Bi hài ngày vu quy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhiều tỉnh, thành ra văn bản chỉ đạo giãn cách, tạm dừng các hoạt động tụ tập đông người, dịch vụ vui chơi, giải trí, cưới hỏi… Có không ít gia đình đã hoãn đám cưới trước giờ G. Nhưng có một số gia đình vẫn ngang nhiên tổ chức đám cưới cho con với nhiều khách mời. Nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” xảy ra trong ngày vu quy.
Đám cưới bị phạt khi tổ chức đông người trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.
Đám cưới bị phạt khi tổ chức đông người trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp.

Đám cưới con, bố mẹ dốc tiền nộp phạt

Mặc dù UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng các hoạt động tụ tập đông người, dịch vụ vui chơi, giải trí để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 nhưng gia đình ông T.V.H vẫn tổ chức đám cưới cho con. Đám cưới có sự hiện diện của hàng trăm người, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Ngày 15/5/2021, UBND huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) cho biết, đã phạt vi phạm hành chính ông T.V.H (ngụ tại thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên) 7,5 triệu đồng về hành vi vi phạm các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Vào tháng 5, một gia đình trên đường Nguyễn Bính, phường Tân Phong, quận 7 (TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức đám cưới cho con, với đông đảo quan khách của hai bên gia đình đến dự. Điều đáng nói hơn là những người tới chung vui và chụp hình với cô dâu, chú rể đều không đeo khẩu trang. Ngay sau khi biết tin, UBND phường Tân Phong lập tức chỉ đạo lực lượng chức năng đến giải quyết tình hình. Vụ việc đã được lập biên bản, đồng thời lực lượng chức năng cũng đưa khuyến cáo mọi người dừng tụ họp đông người, cũng như yêu cầu những ai có mặt ở đám cưới phải khai báo y tế.

Một đám cưới hoãn cưới vào “phút 89”.

Một đám cưới hoãn cưới vào “phút 89”.

Trên địa bàn xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) diễn ra sự việc hai gia đình tổ chức đám cưới cho con gái và con trai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp. Vào sáng 26/3/2020, gia đình ông Đ.C.T tổ chức lễ nạp tài cho con gái, buổi lễ có khoảng 10 người tham gia nhưng không ăn uống. Đến ngày 29/3, gia đình ông T tổ chức buổi liên hoan có 84 người tham gia.

Ngày 1/4, gia đình bà H.T.B (nhà trai) tổ chức buổi tiệc liên hoan có khoảng 60 người tham gia. Tiếp đến, sáng ngày 2/4, gia đình bà B tổ chức lễ cưới cho con trai với sự tham gia của khoảng 30 người và không tổ chức ăn uống. Hai gia đình tổ chức cưới đã bị phạt vì vi phạm quy định phòng chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa bị đình chỉ công tác 7 ngày vì để cho người dân tổ chức đám cưới trong mùa dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã chỉ đạo Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 xã Tân Châu và các đoàn thể kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm.

Ngày 7/4/2020, ông Thào A.T, trú tại xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai tổ chức đám ăn hỏi cho con với sự tham gia của nhiều bà con thân thích tại địa phương. Khi cơ quan chức năng phát hiện, ông Thào A.T khai báo, giải thể đám đông, hứa không tái phạm và xin chịu mọi trách nhiệm. UBND huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với ông Thào A.T do không chấp hành quy định hạn chế tập trung đông người trong giai đoạn cao điểm COVID-19.

Cả làng “giải cứu” hàng trăm mâm cỗ cưới

Theo kế hoạch, sáng 6/5/2021, gia đình ông Nguyễn Danh Trung tổ chức đám cưới cho con trai là Nguyễn Danh Bảo tại nhà văn hóa thôn với lượng khách mời lên đến 150 mâm cỗ. Dù rạp cưới đã dựng; âm thanh, ánh sáng được thợ lắp hoàn chỉnh; lương thực, thực phẩm đã mua sắm đầy đủ, nhiều loại thức ăn đã chế biến, nấu nướng nhưng gia đình quyết định tạm hoãn đám cưới trước “giờ G”.

Khúc mắc nhất chính là 150 mâm cỗ mà gia đình ông Trung đã đặt trước, mỗi mâm khoảng 1,5 triệu đồng. Khi gia đình thông báo hoãn đám cưới để chống dịch, ngay từ sáng sớm, hàng chục người dân trong thôn đến để mua giúp toàn bộ thực phẩm của 150 mâm cỗ. “Thật may mắn là sau khi tôi hoãn tiệc cho con trai, bà con trong thôn bảo nhau tới “giải cứu” thực phẩm, mỗi người mua một ít. Thợ nấu cỗ cũng liên hệ với lái buôn bán giúp nhà tôi rất nhiều đồ. Phông bạt, loa đài đều được giảm phí. Mọi người chung tay giúp gia đình tôi rất nhiệt tình”, ông Nguyễn Danh Trung chia sẻ.

Dân làng bê cỗ cưới về nhà “giải cứu” cho gia chủ.

Dân làng bê cỗ cưới về nhà “giải cứu” cho gia chủ.

Chú rể Nguyễn Danh Bảo xúc động: “Mặc dù đám cưới tạm hoãn nhưng em cảm thấy đây là kỉ niệm thật đáng nhớ. Gia đình em vẫn quyết định rước dâu về theo đúng giờ đã định, chỉ gói gọn trong hai gia đình nội, ngoại. Em xin được cảm ơn nhân dân đã mua giúp toàn bộ thực phẩm cho gia đình em và cũng cầu mong các điểm dịch sẽ sớm được kiểm soát, không bùng phát lớn trong cộng đồng”.

