Tẩu tán kho báu khổng lồ
Sáng sớm ngày 8/3/1943, trong một biệt thự xinh đẹp tại thành phố Hammast ven biển Địa Trung Hải, mấy viên sĩ quan ngồi trong căn phòng sang trọng, rộng thoáng. Người đứng chính gíữa là Thống chế Rommel được mệnh danh là “Con cáo sa mạc”. Trên khuôn mặt đầy vết sẹo của ông ta lộ rõ sự chán nản tột độ. Sáu sĩ quan thân tín và một lính trẻ ngồi bên cũng đều ủ rũ như gà thua trận.
Nguyên nhân, do Quân đoàn châu Phi của thống chế phát xít Rommel gần đây bị tổn thất nặng nề, hơn nữa đang bị những binh đoàn sa mạc Anh của Thống chế Montgomery vây chặt.
Ba ngàỵ trước, Rommel tập trung được 140 chiếc xe tăng còn lại, cố tấn công quân Đồng minh, hòng xoay chuyển tình thế, nắm lại quyền chủ động trên chiến trường. Kết quả không đạt mục đích, quân phát xít Đức rơi vào tình trạng khốn quẫn hơn. Ông ta đã nhận thấy thất bại đang đến từng ngày, Rommel bắt đầu thảo luận với cấp dưới xử lý đống của cải đã cướp được trong suốt thời gian quân đoàn Bắc Phi của ông ta chiến đấu tại đây.
Trước đó, ông ta định chuyển “kho báu” này về miền Nam Italia qua Tunisia và đường biển. Nhưng tình hình chiến trường chuyển biến mau lẹ, kế hoạch này đã phá sản vì quân Anh đã khống chế vùng biển và không phận này. Tàu ngầm Đức cũng không có cách nào đi qua Địa Trung Hải. Rommel như kiến bò trong chảo, sợ đống của cải này lọt vào tay người Anh.
Sau khi thảo luận, Rommel quyết định đánh lạc hướng quân Anh, cất giấu kho báu này vào nơi y cho là an toàn nhất. Đó là sa mạc gần Duz Tây Nam Tunisia. Duz một thị trấn nhỏ bên rìa sa mạc Sahara, ốc đảo nhỏ trong sa mạc.
Xung quanh Duz có những đồi cát to nhỏ không đều, song hình dáng giống nhau. Cho dù gió thổi mạnh, cũng không thay đổi được mấy đồi cát này. Nếu giấu kho báu ở giữa các đồi cát sẽ rất khó tìm thẩy.
Tối hôm đó, trước tiên Rommel phái hạm đội tốc độ cao mang mấy chục chiếc hòm chứa các tác phẩm nghệ thuật cướp được trong viện bảo tàng và cung điện của các tù trưởng, chuẩn bị xuyên qua Địa Trung Hải đến Italia.
Cơ quan tình báo Anh luôn gỉám sát chặt chẽ Rommel nên khi nhận thấy động thái di chuyển của quân Đức tại chiến trường Bắc Phi đã lập tức hành động. Nước Anh đã xuất kích nhiều máy bay ném bom, chiến hạm lùng sục đoàn tàu vận tải mang châu báu này.
Đồng thời Rommel phái một đội xe gần 15-20 chiếc, mỗi xe chứa đầy vàng bạc châu báu do Thượng tá Hans Hisderman phụ trách áp tải đi trong đêm. Đoàn xe đi theo con đường đất, khi đến thị trấn Duz sẽ bốc chuyển cho đội lạc đà đưa đi cất giấu ở một địa điểm an toàn trong vùng đồi cát. Từ đó, đội xe này mất tin tức. Bản thân Rommel đã bị Hitler giết hại trong chiến dịch thanh trừng nội bộ sau cuộc ám sát hụt Hitler trước khi kết thúc đại chiến.
Kho báu ở đâu?
Từ đó về sau không ai biết, đống của cải này chôn dưới quả đồi nào. Tuy nhiên, cũng từ đó đã có rất nhiều người đi tìm tung tích kho báu quý giá và đồ sộ đó.
Tháng 6 năm 1948, một người tự xưng là Piter Pulok xuất hiện ở lãnh sự quán Liên bang Đức tại Pháp. Ông ta từng là người đứng đầu một bộ phận của lực lượng bảo vệ đảng của Đức tại Italia nên đã thu hút sự chú ý đặc biệt của mọi người. Thêm vào đó, ông ta lại muốn đi chơi thăm lại đảo Corse, nơi ông ta từng đi qua trong thời gian phục vụ trong hải quân Đức.
