Áp dụng CNTT vào y tế
Thời gian qua, việc ứng dụng Công nghệ thông tin vào lĩnh vực y tế đã giúp bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh nâng cao chất lượng trong quản lý, hỗ trợ tích cực trong công tác khám, điều trị cho bệnh nhân. Phần mềm PACS được coi là một bước tiến đột phá của ngành Y tế trong việc chẩn đoán bệnh nhằm cung cấp khả năng truy xuất thông tin nhanh chóng và lưu trữ hình ảnh chính xác, giảm thiểu thời gian chờ đợi cho người bệnh.
PACS (Picture Archiving and Communication System) là hệ thống thu nhận, lưu trữ, xử lý và truyền tải ảnh trong y tế. Hệ thống PACS cung cấp các công cụ xử lý và phân tích hình ảnh từ các thiết bị y tế tạo ảnh có độ chính xác cao, giúp các bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác.
Bằng việc sử dụng hệ thống PACS, tất cả các thiết bị tạo ảnh trong cùng 1 bệnh viện đều kết nối tới cùng một trung tâm dữ liệu Server và thông qua trình duyệt internet trong mạng nội bộ bệnh viện hoặc bên ngoài bệnh viện, người dùng có thể đăng nhập sử dụng hệ thống ở mọi lúc mọi nơi. Có thể nói, Hệ thống PACS là giải pháp tối ưu đem lại hiệu quả tối đa và chất lượng dịch vụ tốt nhất cho bệnh viện.
Hiện tại, Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh VR- PACS tại bệnh viện đa khoa Bắc Ninh được triển khai thí điểm bởi công ty cổ phần công nghệ C+, tập trung chủ yếu kết nối các máy sinh ảnh tại khoa CDHA và một số trung tâm khoa phòng như: Khoa Thăm dò chức năng, khoa Giải phẫu bệnh, Trung tâm tim mạch, khoa Nội tiêu hóa thần kinh các bệnh máu, Trung tâm cấp cứu và vận chuyển 115…
Kết nối PACS- HIS được thực hiện thông qua phân hệ HL7 Gateway, cung cấp các chức năng trao đổi kết quả tìm kiếm, kết nối giữa HIS (Hospital Information System), RIS (Radiology Information System) và PACS.Việc kết nối đảm bảo dữ liệu thông tin y tế của người bệnh được chính xác, giữa hệ thống PACS và hệ thống HIS.
|
Mang lại nhiều lợi ích
Hệ thống PACS có khả năng thay thế hoàn toàn hệ thống in film tương tự thành hệ thống film số hóa. Khi sử dụng hệ thống PACS, bệnh viện không còn phải tiêu tốn các chi phí liên quan tới phòng rửa phim, khu vực xử lý film, phòng chứa film, film, vật liệu liên quan tới film. Thay vào đó, toàn bộ dữ liệu được lưu trữ trực tiếp lên các thiết bị lưu trữ số.
Như vậy, PACS vừa đảm bảo hiệu quả về mặt đáp ứng hoạt động, vừa tiết kiệm chi phí tối đa cho bệnh viện. Việc lưu trữ dữ liệu được thực hiện bởi các hệ thống máy tính chủ, hệ thống lưu trữ, ghi trên đĩa CD, băng từ…
Ngoài ra, Hệ thống PACS cho phép Bác sỹ chẩn đoán hình ảnh truy cập dữ liệu bệnh nhân để tiến hành đọc phim gần như ngay tức thì sau khi kỹ thuật viên thực hiện xong việc chiếu chụp cho người bệnh. Do vậy, người bệnh sẽ có kết quả nhanh, chính xác hơn nhờ các công cụ đã được hỗ trợ tích hợp sẵn trong hệ thống PACS.
Hệ thống PACS kết nối hai chiều với hệ thống máy chiếu chụp và kết nối với hệ thống quản lý thông tin bệnh viện; do đó toàn bộ thông tin của người bệnh được tự động hóa và chính xác tuyệt đối.
Hệ thống PACS cho phép tự động truy tìm lược sử bệnh án của Bệnh nhân trong toàn bộ quá trình điều trị, do đó bác sỹ sẽ có toàn bộ dữ liệu đề đánh giá hiệu quả quá trình điều trị cho Bệnh nhân.
Bên cạnh đó, hệ thống PACS còn mang lại lợi ích về mặt quản lý, cụ thể: Bênh viện có hệ thống PACS tích hợp các công cụ thống kê, báo cáo; từ đó PACS giúp Bệnh viện có thể quản lý hiệu quả hoạt động của trang thiết bị, của đội ngũ nhân sự theo các tiêu chí đánh giá khác nhau. Hệ thống PACS liên thông với hệ thống HIS cho phép trích xuất các dữ liệu cần thiết để báo cáo lên cổng thông tin của Bộ Y Tế hay của Bảo hiểm xã hội.
Các công cụ hỗ trợ chẩn đoán từ xa của hệ thống PACS giúp các Bác sỹ thực hiện công tác chuyên môn mọi lúc, mọi nơi; từ đó quản lý hiệu quả hơn hoạt động của Khoa/ phòng chuyên môn của Bệnh viện.
BSCK II. Hạ Bá Chân, giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc ứng dụng PACS là một xu thế tất yếu, để hoàn thiện Bệnh án điện tử và tiến đến Bệnh viện thông minh. Bệnh viện có thể cung cấp các dịch vụ thông minh, tiện dụng cho người bệnh như: Cung cấp cổng thông tin trả kết quả phim trực tuyến cho người bệnh (có thể xem trực tiếp trên các thiết bị di động, các máy tính cá nhân của bệnh nhân…).
Đồng thời, trong trường hợp sử dụng PACS giữa các bệnh viện có thể trao đổi dữ liệu, không yêu cầu người bệnh chiếu chụp nhiều lần khi chuyển tuyến, từ dó rút ngắn thời gian thăm khám và những chi phí không cần thiết cho người bệnh.