Đoàn công tác đã đến khảo sát tại Nhà máy nước Sơn Đông, Nhà máy nước An Hiệp và công trường thi công công trình Cống Tân Phú. Qua khảo sát ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đánh giá hệ thống các công trình ngăn mặn, trữ ngọt năm 2022 được chuẩn bị rất chu đáo. Nhiều cống đập đã được hoàn thành trước thời hạn để phục vụ cho phòng, chống hạn mặn, trong đó có các công trình, dự án lớn như Cống Tân Phú.
|
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre khảo sát Nhà máy nước An Hiệp, huyện Châu Thành |
Tại Nhà máy nước Sơn Đông và An Hiệp, lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre đã báo cáo tóm tắt tình hình vận hành các nhà máy nước này, về công tác bảo vệ nguồn nước, trữ nước ngọt dự phòng mùa hạn mặn 2022. Trong trường hợp nguồn nước của Nhà máy nước Sơn Đông bị nhiễm mặn, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre sẽ điều tiết nước từ các nhà máy nước ở huyện Châu Thành để bổ sung.
Trước công tác chuẩn bị của Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đánh giá cao sự chủ động của đơn vị, đồng thời đề nghị Công ty tiếp tục chủ động nguồn nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường nguồn nước.
|
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre khảo sát họa đồ khu vực công trình Cống Tân Phú |
Tại công trình thi công Cống Tân Phú, sau khi nghe đơn vị thi công giới thiệu về công trình Cống Tân Phú, ông Trần Ngọc Tam bày tỏ sự vui mừng trước tiến độ thi công của dự án này. Theo đó, dự kiến công trình Cống Tân Phú dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 12/2022, góp phần quan trọng trong phòng, chống hạn mặn, tạo môi trường sinh thái, cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành đưa vào vận hành, Cống Tân Phú sẽ là điểm nhấn cảnh quan trong khu vực, mang lại lợi ích nhiều mặt cho kinh tế - xã hội ở địa phương cũng như tỉnh Bến Tre.
Theo dự báo thì tình hình xâm nhập mặn từ ngày 22/2 đến 1/3/2022, tiếp tục ở mức cao. Độ mặn xâm nhập sâu nhất, lớn nhất xuất hiện trong các ngày 22, 23/2 và từ ngày 25/2 trở đi. Độ mặn 4‰ xâm nhập vào cách các cửa sông từ 41 - 52km, độ mặn 1‰ xâm nhập vào cách các cửa sông từ 50 - 61km. Xâm nhập mặn trên sông Hàm Luông diễn ra gay gắt hơn so với sông Cửa Đại và Cổ Chiên.