Bệnh viện Y học Cổ truyền Thừa Thiên Huế: Nơi tìm lại những… bước chân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bệnh viện Y học Cổ truyền (YHCT) tỉnh Thừa Thiên Huế là nơi đã giành lại những bước đi kỳ diệu cho nhiều bệnh nhân thoát tàn phế khi đã chữa “cùng thầy cuối thuốc” các bệnh thần kinh cơ xương khớp: tai biến, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gút… bằng các phương pháp Y học cổ truyền, Đông - Tây y kết hợp.
Bác sĩ Lê Công Danh, khoa Nội thăm khám cho bệnh nhân Phạm Đình Hiệp.
Bác sĩ Lê Công Danh, khoa Nội thăm khám cho bệnh nhân Phạm Đình Hiệp.

Giành lại những bước đi vững vàng

Tại bệnh viện YHCT một ngày cuối tháng mười, bệnh nhân Phạm Đình Hiệp (37 tuổi, huyện Quảng Điền) vui vẻ tập đi lại. Bác sĩ và bệnh nhân khác cùng dõi theo ông bước đi vững không cần chống, vịn với tiếng cười tràn đầy phòng điều trị. Các khớp tay của ông Hiệp giờ co vào dễ dàng hơn, nói rõ, trí nhớ phục hồi tương đối. “Hơn hai năm trước, tôi bị tai biến mạch máu não lúc đang ngủ. Khi đi viện thì đã rơi vào trạng thái bán thân bất toại, lúc nhớ lúc quên”, ông nhớ lại.

Ông Hiệp được gia đình đưa đi điều trị ở bệnh viện tuyến Trung ương nhưng không thuyên chuyển nhiều. Đầu năm 2021, ông được giới thiệu đến bệnh viện YHCT thấy đỡ nên ở lại đây luôn. Phương pháp điện châm, xoa bóp kết hợp với vật lý trị liệu cộng với sự kiên trì, tin tưởng của người bệnh vào bác sĩ đã dần trả ông những bước đi bình thường hôm nay.

Bác sĩ điều trị Lê Công Danh, người có hơn 20 năm làm việc tại bệnh viện, trực tiếp điều trị nhiều ca khó. Trong đó, bác sĩ Danh nhớ sâu đậm hạnh phúc của bệnh nhân Nguyễn Văn Hùng là công nhân xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc (49 tuổi, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Bệnh nhân Hùng bị mất kiểm soát, dần bất tỉnh, được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu, điều trị tại Hàn Quốc rồi chuyển về nhập bệnh viện Đại học Y Hà Nội, điều trị tại khoa nội tổng hợp khi đã tỉnh táo nhưng di chứng liệt nửa người bên phải.

Ngày 4/6/2018, ông Hùng đến bệnh viện YHCT khám trong tình trạng nói ngọng, nói khó, nghe hiểu nhưng trả lời bập bẹ, tê nhức nửa đầu bên trái, tê quanh vùng tai phải, lan lên đỉnh đầu. Tai bên trái ù, giảm 50% thính lực và lùng bùng từng cơn, đi lại mất cân bằng.

Bằng kinh nghiệm làm nghề của mình, bác sĩ Danh chẩn đoán bệnh và áp dụng phương pháp điều trị khử phong thông lạc, hòa huyết, hòa vinh với các bài thuốc “Khiên chính thang” gia giảm, châm cứu phù hợp vận mạch, khí huyết kinh lạc với thể trạng kết hợp xoa bóp, bấm huyệt.

“Dù gia đình chuẩn bị tinh thần chiến đấu lâu dài cùng bệnh nhân nhưng với sự nỗ lực của các y, bác sĩ chỉ 15 ngày sau ông Hùng đã đi được, nói được trở lại. Ngày ra viện, ông Hùng bước đi trên đôi chân của chính mình. Người nhà rưng rưng cảm ơn điều dưỡng bệnh phòng, bác sĩ điều trị và ôm chầm các bệnh nhân cùng phòng nói lời chia tay”, bệnh nhân khỏe mạnh như làm bác sĩ Danh vui lây tận bây giờ anh còn xúc động khi kể.