Cơ quan Lãnh sự bắt đầu hoài nghi, đã truy hỏi mấy lần Pulok mới nói rõ mục đích thật sự chuyến đi lần này của ông ta là tìm kiếm nơi Rommel đã cất giấu báu vật.
Theo lời kể của Pulok, những báu vật Rommel đã cướp đoạt được dùng tàu chạy nhanh chở tới cất giấu ở biển nông gần đảo Corse. Đó là vào đêm tháng 9 năm 1943, Thượng tá Delly cùng 2 sĩ quan của lực lượng báo vệ Đảng được lệnh mang theo Pulok, người đã từng phục vụ trong bộ đội tàu ngầm, đi thực hiện nhiệm vụ bí mật.
Chân dung Cáo sa mạc Rommel |
Pulok bị bịt mắt đưa đến gần một cửa biển. Anh ta được lệnh lặn xuống tìm một vị trí an toàn có thể đặt được đồ đạc. Với một người có rất nhiều kinh nghiệm dưới biển, anh ta đã nhanh chóng tìm ra một nơi lý tưởng. Bọn họ cùng với Pulok đã đem 6 hòm kim loại có kích cỡ 80x40x40 centimet giấu xuống đáy biển.
Đối với hành động bí mật này, Pulok lại là tay có nhiều kinh nghiệm phong phú nên không khỏi nghi hoặc. Tuy nhiên, do đêm tối, lại bị bịt mắt trước khi dẫn đến nên trong trí nhớ của mình, hắn chỉ nhớ rằng đó là một hòn đảo nhỏ, có nhiều cây nhỏ và có một tháp hải đăng màu đen.
Sau lần hành động này không lâu, Pulok và một số người khác bị Gestapo (Cơ quan Tình báo của Đức) bắt giữ. Ba vị sĩ quan kia vì không chịu nổi các cực hình tra tấn nên đã tiết lộ nội dung hành động cho nên bị xử tử. Chỉ có Pulok, người không trực tiếp tham gia hành động cho nên được cho vào quân đội, đưa ra tiền tuyến. Qua các hoạt động trước và sau việc ấy, anh ta đoán ra hành động ấy nhất định có liên quan đến kế hoạch giấu báu vật của Rommel.
Sau khi nghe Pulok kể lại sự việc, lãnh sự Đức ở Pháp đã hết sức kinh ngạc. Báu vật ở Ả Rập mất tích một cách kỳ bí đã nhiều năm, nay vô tình lại nắm được một manh mối quan trọng.
Họ tuyệt nhiên không thể bỏ qua cơ hội này. Dù cho lời nói của Pulok còn phải xem xét lại, song họ quyết định phải nhanh chóng đến vùng gần đảo Corse mò xem.
Họ ủy thác cho Công ty Lisenbech phụ trách việc mò tìm các báu vật, việc tìm kiếm báu vật do Rommel cất giấu được bắt đầu từ đó. Khi đội mò tìm đến khu vực đảo Corse trong vòng mấy km, nhiều lần tìm kiếm vẫn không tìm thấy tháp hải đăng đen và rừng cây nhỏ đâu cả, lại càng làm cho họ thất vọng.
Qua tìm mò ở khu vực ấy, ngay một chiếc hòm cũng chẳng thấy chứ đừng nói đến vật báu. Trong khi tinh thần hết sức mịt mù đó, họ phát híện Pulok không hề biết lặn. Tự thấy mình bị bỡn cợt cho nên họ đã bắt giam ngay anh ta.
Tuy nhiên, kế hoạch tìm kho báu ấy đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi ở phương Tây. Có một vị tên là Louis Bardo, một chiến sĩ kháng chiến đã đánh du kích ở đảo Corse nói rằng: Tháng 9 năm 1943, có một đêm qua ống nhòm quân sự, anh ta tận mắt nhìn thấy có mấy người dã dìm xuống biển gần đảo Corse mấy chiếc hòm. Do đó, người ta càng tin vùng biển đảo Corse ở một kho báu còn chưa được tìm thấy.
