Bệnh viện Trung ương Huế: Vừa chống dịch, vừa điều trị, vừa hỗ trợ tỉnh bạn

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Thời gian gần đây, Bệnh viện Trung ương Huế đã có sự phân công, phối hợp nhịp nhàng cũng như tập thể đoàn kết nên đã thực hiện tốt đồng thời cả 3 nhiệm vụ là vừa chống dịch, vừa điều trị, vừa hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh tại địa phương khác. Qua đó, được lãnh đạo, người dân xứ Huế cũng như nhiều tỉnh bạn đánh giá cao.

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 là nơi điều trị bệnh nhân tuyến cuối nặng, nguy kịch do Bệnh viện TƯ Huế phụ trách tại TP HCM.
Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 là nơi điều trị bệnh nhân tuyến cuối nặng, nguy kịch do Bệnh viện TƯ Huế phụ trách tại TP HCM.

Vừa chống dịch tốt, vừa trị bệnh giỏi

Được sự phân công của Bộ Y tế từ năm 2020, Bệnh viện Trung ương Huế là tuyến đầu tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 và làm nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo, Bệnh viện đã thành lập Trung tâm Cách ly và Điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2. Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận và điều trị với tổng số 59 bệnh nhân mắc COVID, hàng trăm bệnh nhân F1 có bệnh lý nặng cần can thiệp các kỹ thuật cao.

Đặc biệt vào tháng 8 năm 2020, trong vòng chưa đầy 1 tuần bệnh viện đã tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân nặng từ Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh khác chuyển tới. Đây là các bệnh nhân cần phải thở máy, hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO), lọc máu liên tục, chạy thận nhân tạo... Để kịp thời khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân này, bệnh viện đã huy động các Bác sĩ, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên có chuyên môn cao và kinh nghiệm để điều trị cho các bệnh nhân này.

Tổ chức nghiêm túc công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ cổng tiếp đón.

Tổ chức nghiêm túc công tác sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh ngay từ cổng tiếp đón.

Từ ngày thành lập đến nay, Trung tâm Cách ly ngoài điều trị bệnh nhân COVID-19 còn tiếp nhận điều trị cho hàng trăm bệnh nhân F1, nhập cảnh với đa bệnh lý từ hồi sức, nội khoa đến chấn thương; thực hiện phẫu thuật nhiều trường hợp bệnh nặng về lồng ngực - tim mạch, tiêu hoá, chấn thương, tiết niệu...

Hiện tại, Bệnh viện đang điều trị cho 15 bệnh nhân COVID-19 mức độ trung bình, nặng, nguy kịch, có bệnh nhân phải thực hiện ECMO, thở máy,.. trong đó có những thai phụ mang thai chỉ 13 tuần; cách ly, điều trị cho 20-50 bệnh nhân F1 mỗi ngày.

Bên cạnh việc điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh viện còn tiếp nhận, điều trị số lượng lớn bệnh nhân thuộc các vùng dịch đến khám, chữa bệnh. Số lượng bệnh nhân nội trú hằng ngày luôn duy trì từ 800-1000 bệnh nhân, chưa kể cấp cứu và khám, chữa bệnh ngoại trú. Bảo đảm duy trì được hoạt động khám chữa bệnh trong nội tỉnh Thừa Thiên Huế đồng thời tiếp nhận tất cả các bệnh nhân từ các tỉnh khác chuyển đến điều trị. Việc vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, bệnh nhân nghi nhiễm và duy trì công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng khác (đến từ vùng Xanh) là một thách thức lớn đối với Bệnh viện, đặc biệt trong công tác sàng lọc, phân luồng.

Bệnh viện Trung ương Huế vừa chống dịch, vừa ghép thành công tế bào gốc cho bệnh nhân.

Bệnh viện Trung ương Huế vừa chống dịch, vừa ghép thành công tế bào gốc cho bệnh nhân.

Trước tình hình số lượng bệnh nhân COVID-19 tại tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực đang tăng, Bệnh viện đã xây dựng phương án để chuyển đổi công năng của Bệnh viện Trung ương Huế - Cơ sở 2 thành Trung tâm Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Huế tại miền Trung gồm 500 giường.

