Kỳ quan thứ 8
Căn phòng Hổ phách được bắt tay chế tác từ năm 1701 để đặt ở Cung điện Charlottenburg, vốn là nơi ở của Frederick, Hoàng đế đầu tiên của nước Phổ. Theo các nguồn tin, Hoàng đế Frederick đã cho người xây dựng căn phòng này nhằm làm vui lòng Hoàng hậu Sophie Charlotte.
Ý tưởng và thiết kế của căn phòng do kiến trúc sư kiêm nhà điêu khắc nổi tiếng người Đức Andreas Schluter chắp bút và được nghệ nhân người Đan Mạch Gottfried Wolfram đích thân thực hiện với sự giúp đỡ của những bậc thầy về hổ phách là Ernst Schacht và Gottfried Turau.
Sở dĩ gọi là Phòng Hổ phách vì căn phòng này được ghép từ những tấm hổ phách quý hiếm, được trang trí bằng những họa tiết vô cùng phức tạp và tinh xảo. Chính vì vậy nên căn phòng này được nhiều người xem là kỳ quan thứ 8 của thế giới, một kho tàng nghệ thuật vĩ đại của nhân loại.
Theo ý tưởng ban đầu, căn phòng sẽ được đặt tại Cung điện Charlottenburg. Nhưng khi những bức tường làm bằng hổ phách được hoàn thiện, chúng lại được đưa đến lắp đặt ở Cung điện thành phố Berlin. Dù vậy căn phòng này cũng không ở đây được lâu. Bởi trong một chuyến thăm Cung điện thành phố Berlin vào năm 1716, Sa Hoàng Nga Pierre Đại Đế đã vô cùng thích thú tuyệt phẩm này.
Để tỏ lòng hữu hảo và cũng là để thể hiện mong muốn kết liên minh chặt chẽ Nga – Phổ nhằm chống lại Thụy Điển, Vua nước Phổ bấy giờ là Frederick Wilhelm I, con trai của Vua Frederick I, đã quyết định tặng căn phòng quý làm quà cho Pierre Đại Đế.
Sau khi được đưa về Nga, thiết kế mang đậm phong cách Berlin đã được các nghệ nhân người Đức và người Nga làm lại. Khi việc sửa chữa được hoàn tất, Nữ hoàng Elisabeth, con gái của Pierre Đại Đế, đã quyết định đưa kho báu hổ phách tới lắp đặt tại Cung điện Catherine ở Tsarskoye Selo, St Petersburg, vốn là nơi Hoàng tộc Nga thường xuyên đến nghỉ dưỡng vào mùa hè. Sau nhiều lần cải tạo, tu bổ trong thế kỷ 18, căn phòng có tổng diện tích là hơn 55m2, chứa tổng cộng hơn 6 tấn hổ phách.
Ít lâu sau khi phát xít Đức xâm lược Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II, những người quản lý căn phòng được giao nhiệm vụ tháo dỡ và di dời kho báu để tránh nguy cơ nó bị lấy đi. Tuy nhiên, qua thời gian, lớp hổ phách đã bị khô, trở nên giòn và dễ bị gẫy nên việc di dời có thể khiến hổ phách bị vỡ vụn. Do đó, thay vì tháo dỡ và đưa đi nơi khác, lớp hổ phách trong căn phòng được dán một lớp giấy dán tường bên ngoài để ngụy trang, tránh nguy cơ bị nhòm ngó.
Dù vậy nhưng lớp giấy mỏng manh đó đã không thể cứu được căn phòng khỏi con mắt của những kẻ vơ vét tài sản của phát xít Đức. Theo lệnh của trùm phát xít Hitler và dưới sự giám sát của hai chuyên gia, căn phòng sau đó được binh sỹ Đức tháo dỡ thành nhiều phần. Binh lính Đức sau đó đã xếp các phần này vào 27 chiếc thùng để mang đi trước khi phá hủy cả Cung điện Catherine.
Căn phòng vô giá sau đó được đưa đến thành phố Konigsberg, phía Đông nước Phổ. Ngày 13/11/1941, một tờ báo ở Konigsberg đưa tin đã có một cuộc trưng bày Căn phòng Hổ phách diễn ra ở Lâu đài Konigsberg và nhiều người đã được tận mắt chiêm ngưỡng tuyệt tác này.
Tháng 8/1944, Konigsberg bị không quân Hoàng gia Anh không kích, đánh bom hạng nặng và sau đó đã bị đạn pháo của Hồng quân Liên Xô làm hư hại thêm đáng kể. Cũng kể từ khi Chiến tranh bùng nổ, người ta không còn nhìn thấy Căn phòng Hổ phách huyền thoại thêm 1 lần nào nữa.
Những giả thuyết nổi tiếng
Trong suốt mấy chục năm qua đã có nhiều giả thuyết khác nhau về số phận của Căn phòng Hổ phách. Có ý kiến cho rằng căn phòng quý giá này đã bị phá hủy khi quân Anh đánh bom xuống Konigsberg. Những người khác nói căn phòng đã bị đốt cháy trong một vụ hỏa hoạn xảy ra tại Lâu đài Konigsberg. Một số người lại cho rằng căn phòng đã bị chôn vùi dưới đại dương khi một con tàu của người Đức chở những thùng chứa những mảng hổ phách bị trúng ngư lôi.
