Bí ẩn về con thuyền gỗ khổng lồ vượt trận đại hồng thuỷ trong kinh thánh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Con tàu của Noah và trận đại hồng thủy là một trong những câu chuyện nổi tiếng và được lưu truyền trong nhiều nền văn hoá cổ xưa trên khắp thế giới.
Bí ẩn về con thuyền gỗ khổng lồ vượt trận đại hồng thuỷ trong kinh thánh

Phần lớn các câu chuyện đều cho biết đại ý rằng: đại tồng Thủy là do Thượng đế tạo ra để hủy diệt loài người vì nhân loại thời kỳ đó đã không còn lương tâm đạo đức, không còn xứng làm người…

Truyền thuyết về chiếc thuyền cứu thế của Noah

Trong kinh thánh, “Kỳ Sáng Thế” có một đoạn truyền thuyết rằng, từ khi Adam và Eva, thuỷ tổ của loài người vi phạm luật trời, bị trục xuất khỏi vườn Eden, họ xuống mặt đất sinh sống, rồi đời nọ đến đời kia, mỗi đời một đông cho đến lúc dày đặc trên mặt đất, tội ác thì cũng đầy khắp mọi nơi. Thượng đế tức giận nói rằng: “Ta sẽ tiêu diệt hết người và súc vật, chim muông và côn trùng, tất cả những thứ đó do ta đã tạo ra trên mặt đất, ta thấy hối hận về việc tạo ra chúng”.

Lúc bấy giờ, duy chỉ có một người tên là Noah, lòng dạ ngay thẳng, lương thiện, đặc biệt được ân sủng của Thượng đế. Bởi vậy, Thượng đế bảo với ông rằng: “Trên mặt đất này, tội ác hoành hành thái quá, ta quyết huỷ diệt hết mọi người, chỉ có một mình ngươi lòng dạ ngay thẳng và lương thiện, ta sẽ cứu ngươi và vợ ngươi, các con người và vợ của chúng. Ta sẽ cho nước lũ trào ngập mặt đất, huỷ diệt thế giới.

Ngươi hãy lấy gỗ đóng một chiếc thuyền lớn. Sau khi hoàn thành hãy đem cả gia tộc nhà ngươi cùng với tất cả mọi loài động vật mỗi thứ bảy đôi đực cái, đều đưa lên thuyền. Sau khi ngươi chuẩn bị xong tất cả, ta sẽ trút mưa xuống liên tục 40 ngày đêm không nghỉ, huỷ diệt tất cả mội sinh vật trên Trái Đất”.

Noah đã căn cứ theo lời dặn của Thượng đế mà đóng chiếc thuyền. Chiếc thuyền được đóng xong dài 360m, rộng 23m, cao hơn 13m và được chia làm 3 tầng, nặng cỡ một vạn năm ngàn tấn. Cả gia tộc nhà Noah và tất cả động vật mỗi thứ một đôi được đưa lên thuyền.

Chẳng bao lâu, mây đen kéo đến, sấm chớp đầy trời. Nguồn nước ở vực sâu đã nứt ra, một cơn mưa lớn kéo dài suốt 40 ngày đêm. Thượng đế đã hoàn thành cuộc trừng phạt của người. Tội ác bị tiêu diệt, sự sống cũng bị tiêu diệt hết. Nước mênh mông khắp trên mặt đất, con thuyền của Noah trôi dạt trong nước lũ.

Theo ghi chép trong “Kinh thánh”, sau 150 ngày, nước rút dần. Con thuyền của Noah mắc vào núi Ararat (nằm ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), sau 40 ngày, ông Noah thả bồ câu ra. Chim bồ câu ngậm tha về một cái lá ô liu, chứng tỏ nước đã rút hẳn.

Ngày nay chúng ta vẫn dùng hình tượng chim bồ câu ngậm lá ô liu làm biểu tượng cho hoà bình. Cuối cùng, Noah đưa theo tất cả các sinh vật sống đi ra khỏi thuyền, trở về mặt đất, xây dựng lại gia nghiệp.

Dấu vết của con thuyền huyền thoại

Núi Ararat là ngọn núi nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ giáp với biên giới Iran, là ngọn núi lửa đã tắt, cao hơn 5.000m so với mực nước biển. Truyền thuyết nói rằng trên đỉnh núi có chiếc thuyền Noah, nhưng ngươi Acmeria địa phương thì gọi ngọn núi tôn nghiêm này là núi Thần Thánh. Họ tin rằng, nếu ai dám leo lên đỉnh núi đó thì sẽ bị Thượng đế trừng phạt. Bởi vậy, rất nhiều năm không ai dám leo lên đỉnh núi đó.