Để chuẩn bị cho kế hoạch này, bệnh viện đã tiến hành đào tạo liên tục cho tất cả nhân viên bệnh viện với các hình thức cầm tay chỉ việc, đào tạo trực tuyến; tổ chức các lớp tập huấn sử dụng máy thở, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân,.. với mục tiêu tất cả Bác sĩ (không kể chuyên khoa) phải biết sử dụng máy thở và toàn thể Điều dưỡng phải biết chăm sóc bệnh nhân thở máy. Bệnh còn tổ chức các lớp tập huấn khác cho các bệnh viện khác khi Sở Y tế Huế yêu cầu.

Luôn sẵn sàng lên đường

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ủy, của Ban Giám đốc và đạo đức nghề nghiệp, hàng nghìn cán bộ nhân viên bệnh viện đủ các thành phần, chuyên khoa đã viết đơn tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các tỉnh bạn. Các cán bộ tham gia tình nguyện được yêu cầu phải luôn sẵn sàng để lên đường bất kỳ lúc nào.

Mở đầu cho chương trình tình nguyện này là Đoàn công tác hỗ trợ tỉnh Bắc Giang vào cuối tháng 5/2021 gồm 18 y, bác sĩ. Tiếp đến là các Đoàn hỗ trợ các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Bình Dương, Quận 10 (TP Hồ Chí Minh), Tiền Giang.

Và đặc biệt vào cuối tháng 7/2021, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng nhanh liên tục. Bộ Y tế đã phân công Bệnh viện Trung ương Huế thành lập Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương Huế tại thành phố Hồ Chí Minh (Trung tâm ICU TW Huế) với quy mô 500 giường.

Để chuẩn bị cũng như đảm bảo hoạt động của Trung tâm ICU Trung ương Huế, ngay sau khi hoàn thành kỳ họp Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện cùng các phó giám đốc, cán bộ chủ chốt của Bệnh viện đã họp liên tục trong nhiều ngày để chuẩn bị phương án triển khai Trung tâm Hồi sức COVID-19 này.

GS-TS Phạm Như Hiệp (đi đầu) cùng lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Trung ương Huế lên đường vào TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19.

GS-TS Phạm Như Hiệp (đi đầu) cùng lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Trung ương Huế lên đường vào TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19.

Sau đó, Bệnh viện đã liên tục thành lập các Đoàn công tác để triển khai hoạt động Trung tâm COVID-19 này tại TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân – Phó Giám đốc Bệnh viện cùng lực lượng y tế tinh nhuệ (gồm 130 người) đang cấp tốc hoàn thành nhiệm vụ của Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương Huế.

Tính đến thời điểm này, Bệnh viện đã điều động 234 nhân viên (trong đó có 71 bác sĩ, 100 điều dưỡng và 63 cán bộ khác) tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại các tỉnh bạn. Và Bệnh viện vẫn sẽ tiếp tục thành lập các Đoàn công tác khác để hỗ trợ khi các đơn vị khác cần hỗ trợ.

Các Đoàn công tác được cử đi đã thể hiện được tốt vai trò về xây dựng quy trình, xây dựng hệ thống đáp ứng việc sàng lọc và thu dung điều trị; cứu sống nhiều bệnh nhân nặng, được địa phương ghi nhận và đánh giá cao.

Việc vừa khám chữa bệnh, vừa điều trị bệnh COVID-19 và tăng cường hỗ trợ cho tỉnh bạn đòi hỏi sự chỉ đạo sáng suốt cũng như tầm nhìn của Ban Giám đốc Bệnh viện. Điều này cũng thể hiện được tinh thần hi sinh, nhiệt huyết và nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thể cán bộ nhân viên.

Có thể thấy, trong trận chiến chống dịch đầy khốc liệt này, chắc chắn có những hy sinh thầm nặng, những khó khăn vất vả nhưng vượt qua tất cả như lời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Y tế: “Những chiến sĩ áo trắng là những người đi trước về sau trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 kéo dài và chưa có ngày kết thúc”.

Xin gửi lời tri ân đối với cán bộ y bác sỹ Bệnh viện TƯ Huế và mong họ luôn có nhiều sức khỏe, bản lĩnh để vượt qua tất cả vất vả khó khăn, đồng lòng, hợp lực đẩy lùi đại dịch COVID- 19.

Đọc thêm