Quà quý tặng thượng khách
Như đã nói ở số báo trước, cựu Tổng thống Mỹ Obarack Obama từng được lãnh đạo Trung Quốc tặng xe đạp Flying Pigeon (Chim bồ câu bay) - thương hiệu quốc gia của Trung Quốc. Ngoài chiếc xe nổi tiếng này, trong chuyến thăm chính thức tới Bắc Kinh vào tháng 11/2009 trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, ông Obama còn từng được Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào tặng một bức tranh thêu chân dung ông và gia đình.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bức thêu có giá trị 20.000 USD. Truyền thông Trung Quốc cho hay, có một số yếu tố làm nên giá trị của bức chân dung. Trước hết, theo Phòng trưng bày nghệ thuật Shen Shou Trung Quốc, để có được bức tranh thêu lụa dành cho ông Barack Obama và gia đình của ông, ba nghệ nhân Trung Quốc đã phải mất tới 4 tháng làm việc liên tục để hoàn thành.
Bức chân dung mà lãnh đạo Trung Quốc tặng nguyên thủ Mỹ lúc bấy giờ được chế tác theo loại hình thủ công nổi tiếng có tên là Shen thêu. Kỹ thuật thêu này do một người phụ nữ tên là Shen Shou, sinh ra ở tỉnh Giang Tô vào năm 1874, nghiên cứu và phát triển. Theo một số ghi chép, bà Shen đã nghiên cứu rất kỹ những bức tranh sơn dầu và đưa cách sử dụng ánh sáng, kết cấu của tranh vào tác phẩm nghệ thuật thêu của bà. Để làm như vậy, bà đã nghĩ ra và áp dụng các kỹ thuật mới vào phong cách su thêu để tạo nên sự chân thực của chân dung.
Năm 1904, bà Shen trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc sau khi cho ra đời những bức tranh thêu lụa để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Từ Hi Thái hậu - người phụ nữ quyền lực của triều đại nhà Thanh (1644-1911) của Trung Quốc. Từ Hi Thái hậu rất thích bức tranh và đã đánh giá rất cao phong cách thêu của bà Shen. Năm năm sau, bức chân dung Nữ hoàng Elena của Italia do bà Shen chế tác đã được nhà Thanh gửi đến Italia làm quà.
Tiếp theo đó, năm 1915, một tác phẩm nghệ thuật hiện thực khác của bà Shen là Chân dung Chúa Jesus – được chế tác dựa trên bức tranh sơn dầu của họa sĩ Phục hưng Italia Guido Reni - đã giành được huy chương vàng tại Triển lãm Quốc tế Panama-Thái Bình Dương. Cùng với một số tác phẩm nổi bật khác, những tác phẩm của bà đã đều mang lại cho bà và thành phố Tô Châu, một trong những thủ phủ thêu thùa nổi tiếng nhất của Trung Quốc, những giải thưởng quốc tế.
Bằng cách sử dụng cách thêu truyền thống của Trung Quốc cùng kỹ năng tinh tế, điêu luyện, bà Shen đã tạo ra những bức chân dung với màu sắc phong phú, nhìn qua tưởng như tranh sơn dầu. Cụ thể, bà được cho là đã sử dụng hơn 100 sợi chỉ màu khác nhau để đạt được hiệu ứng bóng và ánh sáng, làm cho bức tranh thêu của bà trở nên sống động như thật. Phong cách thêu độc đáo của bà Shen Shou về sau được gọi theo tên của bà.
Ở thời hiện đại, những bức tranh thêu của bà Shen tiếp tục được Nhà nước Trung Quốc tặng cho các nguyên thủ các nước làm quà chính thức vào 5 dịp khác nhau. Trong đó, ngoài Obama, Trung Quốc cũng đã tặng những bức chân dung bằng lụa cho Nhà Vua và Hoàng hậu của Bỉ lúc bấy giờ là ông Albert II và Hoàng hậu Paola vào năm 2011; Tổng thống Nga Vladimir Putin vào năm 2013; Vua Philippe của Bỉ năm 2014 và Tổng thống Croatia Kolinda Grabar-Kitarovic vào năm 2016.
Nghệ thuật độc đáo
Từ xưa, Trung Quốc đã nổi tiếng với “con đường tơ lụa”, kéo theo sự phát triển của nghệ thuật thêu thùa, may vá. Việc thêu thùa trở thành một phần của đời sống của người dân Trung Quốc. Khuê phòng của các cô gái trước khi xuất giá xưa kia cũng là những “thêu phòng”. Cùng với dòng chảy của lịch sử lâu dài và sự pha trộn của các khu vực rộng lớn, nghệ thuật thêu tại Trung Quốc tạo thành các nhánh khác nhau, mang nét phong cách khác nhau. Trong đó, thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô - quê hương của những dải lụa trứ tranh trên thế giới - trở thành một trong “tứ đại phường thêu” ở nước này.