Sức hấp dẫn của báu vật đã làm cho họ bắt đầu tìm kiếm hết lần này đến lượt khác, viết lên không biết bao nhíêu trang hồi ký về những công việc mạo hiểm đã trải qua. Dù cho người trước mất tích hoặc chết, người sau vẫn tiếp tục không bao giờ từ bỏ. Sức hấp dẫn của những khu báu vật Ả Rập ngày càng lớn. Vào thời điểm đó, người ta ước tính khối tài sản mà Rommel đã cướp bóc được và đem đi chôn giấu trị giá khoảng 300 triệu USD, đó là còn chưa kể những kiệt tác nghệ thuật gồm đố gốm sứ có niên đại đến cả thiên niên kỷ. Một khối tài sản giá trị kếch xù vào thời điểm đó mà ai hay quốc gia nào cũng ao ước có được bằng mọi giá.
Cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ
Năm 1950, một người Pháp thuê mấy thợ lặn đến tìm báu vật. Nhưng khi tàu chạy nhanh vừa đến gần cảng, không biết vì sao bị một chiếc du thuyền đâm vào, làm cho tàu của họ bị lật. Ngày hôm sau, họ lại thuê một chiếc tàu nhanh khác vào cảng nhưng rồi máy không nổ được. Những triệu chứng chẳng lành đó đã khiến cho người Pháp nản chí đó phải từ bỏ kế hoạch của mình.
Không lâu sau đó, một người giàu có nước Mỹ lại đến tìm báu vật với đầy lòng tin tưởng. Tuy đã bàn xong giá cả với những người mò thuê nhưng do tâm lý sợ hãi nên họ đều bỏ cuộc, không dám làm nữa.
Ở trong ngục, có một thợ lặn đảo Corse tên là Andri quen biết Pulok. Hai người hẹn nhau sau khi ra tù sẽ đi tìm báu vật. Nhưng rồi vì sự cảnh cáo “Đảng tay đen” không cho phép ai được tự đi tìm kiếm của báu nên kế hoạch đó bị gác lại.
Nhưng Andri không chịu bỏ hy vọng. Tháng 8 năm 1961, anh ta lại bắt đầu kế hoạch. Một thời gian sau đó, người ta phát hiện xác của anh ta ở gần đảo Corse. Sau đó không lâu, người bị tình nghi ám sát anh ta cũng chết một cách mờ ám.
Mặc cho con đường tìm báu vật đã đầy máu tanh nhưng vẫn không làm giảm được ham muốn tìm kiếm của mọi người. Các ông chủ hãng buôn nhỏ ở các nơi trên nước Pháp dựa theo căn cứ đã được đưa ra ra, họ nói rằng Pulok tự mình vẽ ra bản đồ phương đồ cất giấu kho báu của Rommel. Chỉ tính riêng việc bán bán đồ này cho những kẻ ao ước có được kho báu đã giúp y kiếm được khá nhiều tiền. Ngay cả cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ CIA cũng cử người đi xác thực tấm bản đồ của Pulok và thuê người tìm kiếm nhưng không có kết quả.
Trong khi đó, ngày càng nhiều các lớp huấn luyện về nghề lặn xuất hiện. Pulok lại chuẩn bị cùng phóng viên Iran là Quatholi và nhà khảo sát các cổ vật văn hóa dưới nước Xunkho đi mạo hiểm một chuyến.
Lúc đó, Pulok - người mạo danh là thành viên của bộ đội tàu ngầm, qua nhiều năm điều tra chứng thực tên thật của anh ta là Wanter. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, căn bản anh ta không hề đi qua đảo Corse. Trong quãng thời gian Rommel cất giấu báu vật, anh ta đang nằm chữa vết thương ở Ba Lan. Sau chiến tranh, anh ta bị quản lý trong trại tù binh chiến tranh của quân đội Mỹ. Ở đó, anh ta được nghe và hiểu được bí mật cất giấu kho báu qua người cầm đầu đội quân bảo vệ Đảng là Smith. Sau đó, kế hoạch của 3 người không thực hiện được bởi họ cùng bị sự hăm dọa nguy hiểm của “Đảng tay đen”. Cách nói về kho báu do Rommel cất giấu ở đảo Corse chỉ là cách nói phổ biến về các kho báu thần bí. Đây cũng chỉ là thông tin chung chung một cách mơ hồ, không rõ ràng vì ngay trong phương đồ của Pulok cũng không chỉ rõ cụ thể tại khu vực nào.
