Phát hiện rợn người
Truyền thông Peru cho biết, việc tìm kiếm tại ngôi mộ tập thể nói trên được tiến hành từ năm 2011 tại Huanchaco - một thị trấn du lịch bên bờ biển gần Trujillo, thành phố lớn thứ 3 của Peru. Trong năm đó, các nhà khảo cổ học đã phát hiện hài cốt 42 trẻ em. Trong 5 năm tiếp theo, số lượng bộ xương được tìm thấy đã tăng đến thành 140.
Đến năm 2018, khi kênh truyền hình National Geographic đưa tin về việc tìm kiếm, nhóm khảo cổ đã nhận được thêm tài trợ đến tiếp tục hoạt động của mình. Đến tháng 8 vừa qua, số hài cốt tìm được đã tăng lên thành 227 trẻ và được cho là sẽ còn tiếp tục tăng. “Đây là ngôi mộ tập thể chứa hài cốt của những đứa trẻ bị biến làm vật tế thần lớn nhất từng được phát hiện. Cho đến nay, chưa có ngôi mộ nào lớn hơn thế này được tìm thấy trên thế giới”, nhà khảo cổ học Feren Castillo (trưởng nhóm tìm kiếm) cho biết.
Các chuyên gia tin rằng những đứa trẻ được chôn ở ngôi mộ này trong độ tuổi từ 4 đến 14. Theo ông Castillo, tất cả các nạn nhân được tìm thấy trong tư thế nằm hướng ra biển, mặt được sơn màu đỏ. Một số vẫn còn da, tóc và đeo bông tai bằng bạc. Có những dấu hiệu cho thấy họ đã bị giết trong thời tiết ẩm ướt. Xương ức các em được phát hiện có dấu hiệu bị tổn thương, được cho là do bị tác động bởi những con dao được dùng trong nghi lễ hiến sinh. Lồng ngực của các nạn nhân bị trật khớp cho thấy có thể những người thực hiện các nghi thức hiến tế có thể đã cố gắng lấy ra trái tim của những đứa trẻ. Phân tích carbon phóng xạ cho thấy những đứa trẻ đã chết trong cùng một ngày, vào khoảng năm 1450.
Kết quả đánh giá ADN cho thấy họ đến từ các vùng khác nhau của đế chế Chimu đã tồn tại trên lãnh thổ Peru từ năm 900 đến năm 1470. Họ đã bị biến thành vật tế để xoa dịu các vị thần khi mưa và lũ lụt làm xói mòn bờ biển Peru mà hiện nay được gọi là hiện tượng El Niño. Những dấu chân nhỏ cho thấy những đứa trẻ đã bị dẫn từ Chan Chan - một thành phố cổ kính rộng lớn, cách nơi chôn cất gần 2km - tới nơi bị đưa làm vật tế và chôn cất. Các nhà khoa học cho rằng, trẻ em bị hiến tế để cầu xin các vị thần không giáng mưa gió, lũ lụt xuống khu vực.
Các ghi chép cho thấy khu vực này từng bị thiên tai làm rung chuyển trong thế kỷ XV. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã làm thay đổi đáng kể khí hậu trên bờ biển phía bắc Peru thời kỳ này. Khi biển không còn cá để đánh bắt, người dân phải hứng chịu những trận mưa lớn và lũ lụt. Hiện tượng bất thường này được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái của dân tộc Chimu và Đế chế của họ sau đó đã bị người Inca chinh phục. Nền văn minh Chimu kéo dài dọc theo bờ biển Peru đến Ecuador đã biến mất vào năm 1475. Họ chính là những người đã xây dựng nên Chan Chan - thành phố lớn nhất ở Nam Mỹ thời tiền Colombo.
|
Nơi phát hiện ngôi mộ tập thể tại Peru |
Huanchaco là một địa điểm diễn ra nhiều vụ hiến tế trẻ em trong thời kỳ đế chế Chimu. Tháng 4/2018, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy hài cốt của 140 trẻ em và 200 con lạc đà không bướu ở đây. Cùng năm các nhà khảo cổ cũng đã khai quật được 56 bộ xương trẻ em tại khu vực Pampa la Cruz. Thị trấn Pampa la Cruz cách Huanchaquito không xa.
