Quà tặng là thông điệp cuối cùng mà khách sẽ mang về đất nước họ, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công trong các hoạt động. Chính vì vậy, bên cạnh các hoạt động chính thức, món quà được các nguyên thủ quốc gia đem ra tặng nhau là thứ mà dư luận luôn rất quan tâm.
Tại cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ, ông Joe Biden đã chọn một cặp kính phi công do một hãng nội địa sản xuất và chiếc tượng bò rừng bằng pha lê làm quà.
Món quà gây xôn xao
Những ngày giữa tháng 6 vừa qua, dư luận tập trung sự chú ý tới cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là cuộc gặp mặt lần đầu tiên của ông Biden với ông Putin kể từ khi nhậm chức. Cuộc gặp diễn ra ở Geneva (Thuỵ Sĩ) nhằm thiết lập những kênh hợp tác hiếm hoi mà hai bên có thể, trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở ngưỡng tồi tệ trong nhiều thập niên.
Cùng với nội dung của cuộc hội đàm, những món quà mà các nguyên thủ của hai siêu cường chọn để tặng nhau ở cuối cuộc gặp cũng trở thành tâm điểm chú ý. Theo thông báo của Nhà Trắng, ông Biden đã tặng ông Putin một cặp kính mát chuyên dụng dành cho các phi công và chiếc tượng bò rừng làm bằng pha lê.
“Tổng thống Biden tặng Tổng thống Putin một cặp kính phi công Aviator tùy chỉnh do hãng Randolph sản xuất”, một quan chức của Nhà Trắng cho hay. Theo vị này, từ năm 1978, Randolph đã hợp tác với quân đội Mỹ để sản xuất mẫu kính HGU-4/P Aviator được thiết kế dành cho các phi công chiến đấu. Kể từ đó cho đến nay, họ đã cung cấp cho quân đội Mỹ và các đối tác NATO các thiết bị phi công có độ bền cao, cao cấp, được sản xuất trong nước tại nhà máy ở Massachusett
|
Cặp kính phi công - quà tặng tuyệt vời mà tổng thống Mỹ Biden tặng tổng thống Nga Putin. |
Một số nguồn tin cho hay, món quà trên của Tổng thống Mỹ mang tính biểu tượng, thể hiện mối liên kết giữa Mỹ với NATO sau khi ông Biden tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 14/6. Tại hội nghị, ông Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ với liên minh quân sự này và kêu gọi các đồng minh phương Tây tăng cường hợp tác để chống lại các mối đe dọa từ một số nước khác.
Ngoài ra, tại hội nghị, ông Biden cũng tặng ông Putin một tác phẩm điêu khắc bằng pha lê hình một con bò rừng, linh vật quốc gia của Mỹ do hãng Steuben Glass chế tác.Bò rừng bison Mỹ đã trở thành biểu tượng động vật của nước Mỹ sau khi tổng thống Mỹ Barack Obama ký thông qua Luật Di sản Bò rừng Quốc gia hồi năm 2016, trong nỗ lực ngăn chặn loài thú quý hiếm này tuyệt chủng. Tượng bò rừng Mỹ bằng pha lê biểu trưng cho sức mạnh, sự đoàn kết và thành công.
Trong khi đó, 20 năm qua, bò rừng ở Nga đã tái xuất trở lại ở nhiều địa điểm sau khi chúng tuyệt chủng vào năm 1927. Tác phẩm điêu khắc mà Tổng thống Mỹ tặng Tổng thống Nga được đặt trên một đế bằng gỗ anh đào, vốn được xem là biểu tượng của tổng thống đầu tiên của nước này là ông George Washington. Trên bức tượng cũng có một tấm bảng khắc dòng chữ kỷ niệm cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin. Giá bức tượng rơi vào khoảng hơn 3.000 USD.
Thương hiệu lâu đời
Cặp kính mà Tổng thống Mỹ chọn để tặng Tổng thống Nga là sản phẩm của hãng Randolph – một công ty được mở ra vào năm 1973. Sáng lập công ty là hai người nhập cư Ba Lan tên Jan Waszkiewicz và Stanley Zaleski. Ban đầu, công ty tập trung vào thiết kế và sản xuất các công cụ và máy móc quang học để sản xuất kính mắt.
Ông Waszkiewicz và Zaleski đã thiết kế, chế tạo hầu hết các máy móc trong nhà máy của họ. Tuy nhiên, theo thời gian, công ty chuyển sự chú ý sang sản xuất kính mắt mang thương hiệu riêng của họ, sử dụng các công cụ và máy móc do chính công ty của họ thiết kế và sản xuất.
Năm 1977, Randolph Engineering có được hợp đồng đầu tiên với chính phủ Mỹ, Đến năm 1982, họ đã trở thành nhà thầu chính, chuyên cung cấp kính phi công HGU-4/P kiểu quân sự cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Với 68 nhân viên, trong năm này, 200.000 cặp kính râm đã được sản xuất cho Hải quân, Không quân và Lục quân Mỹ.
Kể từ thời điểm đó, công ty đã cung cấp kính râm cho nhiều cơ quan chính phủ, từ kính râm cho phi công không quân đến kính râm cho nhân viên tàu ngầm. Vào đầu những năm 1990, doanh số bán hàng của công ty đã được mở rộng. Sản phẩm của họ đã được mở ra thị trường tiêu dùng. Đến tháng 8/2008, Randolph đã cung cấp các dòng kính râm bao gồm: dòng kính râm chuyên dụng dành cho cảnh sát, nhân viên an ninh, những người đam mê các môn thể thao ngoài trời, người làm trong các ngành nghề quan trọng khác.
