Ẩn mình giữa những xô bồ là một căn miếu nhỏ nép dưới tán cây bồ đề cổ thụ, gắn những tấm ảnh về một phụ nữ đẹp nhưng có phần u uất. Người phụ nữ ấy chính là Mae Nak Phra Khanong, hay còn gọi là nàng Nak của quận Phra Khanong.
Theo truyền thuyết, nàng Nak là một ma nữ nổi tiếng của người Thái, theo một truyền thuyết cổ dựa trên những sự kiện lịch sử diễn ra từ thời vua Rama IV.
Sinh thời, nàng Nak có nhan sắc nổi trội hơn nhiều cô gái trong vùng. Nhà nàng tọa bên bờ kênh Phra Khanong, lấy chồng là Mak. Khi Nak đang mang bầu, triều đình triệu tập Mak cùng nhiều đàn ông, trai tráng trong vùng xung trận. Anh không biết rằng ngày rời nhà đi tòng quân cũng là lần cuối cùng anh được gặp vợ mình khi cô còn sống.
Nak sau đó không may qua đời trong cơn vượt cạn, không ai có thể cứu lấy đứa bé. Khi ấy, chồng cô đang ở trong một nhà thương ở trung tâm Bangkok, bặt tin ở nhà. Thế nhưng, ngày trở về, Mak vẫn thấy vợ con đang ngồi đợi và không mảy may nghi ngờ. Hàng xóm cố gắng cảnh tỉnh rằng Mak đang sống với những bóng ma, nhưng Nak luôn biết cách phá tan mọi nỗ lực của họ.
Một ngày nọ, khi Nak đang làm nam phrik (một loại nước chấm kiểu Thái) thì đánh rơi một quả chanh ra hiên nhà. Cô vội vã vươn dài cánh tay từ trong bếp, với lấy quả chanh. Mak chứng kiến tất cả, anh tái mặt khi nhận ra người đầu ấp tay gối bấy lâu không phải vợ mình, nhưng vẫn cố gắng tỏ ra điềm tĩnh.
Đêm hôm ấy, Mak khẽ bảo vợ rằng mình cần ra ngoài đi vệ sinh, rồi biến mất trong bóng đêm.
Phát hiện ra chồng đã bỏ trốn, Nak ngay lập tức lần theo. Mak thấy bóng ma của vợ đuổi theo liền nấp vào một bụi cây đại bi. Theo dân gian, những linh hồn rất sợ gai ở lá loài cây này. Sau đó, Mak chạy vào ngôi đền Wat Mahabut gần đó, một chốn linh thiêng không hồn ma nào có thể xâm nhập.
Trong cơn phẫn uất, Nak trút giận lên người dân ở khu Phra Khanong vì khiến chồng rời xa mình. Một pháp sư được triệu tới thu phục linh hồn Nak, nhốt lại trong một bình đất nung và thả trôi theo dòng kênh.
Phần cuối của câu chuyện truyền miệng này có nhiều biến thể. Có người nói, một cặp vợ chồng già mới chuyển đến khu Phra Khanong sống đã vớt được chiếc bình, họ vô tình trả tự do cho linh hồn của Nak khi mở ra. Có người nói những ngư dân đã làm vậy.
Nhưng sau đó, nhà sư Somdet Phra Buddhacarya (1788-1872) nổi tiếng dưới triều Chakri, vương quốc Xiêm, đã thu phục được Nak. Vị thiền sư thổi linh hồn Nak vào mảnh sọ trước trán của chính cô và buộc vào một dải thắt lưng. Những lời đồn thổi kể rằng dải thắt lưng sau này được Đô đốc Hoàng tử Abhakara Kiartivongse (1880-1923) của vương quốc Xiêm lưu giữ.
Ban thờ ngoài trời của căn miếu |
Trong một phiên bản khác của truyền thuyết này, người dân Thái tin rằng nhà sư đã thuyết phục được Nak rằng cô sẽ gặp lại chồng dưới cõi âm, nhờ vậy cô tình nguyện buông bỏ sân si để siêu thoát.
Nhà sử học Thái Lan Anek Nawikamul đã nghiên cứu truyền thuyết về nàng Nak và tìm ra một bài báo trên tờ Siam Praphet, của K.S.R. Kularb, đăng ngày 10/3/1899. Tác giả Kularb nói rằng truyền thuyết về nàng Nak dựa trên chuyện đời của Amdaeng Nak, con gái cai tổng Phra Khanong - ông Khun Si.
Amdaeng Nak cũng qua đời khi đang mang thai đứa con thứ hai. Con trai của cô lo sợ rằng cha sẽ tái giá và tài sản sau này bị chia sẻ với mẹ kế, anh bịa ra một câu chuyện ma. Anh mặc quần áo phụ nữ và ném đá vào những chiếc thuyền đi qua nhà, thuyết phục mọi người rằng hồn ma của mẹ Nak đã làm vậy. Kularb cũng cho rằng chồng của Nak tên là Chum, chứ không phải Mak.
Không ai chứng thực được Amdaeng Nak có phải nàng Nak của Phra Khanong hay không, bởi điển tích trên không trùng khớp với truyền thuyết dân gian phổ biến tại Thái Lan.
Chuyện của nàng Nak được lan truyền rộng rãi trong xã hội Thái Lan bởi lòng hy sinh, tận tụy với chồng. Huyền thoại này đã được chuyển thể trong vô số tác phẩm điện ảnh, series phim truyền hình, hoạt hình, truyện tranh, và báo chí từ năm 1959 tới nay.
Miếu thờ nàng Nak ngày nay tọa trong đền Wat Mahabut, số 77 đường Sukhumvit. Một bức tượng nàng Nak và đứa con sơ sinh được đặt giữa miếu, trong khu vực thờ cúng cũng có xác ướp của một đứa trẻ sơ sinh.
Người đến cúng bái đa phần là những phụ nữ cầu tự hoặc xin cho chồng được miễn nghĩa vụ quân sự. Người dân thường quấn những dải lụa sặc sỡ quanh gốc cây bồ đề trong đền để cầu an, dâng trái cây, vòng hoa cúng, hoa sen và thắp nhang trong chánh điện.
Những bức chân dung Nak và đồ chơi được đặt trong điện thờ, trong khi váy lụa được treo thành hàng phía sau bức tượng nàng Nak. Người đến lễ cũng thường phóng sinh cá, rùa... xuống dòng kênh Phra Khanong cách đó khoảng 100 m. Tại đây cũng có sẵn những quầy bán đồ cúng cho người dân và khách thập phương.