Bệnh nhân có con với thầy lang chữa hiếm muộn: Cần thủ tục pháp lý gì nếu muốn thầy lang phải cấp dưỡng cho 2 đứa trẻ?

0:00 / 0:00
0:00
Một vụ việc hi hữu đã được phát hiện ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang: Một gia đình đã đến nhờ thầy lang chữa hiếm muộn. Người vợ sau đó đã có bầu và sinh được 2 đứa con. Oái ăm thay, khi người chồng đưa 2 đứa trẻ xét nghiệm ADN, thì mới biết không phải con mình mà là "sản phẩm" của ông thầy chữa hiếm muộn. Vậy nếu thầy lang đúng là bố của hai đứa trẻ, ông thầy này có phải ngay lập tức có trách nhiệm với con, hay cần phải thủ tục pháp lý gì?  
Bệnh nhân có con với thầy lang chữa hiếm muộn: Cần thủ tục pháp lý gì nếu muốn thầy lang phải cấp dưỡng cho 2 đứa trẻ?

Câu chuyện hi hữu xin được tóm lược như sau: Vào cuối năm 2017, vợ chồng anh N.V.X. (trú Lục Nam, Bắc Giang) nghe tin ông Vũ Trọng Hải (SN 1975, trú xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) có khả năng chữa được hiếm muộn nên đến khám.

Mỗi lần đến khám, ông Hải đều bảo vợ chồng anh X. lần lượt vào căn phòng nhỏ rồi đóng cửa lại. Tại đây, ông Hải yêu cầu cởi bỏ quần áo rồi nằm lên giường để kiểm tra, đốt ngải.

Trong lúc khám, ông Hải nhiều lần đụng chạm vào nơi nhạy cảm trên cơ thể vợ anh X. Vì nóng lòng muốn có con nên vợ anh phải nghe theo, sau 4 tháng điều trị của ông Hải, vợ anh X. đã có thai rồi sinh con trai. Khi cháu được 2 tuổi, anh X. lại nhiều lần đưa vợ đến nhờ ông Hải khám chữa để sinh tiếp.

Tháng 5/2021, vợ anh sinh thêm bé trai. Tuy nhiên, cháu thứ 2 có nhiều nhiều nét giống Hải nên anh X. nghi ngờ và xét nghiệm ADN. Kết quả khiến gia đình bàng hoàng khi cả hai bé không cùng ADN với anh.

Anh X. gặng hỏi thì vợ kể lại chuyện ông Hải nhiều lần "thông tắc kinh mạch" cho mình. Chị kể, ông Hải cho hay, phải để ông ấy "thông tắc kinh mạch" (bằng cách cho quan hệ tình dục) về vợ chồng mới có con. Do nóng lòng có con và đặt niềm tin vào gã "lang băm" nên chị miễn cưỡng nghe theo.

Được biết, kết quả giám định ADN của cả hai bé cho thấy chúng không cùng ADN với anh X mà lại là con ông Hải. Hiện anh X đã làm đơn tố cáo ông Hải tới CAH Lục Ngạn,

Cơ quan công an đã trưng cầu giám định ADN, kết quả thể hiện "thầy lang" Vũ Trọng Hải là cha đẻ của 2 cháu bé với xác suất 99,99%.

Với xác suất 99,99% là cha đẻ của 2 đứa trẻ, vậy ông Hải phải thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng của cha ruột đối với con như thế nào?

Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định, cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu

Do đó, chỉ khi được xác nhận là có quan hệ huyết thống, hôn nhân hoặc nuôi dưỡng thì mới xảy ra nghĩa vụ cấp dưỡng.

Như vậy, điều kiện đầu tiên để xác định ông Hải có phải cấp dưỡng hay không, là phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền, xác nhận ông Hải và hai đứa bé có quan hệ huyết thống (cha- con). Người đại diện cho cháu bé phải làm thủ tục xác định cha cho con.

Sau khi được công nhận là cha con thì người con hoàn toàn có quyền yêu cầu cấp dưỡng. Nếu người cha trốn tránh nghĩa vụ thì người đại diện cho quyền lợi của hai cháu bé có thể khởi kiện đến Tòa án để đòi cấp dưỡng cho cháu bé.

Về mức cấp dưỡng, Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình nêu rõ, mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng cố tính không cấp dưỡng cho con có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Đọc thêm