Nghệ thuật thêu thùa ở Tô Châu được hình thành từ rất sớm với hơn 2.500 năm lịch sử, khiến cho thành phố này được một số người mệnh danh là “Hòn ngọc phương Đông”. Từ thời cổ đại, các hộ gia đình ở Tô Châu đều sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm và thêu thùa. Theo ghi chép lịch sử, nghệ thuật thêu Tô Châu đã rất thịnh hành trên quần áo từ thời Xuân Thu ( 770 – 476 trước Công nguyên). Những mảnh thêu Tô Châu lần đầu tiên được tìm thấy dưới 2 tòa tháp Thụy Quang và Hổ Khâu xây dựng từ thời Bắc Tống (960 – 1127).
Thêu ở Tô Châu đạt đến độ chín muồi như một nghề thủ công trong thời nhà Hán (206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên), và bắt đầu được chú ý trong thời kỳ Tam Quốc (220-280 sau Công nguyên).
Đến thời nhà Tống (960-1279), những chiếc kim mỏng như tóc đã được sử dụng trong thêu tranh ở Tô Châu, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo nhìn không thua kém tranh vẽ.
Trong triều đại nhà Minh (1368-1644), việc thêu thùa trở nên phổ biến ở Tô Châu đến nỗi nhiều gia đình nuôi giun tơ trong nhà. Các bức thêu của thời kỳ này thường được lấy cảm hứng từ những bức tranh truyền thống của Trung Quốc. Khi đó, các bản sao tuyệt đẹp của tranh thêu ở đây đã tạo ra thuật ngữ “vẽ bằng kim”.
Vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh, các chủng loại thêu địa phương đã phát triển một cách toàn diện, tạo thành nhiều hình thêu như Su thêu, Cố thêu, Tô thêu, Thục thêu, Tương thêu, Việt thêu, Kinh thêu, Biện thêu, Lỗ thêu, Ôn thêu…và rất nhiều cái tên khác. Trong số này, Su thêu được ca ngợi vì sử dụng các sợi tốt nhất, các thành phần cân bằng, khâu dày đặc và kết thúc mịn đầy tinh tế.
Trong đó, vào thời nhà Thanh (1644-1912), tranh thêu Su được ưa chuộng trên khắp Trung Quốc. Tô Châu được gọi là “Thành phố thêu” và các tác phẩm thêu của các nghệ nhân thành phố này rất được Hoàng tộc Trung Quốc ưa chuộng.
Chịu ảnh hưởng nhiều của nền văn hóa truyền thống, tranh thêu Tô Châu có những đặc điểm tinh tế khó tìm thấy ở các loại tranh thêu khác bởi sự thanh nhã và sang trọng và những đề tài phong phú vô tận. Kỹ thuật thêu đặc trưng ở Tô Châu bao gồm cả thêu đơn và thêu đôi làm cho cả 2 mặt đều trông giống nhau. Hai mặt thêu có cùng một khuôn mẫu và sử dụng phương pháp thêu tương tự mà không để lộ ra các mũi khâu. Một đặc điểm nổi bật của tranh thêu Tô Châu là chủ đề rõ ràng, hình ảnh sinh động và màu sắc thanh nhã.
Đến cuối triều đại nhà Thanh, người Trung Quốc tiếp xúc ngày càng nhiều với phương Tây, tạo thêm nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân thêu, đặc biệt là những người ở Tô Châu. Đây cũng chính là thời điểm thợ thêu bậc thầy nổi tiếng Shou Shen xuất hiện.
Bà đã nghiên cứu các bức tranh sơn dầu và đưa việc sử dụng ánh sáng, kết cấu của nghệ thuật sơn dầu vào tác phẩm nghệ thuật thêu của mình. Di sản lớn nhất mà bà Shou để lại cho đời là một cuốn sách viết chung với Zhang Jian, một nhà công nghiệp dệt may có niềm đam mê nghệ thuật, ghi lại các kỹ thuật thêu Su, bao gồm mười kỹ thuật mới mà bà tự phát triển.
Sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ, ngành thêu tại Trung Quốc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn. Phải đến sau khi Nhà nước Trung Quốc mới được thành lập vào năm 1949, nghề thêu lụa mới bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ ở nước này. Về sau, với việc Trung Quốc mở cửa trở lại thế giới bắt đầu từ những năm 1980, tranh thêu Su và các sản phẩm thủ công khác đã dần xuất hiện trở lại. Với các nỗ lực của chính quyền cả ở cấp trung ương và địa phương, các kỹ thuật và phong cách thêu được tinh chế, nhiều kỹ thuật mới được phát triển, khiến cho ngành thêu Trung Quốc càng phát triển rực rỡ.