Đây là sự nỗ lực của hơn 700 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế và các bộ phận hỗ trợ ngày đêm đồng hành với người bệnh vượt qua COVID-19.
Tập trung vào chăm chữa cho bệnh nhân
PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc bệnh viện cho biết, ngày 13/7, Bệnh viện Dã chiến số 8 TP HCM bắt đầu thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 với lực lượng nòng cốt là nhân viên y tế của Bệnh viện Bình Dân, kết hợp với Bệnh viện Thống Nhất và các nhân sự hỗ trợ.
Sau gần một tháng hoạt động, theo chỉ đạo mới, Bệnh viện dã chiến số 8 nâng từ tầng 2 sang tầng 3, chuyển từ chức năng thu dung sang tập trung chuyên sâu vào điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng từ trung bình tới nặng.
Thiết lập khu hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân diễn tiến nặng tại Bệnh viện Dã chiến số 8. |
Số lượng người bệnh trung bình được chăm sóc và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 8 là gần 4.000 F0. Trong đó, có cả những đối tượng có nguy cơ cao khi mắc COVID-19 như người bệnh lớn tuổi, béo phì hoặc có bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp...
Hàng trăm nhân sự từ Bệnh viện Bình Dân tiếp tục tăng cường cho Dã chiến số 8, trong đó có các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm trong cấp cứu, hồi tỉnh, hồi sức, nội khoa để gấp rút thiết lập và vận hành khu Hồi sức cấp cứu điều trị cho nhiều trường hợp COVID-19 diễn tiến nặng. Khu điều trị đặc biệt này với hơn 200 giường luôn tất bật không ngưng nghỉ với các hệ thống oxy cao áp, các máy trợ thở oxy dòng cao, máy thở chức năng cao là mặt trận khốc liệt nhất, nơi nhân viên y tế khẩn trương từng giây phút đấu tranh giành sự sống cho từng người bệnh.
Tại đây, nhiều bệnh nhân béo phì, lớn tuổi, bệnh nền phức tạp, người bệnh có bệnh lý tiết niệu và tổng quát đã vượt lằn ranh sinh tử để trở về nhà.
Trong số này, có người bệnh M.H.K (1992), một bệnh nhân béo phì, có yếu tố gia đình nhiều thành viên thừa cân, béo phì. Các bác sĩ nhớ rõ vì đây là một người bệnh bất hợp tác điều trị trong những ngày đầu nhập viện cho tới khi thở khó, viêm phổi do COVID-19 mức độ nặng và được cứu sống ngoạn mục. Bệnh nhân trong thời gian nằm dưỡng bệnh, đã tự viết lời cảm ơn và xin lỗi lên nhóm điều trị vì “nông nổi không chịu nghe hướng dẫn và cảm ơn các bác sĩ vì đưa em từ cõi chết trở về”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 8. |
ThS.BS Lê Hoàng Văn, bác sĩ trực tiếp điều trị cho người bệnh tại khu R3 lưu ý, F0 không nên có tâm lý chủ quan cho rằng “không tới mình rơi vào bệnh nặng”. Đã có nhiều F0 vào viện trong tình trạng khỏe mạnh nên không chú ý, thậm chí kém hợp tác với bác sĩ trong việc theo dõi tình trạng bản thân. Đến khi bất ngờ hụt hơi, khó thở thì hoảng loạn, mới nhờ đến những người bệnh chung phòng hỗ trợ và muốn được bác sĩ can thiệp kịp thời. Đây là lưu ý quan trọng cho những người bệnh muốn được ở một mình ở căn hộ tách biệt. Chính những F0 khác chung phòng cũng đóng vai trò hỗ trợ kịp thời, tại chỗ và nhiệt tình để ứng cứu người bệnh trở nặng. Với diễn tiến bệnh có thể xoay chuyển bất ngờ, từ có triệu chứng nhẹ sang khó thở nhanh chóng thì việc ở một mình trong căn hộ riêng có thể bỏ mất thời gian vàng.
Bên cạnh vấn đề tập trung điều trị các trường hợp chuyển nặng, Bệnh viện còn thiết lập tổng đài dã chiến để hỗ trợ người thân, người bệnh. Tâm lý của người bệnh và người thân trong các trường hợp suy sụp, căng thẳng, lo âu cũng được đội ngũ nhân viên y tế và chuyên gia tâm lý hỗ trợ để hợp tác tốt hơn trong điều trị. Tổng đài dã chiến đã trợ giúp tìm kiếm thông tin người bệnh, cập nhật để người nhà yên tâm, giải quyết các thắc mắc thủ tục hành chính, hỗ trợ kết nối lại các trường hợp lạc mất liên lạc với người thân vì trong lúc cấp bách “không nhớ đã đưa người thân của mình vào dã chiến nào”?
Khi bác sĩ, nhân viên y tế là bệnh nhân và sự chung tay của cộng đồng
Theo PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc bệnh viện, tại Bệnh viện Dã chiến 8, trong số các người bệnh, có những F0 chính là bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Thống Nhất và cả những người đã phục vụ nơi tuyến đầu chống dịch.