Đám cưới tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, Đắk Lắk tổ chức đúng vào ngày dịch bệnh bùng phát. Rạp đã dựng, cỗ cưới đã đặt trên bàn. Thực hiện lệnh giãn cách, lãnh đạo địa phương đã động viên gia đình cô dâu dùng giải pháp nhờ hàng xóm, họ hàng khiêng bàn tiệc về nhà ăn, tránh tụ tập đông người. Những bức ảnh chia sẻ trên mạng cho thấy hàng xóm, láng giềng quanh đó đã nhiệt tình tự bê bàn cỗ về nhà, đặt giữa sân để ăn thay vì tụ tập đông người tại đám cưới. Những bức ảnh ấy nhanh chóng nhận được rất nhiều lượt yêu thích, “thả tim”.

Nâng cao vai trò của cộng đồng, gia đình

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có văn bản gửi Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc nâng cao vai trò của cộng đồng, gia đình trong phòng, chống dịch COVID-19. Bộ VH-TT&DL đề nghị các sở triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, dòng họ trong việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch.

Về thực hiện nếp sống văn minh, đối với việc cưới, Bộ VH-TT&DL đề nghị các địa phương vận động, hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân cân nhắc lùi thời gian tổ chức việc cưới vào thời điểm phù hợp khi đã công bố hết dịch; khuyến khích hình thức báo hỉ.

Trước đó, vào ngày 6/3/2020, người dân xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng khá bất ngờ khi nghe tin có người nghi nhiễm COVID-19 đang sinh sống trong làng. Một đám cưới có cô dâu sinh sống trong khu vực này phải hoãn lễ thành hôn, đãi khách. Việc bất ngỡ hoãn cưới vì dịch bệnh vào “phút thứ 89” khiến gia đình cô dâu không khỏi lo lắng. Gia đình đã chuẩn bị xong 60 mâm cỗ với giá trị gần trăm triệu đồng. Nay hoãn đám cưới những mâm cỗ ấy sẽ ra sao?

Trước sự lo lắng ấy, tình làng, nghĩa xóm ở Phù Ninh được phát huy hiệu quả. Gần 60 mâm cỗ của cô dâu đã được hàng xóm đồng loạt “giải cứu”. Bà con trong thôn mỗi người mua một chút để giảm bớt thiệt hại cho nhà gái. Với 60 mâm cỗ được “giải cứu” nhanh chóng, gia đình cô dâu bớt thiệt hại kinh tế.

Với một mục đích vì sức khỏe cộng đồng, chung tay phòng, chống dịch bệnh, nhiều cặp đôi đã hy sinh hạnh phúc, niềm vui riêng để hoãn đám cưới, hoặc tổ chức cưới giản dị, quy mô nhỏ - vài người trong nội tộc. Có thể thấy, việc thực hiện cưới văn minh để chung tay đẩy lùi dịch bệnh là hành động hết sức thiết thực, góp phần chung tay chiến thắng “giặc COVID-19” và tạo đà cho nếp sống văn minh trong việc cưới lan tỏa.

Những suy nghĩ trước đây cho rằng đám cưới hoành tráng mới tạo ra hạnh phúc đã lỗi thời, thậm chí trở thành gánh nặng của gia đình và cộng đồng. Những đám cưới giản dị, an toàn, lo lắng và yêu thương nhau mới thực sự tạo nên tổ ấm.

Các gia đình đám cưới thời… COVID đã “mình vì mọi người” tổ chức tối giản nhưng đầy ấm cúng, thể hiện sự thiêng liêng và nét đẹp văn hóa, văn minh. Việc làm tốt đẹp đó đã tạo sự lan tỏa, nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của người dân. Sự hy sinh, chia sẻ với nhau khiến mỗi người cảm nhận được sự ấm áp, để rồi lạc quan, cùng nhau chống dịch COVID-19.

Xe rước cô dâu không về được nhà chồng vì… giãn cách

Gần đây, mạng xã hội chia sẻ những hình ảnh và thông tin về đám cưới có đoàn rước dâu từ nhà gái ở Hà Nội về nhà trai ở Thuận Thành (Bắc Ninh. Do thời gian đón dâu không kịp với thời gian lực lượng chức năng phong tỏa huyện Thuận Thành nên xe đón dâu đành chấp nhận quay lại Hà Nội. Bài đăng nhận được sự quan tâm của nhiều người, cộng đồng mạng cũng để lại lời động viên tinh thần, “thả tim” cho quyết định quay lại của hai bạn trẻ. Chú rể trong đám cưới đặc biệt này là Phạm Văn Nam (29 tuổi, quê ở Bắc Ninh) và cô dâu là Ngô Thu Uyên (26 tuổi, Hà Nội). Cả hai đang làm nhân viên y tế trong một bệnh viện tại Hà Hội. Chú rể Nam tâm sự: “Nếu cứ đón dâu về nhà trai, đoàn đón rước dâu phải cách ly 3-4 tuần, như thế lỡ hết công việc. Cảm xúc của tôi lúc đó hơi buồn vì ngày vui chưa được trọn vẹn. Nhưng vì xã hội, vì cộng đồng, vì tinh thần chung của mọi người đẩy lùi COVID-19, vợ chồng chúng tôi tự động viên nhau vượt qua”.

Đọc thêm