Việc thí điểm chưa đạt mục tiêu đặt ra
Như PLVN đã có loạt bài phản ánh, theo Nghị quyết 33/NQ-CP (gọi tắt Nghị quyết 33), 4 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện. BV K và BV Bạch Mai (đều ở Hà Nội) đã triển khai. Theo kế hoạch 2 BV còn lại là Chợ Rẫy (TP HCM), Việt Đức (Hà Nội) tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên sau gần 2 năm thí điểm, việc tự chủ toàn diện BV đã bộc lộ một số hạn chế như: Thiếu khung giá dịch vụ khám chữa bệnh dù thời gian thí điểm 2 năm sắp hết; thiếu hướng dẫn cụ thể về quyền hạn Hội đồng quản lý BV, trong mối quan hệ với Đảng ủy, Giám đốc BV nên nguy cơ “giẫm chân” trong điều hành...
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng trước khi triển khai thí điểm toàn diện ở BV Chợ Rẫy, BV Việt Đức cần hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục các tồn tại sau khi đánh giá triển khai tại BV K và BV Bạch Mai để đảm bảo hiệu quả. Nhất là trong bối cảnh các BV ưu tiên chống dịch COVID-19 hiện nay, việc thí điểm nếu không chuẩn bị chu đáo có thể dẫn đến sự xáo trộn nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động của BV.
Sau đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có văn bản chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì rà soát, cập nhật các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến quy định tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về thí điểm tự chủ của 4 BV thuộc Bộ Y tế; đánh giá tình hình thực hiện thí điểm tự chủ tại BV Bạch Mai và BV K.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 15/7/2021, BV Bạch Mai triển khai thí điểm tự chủ được 17 tháng và BV K triển khai thí điểm tự chủ được 10 tháng. Ngay sau khi bắt đầu thực hiện thí điểm tự chủ, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, BV Bạch Mai và BV K đã phải trực tiếp phòng chống dịch bệnh xảy ra trong BV, đồng thời cũng tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo báo cáo của BV Bạch Mai, sau khi triển khai thí điểm tự chủ toàn diện, Hội đồng quản lý BV đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và tăng sự hài lòng của người bệnh. Mặt khác, BV còn tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19; đã cử nhiều đoàn cán bộ, viên chức của BV đi hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc...
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, BV Bạch Mai cũng gặp phải không ít khó khăn: Đó là do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại BV giảm đáng kể, ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị, trong năm 2020 nguồn thu của BV giảm gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2019, nên nguồn thu nhập tăng thêm của cán bộ, viên chức bị giảm nhiều.
Mặt khác, do khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu có tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa được Bộ Y tế ban hành, nên cũng gây khó khăn cho BV khi triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu…
Ngày 17/5/2021, Bộ Y tế đã thành lập Đoàn kiểm tra toàn diện BV Bạch Mai sau khi triển khai thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy: Số lượng bệnh nhân ngoại trú, nội trú của bệnh viện giảm, công suất sử dụng giường bệnh của BV giảm 29,6%, gần 20% danh mục kỹ thuật của BV đã được phê duyệt nhưng chưa được BV triển khai thực hiện, điểm kiểm tra chất lượng BV Bạch Mai năm 2020 là 3,83 giảm so với năm 2019...
Theo Bộ Y tế, việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ tại BV Bạch Mai theo Nghị quyết số 33 trong hơn 1 năm qua chưa đạt được mục tiêu đặt ra là: “Phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của BV nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân”.
Còn tại BV K, sau khi triển khai thực hiện tự chủ toàn diện như trình phê duyệt Hội đồng quản lý, phê chuẩn Ban Kiểm soát, ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý… Tuy vậy, ngay sau khi hoàn thiện xong các văn bản trên, thì BV K bị phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 nên việc triển khai thí điểm cơ chế tư chủ bị ảnh hưởng, BV K chưa có báo cáo đánh giá về kết quả triển khai cơ chế tự chủ theo Nghị quyết số 33.
Vì sao Bộ Y tế kiến nghị dừng triển khai?
Trong Tờ trình gửi Thủ tướng ngày 14/7 vừa qua, Bộ Y tế cho biết, sau khi rà soát, cập nhật các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến các nội dung tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế nhận thấy các nội dung thí điểm tự chủ của BV được quy định trong Nghị quyết số 33 đều đã được quy định rất cụ thể trong các Nghị định của Chính phủ mới được ban hành trong năm 2020 và năm 2021.
Chẳng hạn, đối với tự chủ về cơ chế tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế: Ngày 21/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế). Trong Nghị định đã quy định rất cụ thể các nội dung tự chủ về giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước.
Nghị định số 60 của Chính phủ cũng đã quy định rõ về việc chi tiền lương và các khoản đóng góp theo lương, chi thuê chuyên gia... tùy theo phân loại mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập... Nghị định số 60 còn có các quy định cụ thể về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số, trong đó có quy định về việc các đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế được thuê các đơn vị cung cấp các dịch vụ kỹ thuật y tế và giao thẩm quyền cho Hội đồng quản lý thông qua các đề án thuê các đơn vị cung cấp các dịch vụ kỹ thuật y tế…
Như vậy, các nội dung tự chủ về cơ chế tài chính, tiền lương, giá dịch vụ y tế được quy định trong Nghị quyết 33 đều đã được quy định cụ thể hơn trong Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ với việc phân cấp thẩm quyền nhiều hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các đơn vị sự nghiệp y tế nói riêng.
Mặt khác, do tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay vẫn diễn ra hết sức phức tạp, các BV nói chung và các BV trực thuộc Bộ Y tế nói riêng phải triển khai rất nhiều biện pháp để phòng, chống, ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch Covid-19 vào trong BV. Số lượng bệnh nhân của các BV trực thuộc Bộ Y tế cũng giảm nhiều do các đơn vị, địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.
Hơn nữa, các BV trực thuộc Bộ Y tế, nhất là BV Chợ Rẫy đã và đang phải huy động rất nhiều nhân lực, trang thiết bị để hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố trong cả nước trong phòng chống dịch. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ tại BV Hữu nghị Việt Đức và BV Chợ Rẫy trong giai đoạn hiện nay là hết sức khó khăn.
“Với các lý do nêu trên và theo kiến nghị của Bộ Tài chính, Bộ Y tế kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho phép BV Hữu nghị Việt Đức và BV Chợ Rẫy không thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 33. Tùy theo tình hình thực tế, các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ Y tế, trong đó có BV Hữu nghị Việt Đức và BV Chợ Rẫy sẽ thực hiện các nội dung tự chủ theo các quy định trong các nghị định của Chính phủ mới được ban hành. Bộ Y tế xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định”, văn bản Bộ Y tế gửi Thủ tướng đề xuất.