Những manh mối mới
Sau 30 năm, nhà nhiếp ảnh quân sự thời đó là Sute, một trong những đương sự của sự việc đã kể lại câu chuyện này. Sute giải thích, sau đó mấy tuần ông ta đã nghe tin đài phát thanh Anh: “Quân đội Anh đã đụng độ với nhóm quân Đức vũ trang tinh nhuệ ở vùng ven sa mạc gần Duz. Qua một ngày chiến đấu, quân Anh đã tiêu diệt nhóm quân này, không một tên lính nào sống sót”.
Theo dự đoán, nhóm vũ trang này sau khi trở về đã bị phục kích, toàn bộ đã bị chết. Vì vậy, kho báu ở đâu đến nay vẫn không ai hay. Nhưng câu chuyện trên chỉ là lời kể của Sute. Mọi người rất khó xác định được tính chân thực của câu chuyện. Liệu kho báu Rommel có chôn ở trong sa mạc không?
Qua một thời gian dài, một người Mỹ tên là K. Krypien rất say mê câu chuyện của Sute. Nhân đợt nghỉ phép, Krypien đi Tunisia đến vùng Duz tiến hành khảo sát thực địa trong vòng 1 tháng.
Sau khi hỏi thăm, hầu hết người dân ở đây không biết gì về câu chuyện đội xe và lạc đà năm đó. Nhưng có một cụ già hơn 70 tuổi tên là Jusuphu, hồi đó buôn bán lạc đà cho biết: Hồi đó, cụ đã bán lạc đà cho một nhóm người nước ngoài nói tiếng Đức. Sở dĩ cụ còn nhớ rõ chuyện này bởi những người nước ngoài mua liền một lúc hàng chục con lạc đà với giá tiền cao hơn nhiều so với giá bán bình thường. Lần đầu tiên cụ nhìn thấy những người tóc vàng này. Họ đều mặc quân phục nhưng không biết những người này sau đó đi đâu.
Một cụ già khác tên là Muhammad Siydi nhớ lại, hồi đó có một đoàn xe chạy vào làng của cụ. Sau đó họ để xe lại, rồi không biết những người này đi đâu. Qua vài tuần lễ, một nhóm lính Anh đến làng cụ lái xe đi.
Kết quả khảo sát của Krypien xem ra rất có giá trị, song đều suy đoán trên cơ sở của câu chuyện của Sute. Toàn bộ câu chuyện vẫn còn rất nhiều tình tiết đáng ngờ. Ví dụ như toàn bộ đội lạc đà sau khi chở kho báu đã đi đâu? Tại sao không còn ai sống sót trở về?
Bức màn bí mật về kho báu của Rommel có lẽ không bao giờ được kéo lên. Có rất nhiều khả năng xảy ra đối với đống của cải phi nghĩa này. Vì giá trị của kho báu này quá lớn, bất kỳ bên nào phát hiện ra cũng khóng bao giờ công bố. Rất có thể, khối của cải này đã bị chôn vùi dưới biển chứ không phải trong sa mạc như lời kể của Sute.
Có giả thiết cho rằng, khối của cải này đã nằm ở Đức khi Rommel bằng một cách bí mật, vừa nghi binh lừa tình báo Anh, vừa cử một đội vận tải bằng đường bộ riêng rồi chuyển theo thuyền về Đức an toàn. Sau chiến tranh, nước Đức tuy bại trận và chịu chiến phí khổng lồ nhưng chỉ mất 10 năm đã nhanh chóng khắc phục hậu quả và vươn lên mạnh mẽ phát triển hơn cả Pháp là nước thắng trận.
Lại có giả thiết, quân đội Anh mới là người chủ của khối của cải này sau khi bắt được một lính Đức tham gia việc đi giấu của cải. Thông tin từ lính Đức này đã giúp quân Anh có được vị trí chính xác để tìm thấy khối của cải.
Tuy nhiên, nhiều người đi tìm kiếm của cải cho rằng, rất có thể, quân đội Mỹ với nhiều phương tiện hiện đại trong việc tìm kiếm đã có được khối của cải và nhanh chóng giúp nước Mỹ thành bá chủ thế giới bằng nguồn của cải khổng lồ, rồi cho các nước đồng minh vay nợ.
Tất cả chỉ là giả thiết, không có căn cứ nào chứng minh bởi như đã nói, ai hay quốc gia nào có được khối của cải đó đều không “dại gì” công bố. Chính vì thế, cho đến nay, kho báu “phi nghĩa” có được từ cướp bóc của Rommel vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp đối với thế giới.