Điển hình là bác sĩ Dương Thanh Hải, là một trong những bác sĩ tình nguyện tham gia chống dịch từ những ngày đầu. Khi nhiễm bệnh COVID-19, bác sĩ Hải vừa là bệnh nhân vừa là bác sĩ tại chỗ hướng dẫn những người bệnh qua trực tuyến. Bác sĩ Hải còn chủ động phối hợp với các đồng đội đến ngay những phòng bệnh khác khi được báo có người bệnh bị khó thở, trở nặng. Khi kết quả RT-PCR với SARS-CoV-2 âm tính, bác sĩ Hải viết đơn xin tình nguyện ở lại tham gia phòng chống dịch.
Các bác sĩ, nhân viên ở Bệnh viện Dã chiến số 8. |
Ngoài bác sĩ Hải, nhiều nhân viên y tế cũng xin tình nguyện “hết dịch mới về nhà” bám trụ cùng đồng đội tại Bệnh viện Dã chiến số 8.
Bên cạnh đó, Bệnh viện còn nhận được sự chung tay góp sức từ cộng đồng, những suất ăn dinh dưỡng, những phần nước uống mát lành, những trang bị bảo hộ, thiết bị y tế… kèm theo những lời nhắn gửi, động viên đến tuyến đầu là những món quà tinh thần quý báu tiếp thêm động lực để nhân viên y tế và cả người bệnh nơi đây càng thêm sức mạnh để chống lại dịch bệnh và trở về khỏe mạnh.
Hỗ trợ 10.000 người bệnh xuất viện, những chuyến xe Phương Trang vận chuyển miễn phí chở người bệnh quay về mái ấm yêu thương. Vẫy tay chào Bệnh viện Dã chiến số 8, nhiều người bệnh nói rằng sẽ nhớ về nơi này với thật nhiều y bác sĩ và hậu cần chăm sóc cho họ trong lúc cần thiết nhất: “Hẹn gặp lại, sau mùa dịch nhé!”.
Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân trước khi họ ra về. |
Bệnh viện “đã chiến” nhưng cực kỳ chuyên nghiệp
Trong điều kiện “dã chiến”, nhưng ngay từ ban đầu, Ban Giám đốc đã chú trọng xây dựng phần mềm quản lý người bệnh, đầu tư các đường truyền băng thông riêng để đảm bảo kết nối giữa các nhân sự điều hành, bác sĩ, điều dưỡng, hành chánh. Bệnh viện có phần mềm quản lý nội trú riêng để quản lý hiệu quả diễn tiến bệnh, ngày làm xét nghiệm và làm thủ tục xuất viện nhanh chóng cho lượng lớn người bệnh.
Từ các dữ liệu lớn này, Ban Giám đốc và Phòng Kế hoạch Tổng hợp cũng thống kê nhanh chóng được tình hình hiện tại, dự báo một số vấn đề trong diễn tiến của người bệnh ngay tại bệnh viện. Ngoài ra, thông tin người bệnh được nhập liệu, cập nhật liên tục và liên thông với các ứng dụng “Khai báo y tế điện tử”, phần mềm “Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19” để người thân bên ngoài có thể tra cứu nhanh chóng nơi người bệnh đang điều trị và báo cáo về Sở Y tế TP HCM.
Hoạt động giao ban được duy trì đều đặn giữa Ban Giám đốc bệnh viện và các y bác sĩ. Các cuộc hội chẩn từ xa giữa các Giáo sư, bác sĩ hàng đầu tại Bệnh viện Bình Dân với các bác sĩ và điều trị trực tiếp cho người bệnh tại Bệnh viện Dã chiến số 8 cũng được thực hiện trực tuyến để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh, nhất là những trường hợp khó.
Do diễn tiến lâm sàng người bệnh COVID-19 rất bất ngờ, người bệnh có thể nhanh chóng rơi vào khó thở, việc kết nối người bệnh-điều dưỡng-bác sĩ qua đường dây nóng, nhóm Zalo người bệnh từng khoa là rất cần thiết. ThS.BS Lê Hoàng Văn, bác sĩ trực tiếp điều trị cho người bệnh tại khu R3 cho biết: “Các đường dây nóng hoạt động 24/24 và nhóm zalo người bệnh đã hỗ trợ rất nhiều trong việc phát hiện sớm người bệnh chuyển nặng. Với một cuộc gọi, một tin nhắn, các bác sĩ đã tiếp nhận thông tin tức thời để ứng cứu người bệnh”.
Nhìn lại con số 10.000 người bệnh xuất viện khỏe mạnh, Ban Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 8 khẳng định, đây là một nỗ lực lớn của tập thể các y bác sĩ tại đây. Các y bác sĩ luôn luôn theo dõi chặt, can thiệp sớm đối với các trường hợp có bệnh nền, lớn tuổi, béo phì trước khi bệnh trở nặng. Việc bám sát quy trình để giải quyết xuất viện đúng tiến độ, giữ hiệu suất lượng người bệnh xuất-nhập ở mức cao (lượng nhập viện và xuất viện mỗi ngày trung bình 400 người, có ngày số người bệnh được về nhà lên đến hơn 700 người) còn giúp bệnh viện kịp thời đón nhận các bệnh nhân mới, giảm tải áp lực cho cộng đồng vào đợt bùng phát thứ 4 do biến chủng delta tại TP HCM.
PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến 8 TP HCM