơ hội bị bỏ ngỏ
Theo chương trình, sáng nay (14/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi). Trước đó, ngày 11/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo góp ý kiến cho dự án. Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đề nghị xem xét lại quy định về xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, cộng đồng dân cư địa phương và các tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp được nêu trong dự thảo Luật.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Hà - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT - cho biết, độ che phủ của rừng ở Việt Nam vào năm 2016 đã đạt khoảng 41%; trong đó, rừng tự nhiên chiếm 71% diện tích rừng hiện có. Dù cách tính hiện nay được cho là vẫn chưa xác định đầy đủ giá trị nhưng rừng tự nhiên vẫn là nền tảng ổn định xã hội, phát triển kinh tế của tất cả các ngành trong nước. Rừng tự nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc giữ đất và bảo vệ nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, điện, đô thị; giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách thu giữ CO2...
Khai thác rừng tự nhiên bền vững có thể mang lại cơ hội kinh tế, tạo động lực phục hồi và làm giàu rừng ở Việt Nam bởi rừng tự nhiên cung cấp các lâm sản ngoài gỗ có giá trị. Trong năm 2010, ngành công nghiệp tre nứa ở Việt Nam đã tạo việc làm cho 400.000 người lao động với tổng doanh thu khoảng 250 triệu USD hàng năm từ măng, các chuỗi xử lý công nghiệp và cung ứng sản phẩm thủ công. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đạt 20 tỉ USD mỗi năm và tiếp tục tăng, các nghiên cứu cho thấy Việt Nam có thể tăng gấp 3 số việc làm và thu nhập từ ngành công nghiệp này.
Không chỉ cung cấp gỗ, rừng tự nhiên còn là nguồn cung nhiều loại lâm sản có giá trị như cây dược liệu. Theo thống kê, doanh thu nội địa của ngành dược liệu của Việt Nam hiện đạt khoảng 1,5 tỉ USD nhưng nước ta vẫn nhập khẩu 1,7 tỉ USD dược liệu mỗi năm mặc dù có đủ tiềm năng hoàn toàn tự cung, tự cấp và trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới xuất khẩu mặt hàng này. 90% trong số 4.000 cây dược liệu ở Việt Nam sinh trưởng trong rừng tự nhiên và mới chỉ có 5% số loài được thu hái và mua bán. Trong bối cảnh thị trường dược liệu toàn cầu tăng 15% mỗi năm, đây là một ngành đầy tiềm năng đối với Việt Nam.
Bên cạnh đó, rừng tự nhiên còn gắn với cảnh quan, đa dạng sinh học vốn là tiềm năng lớn thu hút du lịch. Theo các đánh giá, Việt Nam xếp thứ 33 thế giới về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa nhưng hiện nước ta vẫn chưa thành công trong việc biến những tiềm năng này thành cơ hội kinh tế và lợi nhuận từ du lịch, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Cần có những cơ chế hữu hiệu
Tiềm năng là vậy nhưng ông Nguyễn Văn Hà thừa nhận giá trị kinh tế mà rừng tự nhiên mang lại đối với nền kinh tế nước ta hiện còn rất khiêm tốn. Thống kê chính thức cho biết, mức đóng góp trực tiếp của ngành lâm nghiệp chỉ chiếm khoảng 4% GDP nông nghiệp và khoảng 1% tổng GDP quốc gia năm 2010.
Từ khi Chính phủ ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên thì khai thác kinh tế từ rừng tự nhiên chủ yếu trông chờ vào khoản thu phí dịch vụ môi trường rừng do những doanh nghiệp hưởng lợi từ rừng tự nhiên như các doanh nghiệp làm thủy điện, du lịch, khai thác nguồn nước… chi trả. Số tiền thu được được trả cho những đối tượng bảo vệ, trồng và phát triển rừng tự nhiên. Nhưng hiện nay, chi trả thù lao dịch vụ môi trường rừng chỉ tương đương hơn 300 nghìn/mỗi ha rừng. Đây là mức giá quá thấp và đem lại lợi ích kinh tế gần như không đáng kể cho các đối tượng phát triển rừng tự nhiên.
Theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020, nước ta đang đặt mục tiêu tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp, bao gồm cả chế biến lâm sản và dịch vụ môi trường rừng, lên khoảng 3,5-4% mỗi năm và GDP từ lâm nghiệp tăng lên khoảng 2 đến 3% GDP quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, các đại biểu cho rằng cần xây dựng cơ chế chính sách để phát huy hết tiềm năng của rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên và phát huy các giá trị về môi trường.