Cung điện tan hoang trong thế chiến 2, nơi từng có căn phòng Hổ phách nguyên bản . |
Cũng có một số nguồn tin khẳng định ngay khi nhận thấy nguy cơ thua trận, Hitler đã ra lệnh cho binh sỹ đem giấu những tài sản mà quân phát xít đã cướp được đi giấu. Trong đó, trong các ngày 21 và 24/1/1945, trùm phát xít đã ra lệnh di chuyển các tài sản cướp được đang được giữ ở Konigsberg đi cất giấu ở nơi khác và Căn phòng Hổ phách huyền thoại nằm trong số những tài sản quý đã được chuyển đi nơi khác.
Chính vì vậy nên trong những năm qua, những thợ săn kho báu ở khắp nơi đã dành không ít thời gian và công sức để tìm kiếm Căn phòng Hổ phách, trong đó có những người thậm chí đã dành cả cuộc đời mình để tìm nó.
Trong quá trình này, đã có rất nhiều lần có người tuyên bố đã phát hiện được kho báu nhưng tất cả đều được chứng minh là những thông tin sai sự thật. Vào tháng 8/2015, khi hai thợ săn kho báu loan báo đã phát hiện “đoàn tàu vàng” của phát xít Đức huyền thoại ở khu vực giữa các thị trấn Wroclaw và Walbrzych của Ba Lan, nhiều người đã quả quyết cho rằng Căn phòng Hổ phách huyền thoại năm nào cũng nằm trong số vàng bạc châu báu hàng trăm tấn được cất giấu trên tàu.
Tuy nhiên, giới chức Ba Lan sau đó khẳng định không có sự tồn tại của một đoàn tàu chở kho báu nào ở địa điểm mà 2 người trên tuyên bố. Như vậy, số phận của Căn phòng Hổ phách vẫn là một bí ẩn chưa có lời đáp. Cũng chính vì lẽ đó nên những cuộc tìm kiếm căn phòng vô giá này chắc chắn sẽ không dừng lại mà sẽ tiếp tục được tiến hành trong thời gian tới, bất chấp nguy cơ những bẫy bom còn sót lại từ thời chiến tranh có thể phát nổ bất cứ lúc nào cũng như khả năng những đường hầm bị sập trong quá trình đào bới.
Tái hiện căn phòng
Nếu đến thăm thị trấn Tsarskoye Selo, gần St Petersburg của Nga hiện nay, du khách có thể sẽ nghĩ rằng Căn phòng Hổ phách đã được tìm thấy và được duy trì trong điều kiện vô cùng tốt tại một phần Lâu đài Catherine đã được khôi phục. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là bản sao của tuyệt tác được thực hiện hồi thế kỷ 18, được bắt tay vào làm lại từ năm 1979.
Căn phòng Hổ phách làm lại tại Nga được thực hiện trong suốt hơn 20 năm trời. Trong thời gian này, hàng chục nghệ nhân người Nga đã mài, cắt, phủ màu và dán hơn 6 tấn hổ phách để tái hiện căn phòng năm nào. Các nghệ nhân cũng đã sử dụng các bản vẽ nguyên gốc và những bức hình đen trắng của căn phòng để đảm bảo công trình làm lại giống với nguyên mẫu.
Năm 1997, cảnh sát Đức đã tìm thấy một mảng hổ phách được xác định là thuộc về Căn phòng Hổ phách năm nào. Mảng hổ phách này do gia đình một binh sỹ người Đức được cho là đã tham gia vào việc đóng gói những mảng hổ phách được tháo dỡ từ Căn phòng Hổ phách năm nào bảo quản. Mảng hổ phách sau đó đã được bàn giao lại cho giới chức Nga và được sử dụng vào việc tái hiện căn phòng hổ phách.
Ngoài ra, vào năm 1999, một công ty của Đức cũng đã quyên góp 3,5 triệu USD để giúp giải quyết những khó khăn về tài chính của công trình tái hiện Căn phòng Hổ phách. Năm 2003, công trình làm lại đã hoàn tất và được mở cửa trưng bày vào đúng dịp kỷ niệm 300 năm ngày thành lập thành phố Petersburg, với sự tham dự của Tổng thống Nga hiện nay Vladimir Putin và Thủ tướng Đức khi đó Gerhard Schroder.
Theo Wikipedia, hổ phách, còn được gọi là huyết phách, minh phách, hồng tùng chi, tiếng Latinh: succinum, là nhựa cây đã hóa đá (hóa thạch) từ thời đại đồ đá mới, được đánh giá cao về màu sắc và vẻ đẹp tự nhiên. Hổ phách thường gặp dưới dạng khối nhựa cứng hoặc dạng nhũ đá với các khối to nhỏ không đều nhau, nhìn trong suốt với màu rất đẹp; một số trường hợp còn thấy rõ trong mảnh hổ phách chứa các động vật hóa thạch nguyên vẹn. Đem đun nóng, hổ phách tỏa mùi hương dễ chịu. Hổ phách dẫn nhiệt rất kém.
Hổ phách được sử dụng trong nhiều công nghệ. Đông y cổ truyền cho rằng hổ phách có khả năng chữa nhiều bệnh. Vì dễ mài giũa và cắt gọt, hổ phách trở thành vật liệu quý đối với ngành thủ công mỹ nghệ: chế biến tẩu thuốc, làm nhiều món trang sức đắt tiền như mặt nhẫn, sợi dây chuyền, cườm tay, hoa tai.