Bắt cá sặc bùn trên sông Đà mùa nước cạn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào tháng 6 hàng năm, mực nước trên sông Đà chảy qua địa phận các huyện Mai Sơn, Bắc Yên, Phù Yên thuộc tỉnh Sơn La xuống thấp, nhiều khúc sông nước cạn trơ đáy biến thành bãi bùn. Khi gặp những trận mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về cuốn kéo theo bùn đất khiến cả con sông dài trở nên đục ngầu, cá nổi lềnh bềnh (cá sặc bùn). Lúc đó người dân ven sông nô nức kéo về bắt cá.
Bắt cá sặc bùn trên sông Đà mùa nước cạn.
Bắt cá sặc bùn trên sông Đà mùa nước cạn.

Những ngày này, trên dòng sông Đà thuộc xã Tà Hộc (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) nơi đâu cũng thấy nhộn nhịp, tấp nập thuyền, bè và người bắt cá. Từ sáng đến chiều cả khúc sông dài đông nghịt người, từ già đến trẻ tiếng cười nói rôm rả, người chèo thuyền, người xúc cá, giăng lưới, quăng chài…

Người dân sống ven sông Đà bắt cá sặc bùn.

Người dân sống ven sông Đà bắt cá sặc bùn.

Đứng trên mũi thuyền chuẩn bị quăng chiếc chài xuống dòng nước, thấy chúng tôi anh Mùi Văn Khoa, ở bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn) khoe: "Mùa nước cạn này nhiều cá lắm. Năm nào cũng vậy, cứ vào độ tháng 6, ở vùng này lại xuất hiện tình trạng cá sặc bùn trôi từ thượng nguồn về, cá nổi khắp nơi trên mặt nước đặc kín cả một khúc sông. Đây là lần duy nhất trong năm bà con được bắt cá sặc bùn".

Theo các già bản kể lại, hiện tượng cá sặc bùn trên sông Đà đã có rất lâu, từ khi đập thủy điện Hòa Bình tích nước. Hàng năm, vào thời điểm thủy điện xả nước về hạ du, mực nước trên khu vực thượng nguồn xuống thấp, dòng chảy trở về vị trí cũ. Khi gặp những trận mưa lớn, nước từ các rãnh suối nhỏ xối bùn đất trên các đồi dốc đổ dồn xuống sông, tạo thành dòng chảy xiết quấy nước lên đục ngầu, khiến lượng ôxi trong nước tụt giảm. Nhiều loại cá, tôm không chịu được ngoi lên thở vì trong nước thiếu ôxi, một phần bị chết nổi, trôi sông.

Nhiều người dân bắt được những loại cá to cỡ cả chục kg.

Nhiều người dân bắt được những loại cá to cỡ cả chục kg.

Tuy nhiên cá sặc bùn không phải lúc nào cũng có, tùy thuộc vào từng thời điểm, chúng chỉ xuất hiện khi có mưa lũ từ đầu nguồn chảy về. Nhận biết được hiện tượng đặc biệt này, mỗi mùa cá sặc bùn người dân sinh sống ven sông lại chuẩn bị đồ nghề xuống sông bắt cá.

Là người sống gần sông nên anh Vì Văn An, ở bản Pắc Ngà (xã Pắc Ngà, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) hiểu rất rõ về thời điểm sẽ xuất hiện cá sặc bùn và năm nào anh cũng là người đi bắt cá sớm nhất. Anh An chia sẻ: "Với kinh nghiệm nhiều năm trên sông nước, hôm qua tôi biết chắc sẽ lại có cá sặc bùn, sau những trận nắng hạn kéo dài cứ nhìn về phía thượng nguồn xuất hiện mây đen, sấm chớp nổi lên ầm ầm, sau đó trời mưa rất to kéo dài nhiều giờ đồng hồ, nước lũ chảy về đục ngầu. Cũng giống như tôi rất nhiều người chuẩn bị sẵn đồ nghề ra sông để mai phục bắt cá".

Ngoài bắt cá làm thực phẩm, nhiều người mang cá mang bán cho các thương lái có thêm thu nhập.

Ngoài bắt cá làm thực phẩm, nhiều người mang cá mang bán cho các thương lái có thêm thu nhập.

“Đúng như dự tính, sau trận mưa lớn dấu hiệu cá sặc bùn xuất hiện, sóng nổi lên quấy nước đục ngầu, cá, tôm các loại thành từng lớp từng lớp nổi lên lập lờ trên mặt nước, miệng ngáp ngoải như sắp chết, bị nước xô rạt vào gần bờ. Ngay lập tức chúng tôi nổ máy đánh thuyền ra bãi sông vợt cá, những con cá to nặng cỡ 5 - 10kg nổi lên ngáp ngoải, phi trên mặt nước như những chiếc tầu ngầm rẽ nước, còn những loại cá nhỏ thì nhiều vô kể”, anh An kể.

Còn theo anh Mùi Văn Lý, bản Mường (xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn), năm nay do nước sông cạn lâu, kèm theo nhiều trận mưa nhiều trận mưa to bớt trợt nên thời gian cá sặc bùn kéo dài. Mỗi lần như vậy bà con trong bản trúng lớn vì bắt được nhiều cá, nhà được ít vài chục cân, nhà nhiều bắt những vài tạ cá. Sướng nhất là bắt những loại cá to cỡ 10kg, cá to ở sông này không hiếm, còn cá nhỏ nhiều vô kể nhưng ít người lấy.

Sông Đà mùa nước cạn.

Sông Đà mùa nước cạn.

Như một thói quen, tin cá sặc bùn lan khắp bản trên bản dưới, người dân sống ven sông Đà ùa ra bờ sông đông nghịt người, người cầm chài, người cầm vó, lưới, đòn… nhanh tay bắt cá. Tuy nhiên, việc bắt cá cũng không hề dễ dàng chút nào, những con cá sặc bùn chủ yếu bị đuối sức trong thời gian ngắn, nếu để chúng hồi lại sức rất khó bắt, khi đó cá tiếp tục bơi theo dòng nước đi mất.

Các loại cá thường được các ngư dân đánh bắt chủ yếu là cá: Ngáo, măng, mè, trắm cỏ, chiên, quất, chép… Số cá bắt được ngoài để ăn thì người dân còn đem bán để có thu nhập cải thiện cuộc sống. Kết thúc mỗi mùa cá sặc bùn, ai cũng phấn khởi vì thu được nhiều chiến lợi phẩm, nhiều người bán cá thu về cả chục triệu đồng.

Những chiếc thuyền đầy ắp cá.

Những chiếc thuyền đầy ắp cá.

Ông Lèo Văn Thoan, Phó Bí thư xã Tà Hộc (Mai Sơn) cho biết: Mùa này, nước sông Đà chảy qua địa phận xã bị cạn thấy cả đáy sông, sau những trận mưa lớn nước sông bị quấy lên đục ngầu, đây cũng là thời điểm xuất hiện tình trạng cá sặc bùn. Biết được hiện tượng này người dân kéo nhau xuống sông bắt cá rất đông.

Do đó, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân đánh bắt đúng quy định không được phép sử dụng chất nổ, hóa chất, kích điện… đảm bảo an toàn khi đánh bắt. Ngoài ra, việc nước sông rút mạnh cũng gây ra nhiều khó khăn trở ngại, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của rất nhiều hộ dân, nhất là quá trình đi lại khó khăn...

Đọc thêm