Bến Tre là một tỉnh nằm ở vùng hạ lưu của sông Cửu Long, được bồi đắp do phù sa của 4 nhánh sông Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và đường bờ biển dài 65km. Điều này đã giúp cho Bến Tre có hệ sinh thái đa dạng gồm mặn, lợ và ngọt, phù hợp với sự đa dạng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, gồm hai thế mạnh kinh tế vườn và kinh tế biển.
Vượt lên thách thức của thiên tai và dịch bệnh
Trước những khó khăn của nền kinh tế, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhất là tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp hiện nay, thời gian qua Bến Tre đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đến nay, Bến Tre có 109 tổ hợp tác (THT), 55 hợp tác xã (HTX) tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Bến Tre cũng thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP”, chú trọng nâng cao hiệu quả lợi ích giữa các khâu trong chuỗi.
Bến Tre tập trung xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực |
Trong các chuỗi nông sản chủ lực, Bến Tre có 48 THT, 24 HTX, thực hiện liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp với tổng diện tích liên kết hơn 12.000 ha, chiếm 16,5% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Chuỗi bưởi da xanh cũng đã hình thành được 32 THT, 09 HTX, thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp với diện tích ước khoảng 330 ha. Đối với chuỗi con bò, đã có 01 THT và 03 HTX tham gia liên kết với các công ty và HTX, với gần 1.400 con, chiếm 0,6% tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh. Chuỗi tôm biển: đã có 01 THT và 03 HTX tham gia liên kết với các công ty, doanh nghiệp với tổng cộng diện tích 243,28 ha.
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún sang chủ động hơn trong việc tham gia các liên kết ngang – dọc trong chuỗi, mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ, sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, xây dựng vùng nguyên liệu. Hiện nay, Bến tre đã có khoảng 9.869 ha cây ăn trái, dừa và tôm biển được công nhận GAP và hữu cơ, 2/8 sản phẩm chủ lực được xây dựng chỉ dẫn địa lý.
Triển khai xây dựng 10 nhãn hiệu tập thể, 03 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Có 09 cơ sở vùng trồng đã được cấp mã Trung Quốc và 22 cơ sở vùng trồng đã được cấp mã Châu Âu. Ngoài ra, lĩnh vực nuôi thủy sản tiếp tục phát triển, đặc biệt với lĩnh vực nuôi tôm biển thâm canh. Do vậy giá trị tăng thêm ở khu vực này tính theo giá so sánh ước đạt 5.705 tỷ đồng, tăng 7,29% so cùng kỳ.
Làm nông “thuận thiên”
Bến Tre đã xác định phát triển vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng tốt và sức cạnh tranh cao. Phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế ( GRDP) khu vực nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 4-4,7%/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha diện tích trồng trọt đạt 180 triệu đồng/ha, thủy sản đạt 450 triệu đồng/ha…
Do đó, để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Bến Tre đã tập trung bứt phá, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, THT và HTX để xây dựng theo hướng hữu cơ, an toàn. Có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp theo mục tiêu xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, theo phương châm “tăng giá trị, tăng nhiều sản phẩm trong một chuỗi; giảm chi phí đầu vào, hình thành các chuỗi giá trị trong nền kinh tế nông nghiệp”. Bến Tre đang tiếp tục hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, với các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh là: Dừa, cây ăn trái, cây giống và hoa kiểng, con heo, con bò, con tôm.
Người dân Bến Tre tăng thêm thu nhập từ hiệu quả của mô hình nuôi bò. |
Trước ảnh hưởng biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nên diện tích trồng lúa kém hiệu quả, người dân Bến Tre đã thay đổi nhận thức, chuyển đổi sang cây trồng khác mang lại hiệu quả cao hơn. Thêm vào đó, việc kết hợp trồng lúa với nuôi tôm, nuôi bò đã mang lại hiệu quả gấp 2-3 lần trên cùng một diện tích canh tác cho người nông dân. Với bò “thuận thiên”, tôm “công nghệ” là vật nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, vì vậy, việc kết hợp sẽ tạo cho người dân có sự đổi mới trong canh tác. Từ đó, người dân không phải chạy theo thị trường để chuyển đổi sản xuất, mà từ những cái sẵn có nên người dân thay đổi sản xuất cho phù hợp và tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác…
Hoạch định mục tiêu - Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
Để hoạt động chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp Bến Tre được nâng cao hơn, thời gian tới địa phương cần sớm triển khai Kế hoạch phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao; đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghệ cao huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Hỗ trợ nhà đầu tư sớm triển khai Dự án phát triển, nâng cao chất lượng đàn bò. Tập trung phát triển chuỗi tôm, bò, cây giống - hoa kiểng, thí điểm thành lập vùng sản xuất tập trung.
Bên cạnh đó, thực hiện triển khai Chương trình hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng sản xuất nông sản chuyên canh theo tiêu chuẩn. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ và tăng cường công tác quản lý, giám sát theo yêu cầu các nước nhập khẩu. Hoàn thành Đề án thành lập Trung tâm cây giống, hoa kiểng Chợ Lách.
Ngoài ra, Bến Tre cần đưa ra những giải pháp đảm bảo cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt; tăng cường vận động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt; triển khai các giải pháp phòng chống xâm nhập mặn, sâu bệnh. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Từ đó thực hiện tốt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 và đến định hướng đến năm 2030, Bến Tre đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại.