Theo Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân Hành được bệnh viện Chân Mây chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế vào ngày 10/4 trong tình trạng rất nặng, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp thấp.
Bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn kèm viêm phổi nặng biến chứng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị can thiệp kịp thời bằng kỹ thuật ECMO (trao đổi ô xy qua màng nhân tạo ngoài cơ thể, CRRT (lọc máu liên tục tại giường).
Đây là những kỹ thuật cao, phức tạp, rất hiệu quả để cứu sống bệnh nhân nhưng có chi phí điều trị cao, bệnh nhân nghèo không có khả năng chi trả. Trước tình huống này, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã chỉ đạo giải quyết cấp cứu ngay để cứu sống bệnh nhân.
|
Triển khai kỹ thuật ECMO |
Sau 2 giờ điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn tiến triển nặng hơn, vô niệu. Các bác sĩ đã cho lọc máu liên tục tại giường nhưng toàn trạng vẫn không cải thiện, khó thở tăng thêm, bệnh nhân được cho thở máy, sử dụng kháng sinh phổ rộng và được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa, biến chứng suy đa cơ quan, viêm phổi nặng biến chứng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển), tiên lượng tử vong cao.
Tình trạng bệnh nhân quá nặng, các bác sĩ xác định cứu cánh duy nhất để cứu sống bệnh nhân là dùng kỹ thuật ECMO (trao đổi ô xy qua màng nhân tạo ngoài cơ thể). Tuy nhiên, để sử dụng kỹ thuật này đòi hỏi một chi phí rất lớn trong khi điều kiện gia đình bệnh nhân lại rất khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Giám đốc bệnh viện đã nhanh chóng yêu cầu các kíp trực khẩn trương, tập trung mọi nguồn lực để điều trị cho bệnh nhân, viện phí sẽ tìm hướng xử lý sau.
Sau 18 ngày điều trị tích cực bệnh nhân dần tỉnh táo, huyết áp ổn định dần, ngưng được các phương tiện hỗ trợ. Những ngày sau đó, bệnh nhân được rút ống trợ thở thành công, tỉnh táo, giao tiếp tốt, đã tự đi lại, tập thể dục trong phòng.
|
Bệnh nhân tập phục hồi chức năng sau đặt ECMO và CRRT. |
Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, hồi phục tốt, được cho ra viện trong niềm vui ngập tràn của các thầy thuốc và gia đình bệnh nhân.
Được biết, anh Hành làm nghề thợ xây, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh chia sẻ: “Cha mẹ tôi sinh ra và nuôi tôi khôn lớn, đó là trách nhiệm của bậc sinh thành nhưng đội ngũ thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế, những người mà tôi chưa gặp hay quen biết lần nào lại là những người bỏ hết công sức ra để cứu sống tôi, những người đã sinh ra tôi lần thứ hai”.
Người vợ tiếp lời chồng trong xúc động: “Trong khi tình cảnh kinh tế khó khăn, bệnh tình chồng tôi quá nặng, cả gia đình đã bắt lực và quyết định xin đưa về nhà nhưng với sự giúp đỡ của ông Giám đốc bệnh viện và sự tận tâm của đội ngũ y tế của khoa Hồi sức tích cực đã giúp tôi có thêm phần hy vọng để quyết định tiếp tục điều trị cho chồng tôi.
Hôm nay chồng tôi khỏe mạnh ra viện, chúng tôi xin cám ơn ông Giám đốc và các bác sĩ bệnh viện TW Huế rất nhiều, chúc các bác luôn khỏe mạnh để tiếp tục cứu chữa và giúp đỡ cho những bệnh nhân nghèo như chúng tôi”.
Theo TS.BS Nguyễn Tất Dũng (Trưởng khoa Hồi sức tích cực), chi phí điều trị của bệnh nhân Hoành lên đến hơn 700 triệu đồng, ngoài chi trả của Bảo hiểm y tế thì bệnh nhân không có khả năng chi trả phần còn lại. Vì thế, bệnh viện đã trích kinh phí từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của bệnh viện để hỗ trợ bệnh nhân.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp (Giám đốc BVTW Huế): “Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn đang diễn tiến phức tạp, khó lường trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, Bệnh viện TW Huế đang tập trung mọi nguồn lực đảm bảo côngtác phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo công tác chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực, với quyết tâm cao nhất để cứu sống bệnh nhân.
Đội ngũ cán bộ y tế khoa Hồi sức tích cực có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm nhiều năm trong kiểm soát, vận hành, ứng dụng các kỹ thuật hồi sức cao cấp, phức tạp như ECMO, lọc máu liên tục, thở máy xâm nhập đã hồi sinh rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch trong đó có các bệnh nhân suy đa tạng, đặc biệt trong các đợt dịch COVID-19 vừa qua”.