Chương trình mục tiêu quốc gia về lâm nghiệp bền vững dự kiến sẽ phải huy động “nguồn lực xã hội hóa” cho hơn 70% tổng nhu cầu tài chính. Mặc dù vậy nhưng theo nhiều chuyên gia, chiến lược huy động đầu tư từ các doanh nghiệp và cá nhân vào lĩnh vực lâm nghiệp nói chung, thu hút đầu tư bền vững vào rừng tự nhiên nói riêng của Việt Nam hiện chưa được thiết kế có hệ thống, toàn diện và cụ thể, kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, song song với việc huy động nguồn lực tài chính vào lĩnh vực lâm sản cũng cần phải xây dựng các quy định về thu/chi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình kinh tế dựa trên rừng tự nhiên. Cùng với đó cũng cần cải thiện chính sách và tăng cường hệ thống giám sát, đánh giá về các mô hình kinh tế và lâm sản ở cấp địa phương và quốc gia.
Các cơ chế chia sẻ lợi ích như chi trả dịch vụ môi trường rừng cần tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong việc tái đầu tư nguồn tài chính này có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao hơn trong các hoạt động liên quan đến rừng tự nhiên, mở rộng phạm vi dịch vụ và tăng giá trị các dịch vụ cung cấp. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị xem xét giao hoặc khoán rừng tự nhiên cho một số dịch vụ du lịch sinh thái hoặc thí điểm mô hình sinh kế ngoài gỗ.
Ông Cao Đức Phát – Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương: Đảm bảo lợi ích và cuộc sống của người dân mới bảo vệ được rừng
“Bảo vệ và phát triển rừng là giải pháp quan trọng hàng đầu mà Việt Nam cần phải thực hiện và có thể thực hiện được để đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững. Nhưng bảo vệ và phát triển rừng chỉ có thể bền vững khi nó đảm bảo lợi ích và cuộc sống của người dân. Vì thế nên việc tìm kiếm và khai thác những lợi ích từ rừng để cải thiện đời sống của người dân sinh sống trong rừng và làm nghề rừng là hết sức quan trọng. Nhận thức rõ điều đó nên Việt Nam đã có chủ trương hỗ trợ tích cực cho người dân phát triển sinh kế liên quan đến rừng, đặc biệt là nông nghiệp, nông thôn. Để thực hiện những chủ trương đó, chúng tôi nhận thấy phải tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp gắn bó hơn với rừng, đầu tư vào rừng và những hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho họ”.
Ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam: Cần có sự chuyển đổi lớn
“Cần có sự chuyển đổi lớn để xây dựng một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để phát triển và hưởng lợi từ việc đầu tư vào phát triển rừng tự nhiên bền vững. Liên Hợp quốc sẽ vẫn là một đối tác chiến lược và cam kết quan trọng của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý rừng bền vững thông qua hợp tác với khu vực kinh doanh trong nước và quốc tế để đạt được những lợi ích chung”.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương: Quyết tâm thì đã rõ…
“Sức ép của phát triển kinh tế - xã hội đã làm cho rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên đứng trước nguy cơ bị đánh đổi bởi các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác. Để tăng cường bảo vệ, phát triển rừng nhất là rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng bền vững, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 13 ngày 12/1/2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Quyết tâm thì đã rõ nhưng các giải pháp để tạo ra cơ hội, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào quản lý bền vững rừng tự nhiên còn chưa tương xứng với các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Việc chuyển đổi đất rừng ở một số địa phương gần đây cho thấy nhu cầu cấp thiết phải cải thiện không chỉ công tác thực thi pháp luật, tính minh bạch trách nhiệm giải trình mà còn phải lượng hóa đầy đủ các giá trị của rừng tự nhiên để cân nhắc trước khi đánh đổi rừng và các mục đích kinh doanh không bền vững khác”.
Ông Erik Solheim – Tổng Giám đốc điều hành chương trình môi trường Liên Hợp quốc: Phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ rừng
“Bảo vệ rừng là bảo vệ đa dạng sinh học. Do đó, chúng ta phải cân bằng, tìm ra giải pháp để vẫn có thể đảm bảo lợi ích kinh tế và bảo vệ rừng. Các công ty trên thế giới đã cho thấy họ vừa có thể sản xuất nhiều sản phẩm vừa đảm bảo trách nhiệm bảo vệ rừng. Vì thế nên chúng ta cần thay đổi suy nghĩ của mình. Nếu phát triển kinh tế bằng mọi giá, phá hủy thiên nhiên, đa dạng sinh học, tiêu diệt cây cối thì sẽ dẫn đến không bảo vệ được tương lai bền vững của con người. Chúng ta phải làm sao để đảm bảo các thành phần kinh tế khác nhau sử dụng rừng bền vững”.