Nhưng cuối cùng bí mật cũng được bật mí. Năm 1792, một nhà leo núi người Extonia tên là Phridrich Pharondo, lần đầu tiên đã leo lên được núi Ararat thành công. Sau đó, năm 1850, đội trắc lượng của Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của thượng tá Gachica cũng đã lên tới đỉnh thành công. Năm 1876, nhà quý tộc Anh Jamet, đã nhặt được mảnh gỗ ở độ cao 4.500m và tuyên bố tin tức, ông đã tìm thấy phế tích của thuyền Noah.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, một phi công Thổ Nhĩ Kỳ đã chụp lại được bức ảnh thuyền Noah. Từ đó, câu chuyện về thuyền Noah không còn là chuyện truyền miệng nữa mà đã có ảnh chụp để chứng thực. Càng khiến người ta kinh ngạc hơn là sau khi ảnh được xử lý và phóng to, theo đo đạc và tính toán thì thuyền dài khoảng 150m, rộng 56m, kích thước không cách xa truyền thuyết là bao.

Tháng 7/1955, Navara và đội thăm dò đã tìm thấy mảnh vụn của con thuyền Noah. Họ đã đào bới lớp bang và thu lượm được một ít, mang trở về một tấm gỗ. Mảnh gỗ ấy về sau được gửi tới các trường đại học và viện nghiên cứu ở Tây Ban Nha, Pháp và Ai Cập, để tiến hành nghiên cứu khoa học.

Kết quả thu được, tấm gỗ đó được xử lý bằng cách tẩm chất chống mục đặc biệt, qua xác định bằng phương pháp cacbon, xác định niên đại của tấm gỗ ít nhất cũng đã có 4.484 năm lịch sử. Chính nó lại trùng hợp với thời gian truyền thuyết về thuyền Noah. Về sau, ông căn cứ vào việc đó mà viết ra cuốn sách “Tôi đã phát hiện được thuyền Noah” xuất bản năm 1956.

Nhiều ý kiến đa chiều được đưa ra

Nhưng cũng có người nêu ra nghi vấn. Dù rằng xảy ra đại hồng thuỷ thì nước trên Trái Đất cũng không thể dâng lên cao tới hơn 5.000m, thuyền Noah làm sao có thể nằm trên đỉnh núi Ararat. Nếu vậy, thì những ngon núi cao khác cũng sẽ giữ lại dâu vết bị nước bị xâm thực. Nhưng thực tế thì không có như thế.

Về quan điểm khoa học, giả thuyết cho rằng có người trong lịch sử từng trông thấy thuyền Noah là không có sức thuyết phục. Nếu như 5.000 năm trước có con thuyền Noah mắc lại gần đỉnh núi Ararat thì rất có nhiều khả năng nó đã bị sự vận động của băng hà đẩy xuống vùng đất tương đối thấp từ lâu rồi và nó đã nát vun tan tành, những mảnh gõ vụn của nó sẽ vương vãi một vùng rộng lớn tại nơi tương đối thấp của núi Ararat và người ra đã phát hiện thấy những mảnh gỗ trên sườn núi. Thế nhưng chúng ta đều biết, xưa nay chưa có ai nhặt được một mảnh nào. Huống hồ nói gì đến chuyện xác thuyền Noah.

Người ta nói đến bức ảnh chụp thuyền Noah nhưng đều lờ mờ không rõ. Cần phải có được trí tưởng tượng phong phú, để có thể từ những hình dáng các ngọn núi và sườn dốc phụ cận mà có thể nhận được ra con thuyền Noah. Còn nói đến tấm gỗ mà ngài Navara tìm thấy, từ ba phòng thí nghiệm khác nhau xác định niên đại cho biết kết quả nó có niên đại từ 1.250 năm đến 1.700 năm tuổi quá gần với chúng ta, lại không phù hợp truyền thuyết về thuyền Noah.

Cũng có ý kiến cho rằng, giả sử 5.000 năm trước có trận đại hồng thuỷ, gia tộc nhà Noah dự đoán được trước việc nước sông dâng cao. Thế rồi họ đóng một chiếc thuyền, cất giữ lên đó đủ lương thực và vật dụng, cho súc vật vào thuyền.

Trận đại hồng thuỷ đã gây tổn thất lớn. Sau một thời gian, chiếc thuyền bị mắc vào một gò cao hoặc chỗ đất cao nào đó, rồi nó mất hút theo thời gian, thế rồi câu chuyện truyền thuyết được mọi người cùng biết và trở thành chuyện thuyền Noah lưu truyền về sau.

Dù sao đi nữa, bức màn đã được dần vén lên, đến một ngày nào đó, câu trả lời xác đáng sẽ được đưa ra. Lúc bấy giờ câu chuyện trong “Kinh thánh” thực hư ra sao sẽ được giải thích. Chừng nào tìm thấy được con thuyền Noah thực sự thò đó sẽ là một phát hiện có tầm cỡ thế kỷ và là kỳ tích trong các kỳ tích của chúng ta.

Đọc thêm