Nhà máy của công ty hiện đặt tại thị trấn nhỏ Randolph ở phía Đông Bắc bang Massachusetts.Hiện tại, công ty cung cấp cho quân đội Mỹ nhiều loại kính và gọng khác nhau, gồm nhiều hợp đồng trị giá hàng triệu USD với Cơ quan Hậu cần Quốc phòng Mỹ.
Tất cả kính của công ty được sản xuất nhà máy ở Randolph, bang Massachusetts. Các sản phẩm của công ty đều được làm gần như hoàn toàn thủ công, rất cầu kỳ và tinh xảo. Sản phẩm của họ có nhiều kiểu dáng nhưng phổ biến nhất vẫn là kiểu phi công truyền thống,trung bình mỗi tháng có khoảng 53.000 cặp kính được sản xuất. Công ty chỉ sử dụng một số ít linh kiện quốc tế trong sản phẩm của mình.
Việc bán hàng được tiến hành thông qua trang web của công ty, các nhà bán lẻ lớn và các nhà phân phối trên toàn thế giới. Randolph Engineering cũng đã trở thành nhà cung cấp cho các Lực lượng Không quân khác trên thế giới bao gồm Australia, Bỉ, Israel và Jordan.
CEO hiện tại của Randolph là ông Peter Waszkewicz cho biết, khoảng 1 tháng trước cuộc gặp của ông Biden với ông Putin, một công ty phụ trách vấn đề quà tặng chuyên làm việc với Nhà Trắng đã gọi cho ông, đề nghị làm cho một cặp kính phi công. Randolph theo yêu cầu đã gửi đi một cặp kính và không nhận được thêm phản hồi nào, cho đến khi các thông tin về món quà độc đáo bùng nổ trên báo chí và mạng xã hội.
Theo Waszkewicz, ông không hề nghĩ rằng sản phẩm của công ty lại trở thành một phần của hội nghị thượng đỉnh quốc tế được theo dõi sát sao. “Chúng tôi thực sự vui mừng và vinh dự khi sản phẩm của chúng tôi được trao tặng như một biểu tượng di sản của quốc gia, đó là một sản phẩm do Mỹ sản xuất”, ông nói.
Waszkiewicz cho rằng sản phẩm của công ty ông xứng tầm thế giới. Ông cảm thấy vô cùng tự hào về di sản mà cha ông và cộng sự để lại. “Họ đã nghe rất nhiều điều tốt đẹp về nước Mỹ và vì vậy họ đã đến Mỹ, theo đuổi giấc mơ Mỹ”, CEO hiện tại của Randolph nói.
Ngày nay, kính râm của họ được bán trên toàn cầu. Kiểu dáng kính phi công của hãng đã trở nên nổi tiếng trong bộ phim "Top Gun" khi nam tài tử Tom Cruise diện nó những năm 1980. Randolph cũng là nhà sản xuất kính phi công cho quân đội Mỹ và NATO trong hơn 4 thập kỷ. Mỗi tháng, trung bình hãng bán được khoảng 25.000 cặp kính cho lực lượng này. Công ty vẫn thuộc sở hữu và được điều hành bởi hai gia đình đã thành lập ra nó.
Theo trang web của Randolph, kính phi công quân đội của công ty có giá từ 219 USD. Mẫu kính mà ông Biden tặng ông Putin có tên Concorde, được đặt theo tên của máy bay siêu thanh thế kỷ 20. Giá niêm yết của nó là 279 USD. Theo Waszkiewicz, mỗi cặp kính như vậy, công ty mất 6 tuần và khoảng 200 bước để thực hiện.
Vẫn theo ông này, chất lượng tốt và sự chăm chỉ đã giúp doanh nghiệp của ông có được ngày hôm nay và ông tự hào rằng tất cả các sản phẩm của công ty đều được sản xuất tại Mỹ. “Thật tuyệt khi được tôn vinh di sản của đất nước này với một sản phẩm do Mỹ sản xuất”, Waszkiewicz nói.
Tổng thống Mỹ Biden từ lâu đã được biết đến là người hâm mộ kính râm, nhất là những cặp kính chuồn chuồn. Cặp kính hình giọt nước lớn màu đen với viền vàng là một trong những đặc điểm nổi bật trong hình ảnh cá nhân của ông trong nhiều năm. Những bộ vest được thiết kế riêng và vừa vặn kết hợp với kính mắt chuồn giúp Tổng thống Mỹ trông trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Chúng che bớt những vết chân chim, đồng thời cũng giúp tạo ra hình ảnh một người đàn ông đang năng động.
Hơn nữa, chúng gợi cảm giác gần gũi do giá cả khá bình dân,dễ kết hợp, nhất là với áo sơ mi xanh và áo sơ mi polo mà ông Biden thường diện. Ông Biden thường xuyên đeo kính râm trong các sự kiện ở Nhà Trắng. Ông thậm chí đã đeo kính râm trong cuộc gặp Nữ hoàng Anh Elizabeth, dù việc này được cho là không phù hợp với nghi thức hoàng gia.