“Đứng dậy đi một vòng xem thử hôm nay thế nào?”, bác sĩ Danh nói với anh Phan Trung Đỗ (58 tuổi, Thuận An, TP. Huế). “Giờ cho tôi một trái bóng để đá cũng được rồi nữa”, anh Đỗ phấn khởi bước đi nhanh nhẹn vui mừng khoe như lần đầu thấy con trẻ biết đi. Anh kể: “Tôi làm nghề bánh chưng, bánh tét nên ngồi suốt ngày sinh bệnh đau lưng. Trước đây, mỗi lần đau tôi thường tự mua thuốc giảm đau uống cho đến 11 ngày trước thì thấy toàn lưng, chân của mình bị mất cảm giác hoàn toàn rồi ngã quỵ. Lúc vào đây, tôi gọi taxi đến thẳng bệnh viện. Cũng “phước thầy may chủ” giờ tôi chuyển biến tốt, đi lại được bình thường. Cuối tuần là tôi được xuất viện”.

“Chúng tôi tâm niệm đối với bệnh nhân càng là ca bệnh nặng, bệnh khó, ở xa càng tận tâm săn sóc”, bác sĩ Lê Công Danh ân cần với bệnh nhân và chia sẻ.

Chuyên môn cao, vui vẻ là văn hóa

Bệnh viện Y học cổ truyền Thừa Thiên Huế là bệnh viện đầu ngành của tỉnh về Y học cổ truyền. Bệnh viện có 13 phòng khoa, gồm: Khám Đa khoa - Cấp cứu, Châm cứu – Dưỡng sinh, Cận Lâm sàng, Kiểm soát nhiễm khuẩn, Nội – Nhi, Ngoại – Phụ, Dược … chăm sóc và phục hồi chức năng bằng y học cổ truyền, kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại, nghiên cứu, bảo tồn phát triển y dược cổ truyền rất hiệu quả trong dự phòng, điều trị bệnh mãn tính.

Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các y bác sĩ .

Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các y bác sĩ .

Với nụ cười thường trực trên môi của các y bác sĩ cùng không gian điều trị thoáng mát, sạch sẽ khiến ai đến khám, chữa cũng cảm thấy thân thiện như đến nhà người thân. Đặc biệt, khi gặp các bệnh nhân cũng ít thấy vẻ mặt đau đớn, buồn bã do bệnh tật mà lời chào, hỏi han của bệnh nhân với bệnh nhân, bệnh nhân với y bác sĩ đều rất gần gũi.

Bác sĩ Lê Chí Thuần, Phó Giám đốc bệnh viện bày tỏ: “Ngoài điều trị thì thái độ phục vụ cũng rất quan trọng có thể quyết định tới 30 % thành công trong điều trị. Tại bệnh viện mỗi tuần chúng tôi thường có các hoạt động để người bệnh bớt căng thẳng giúp họ yên tâm, lạc quan mau lành bệnh”.

Hàng tuần, bệnh viện có một bữa ăn miễn phí, khi chưa có đại dịch COVID còn tổ chức sinh hoạt bệnh nhân vào thứ 5. Việc hướng dẫn người bệnh cùng tập các bài xoa bóp để giúp nhau khi không có bác sĩ hay phòng bệnh được tổ chức thường xuyên.

Bác sĩ Trần Đức Sáo, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bác sĩ Trần Đức Sáo, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bác sĩ Trần Đức Sáo, Giám đốc bệnh viện YHCT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Hiện nay, bệnh nhân nội trú có bảo hiểm y tế sẽ được chuyển thẳng tới bệnh viện mà không cần chuyển tuyến khi có nhu cầu, điều đó cũng tạo điều kiện thuận lợi không phải chạy chữa nhiều nơi mới đến được nơi cần đến, nhất là những bệnh mãn tính điều trị bằng thuốc Tây Y chưa khỏi.

“Ở đây, bác sĩ không chỉ giỏi Y học cổ truyền mà còn giỏi về Tây Y, không ngừng trau dồi chuyên môn, trang bị và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến với máy móc hiện đại để hỗ trợ chẩn đoán, dự phòng, điều trị bệnh đạt hiệu quả. Chữa bệnh bằng đông y còn phải biết đến tâm tư tình cảm của người bệnh, mới khám chính xác nên vui vẻ, coi bệnh nhân như người thân đã trở thành văn hóa lâu năm của bệnh viện”, Giám đốc bệnh viện YHCT nói.

Đọc thêm