Hủ tục đáng sợ
Trước đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy bằng chứng về việc hiến tế con người ở nhiều nơi trên thế giới. Nạn nhân trong các vụ việc này có thể lên tới hàng trăm người nhưng họ thường được cho là tù nhân chiến tranh hoặc những người thương vong trong chiến đấu, hay những cận vệ thân tín bị giết sau khi lãnh đạo của họ qua đời. Việc hiến tế cũng có thể được tiến hành sau công trình xây dựng một tòa nhà linh thiêng. Các văn bản cổ, bao gồm cả Kinh thánh có nhắc đến việc hiến tế trẻ em nhưng bằng chứng rõ ràng về việc giết trẻ em hàng loạt là rất hiếm trong hồ sơ khảo cổ học.
Ngôi mộ tập thể tại Huanchaquito đang được cho là địa điểm hiến tế trẻ em lớn nhất được biết đến ở châu Mỹ và có thể là toàn bộ thế giới. Ngoài ra, phát hiện trên cũng đáng chú ý bởi trước đây, các vụ việc về hiến tế con người ở các thời kỳ Aztec, Maya và Inca đã được ghi nhận trong biên niên sử Tây Ban Nha và được ghi lại trong các cuộc khai quật khoa học hiện đại. Còn việc phát hiện vụ việc hiến tế trẻ em quy mô lớn trong nền văn minh Chimu tiền Columbo là chưa từng có.
Năm 2016, một nhóm các nhà khảo cổ cũng đã khai quật được hài cốt một trẻ em trong khu bảo tồn Zeus Likeisky, trên bán đảo Peloponnese. Khi đó, họ phát hiện bộ xương của một thiếu niên nằm giữa 2 hàng đá song song trong một gò đất cao 30m được hình thành từ đống tro tàn của những con vật hiến tế. Bộ xương được bảo quản tốt, ngoại trừ phần trên của hộp sọ. Các nhà khảo cổ cho rằng đứa trẻ đã chết trong thế kỷ XI trước Công nguyên. Họ cũng cho rằng cậu bé đã bị hiến tế, vì hài cốt của cậu nằm trên bàn thờ.
Tại Đền thờ thần Zeus trên núi Lykeo, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng khảo cổ đầu tiên về việc người Hy Lạp đã có những nghi lễ hiến tế người. Có những dấu vết cho thấy rằng, những người này không chỉ bị giết, mô mềm của họ đã bị cắt ra sau khi chết.
Ở Trung Quốc dưới triều đại nhà Thương cũng được cho là đã có những nghi lễ hiến tế người trẻ từ 15 đến 35 tuổi. Theo các nhà khảo cổ Canada, trong thời gian 255 năm, tại thủ đô Yinxuy, hơn 13.000 người đã bị biến thành vật tế thần. Các lễ hiến tế thời này được thực hiện hòng mong kết thúc chiến tranh hay trong các đám tang của nhà quý tộc hoặc để làm sáng tỏ ý kiến của các vị thần về một vấn đề nào đó.
Tại Đức, vào năm 1991, các nhà khoa học cũng đã phát hiện một cấu trúc bằng gỗ được cho là có từ khoảng năm 2.300 trước Công nguyên. Cấu trúc này bao gồm một số vòng tròn, được chia thành các phần riêng biệt để tổ chức các nghi lễ. Trong cấu trúc này, các nhà khoa học đã phát hiện hài cốt của một số phụ nữ và trẻ em ở các độ tuổi khác nhau. Tất cả các nạn nhân đã chết vì bị một vật cứng đâm vào gáy. Sau đó, các thi thể bị ném vào hố ở trung tâm của vòng tròn. Những mảnh vỡ của những vật được cho là các công cụ để thực hiện nghi lễ được phát hiện gần các hài cốt. Theo các nhà khảo cổ, rất có thể Woodhenge có liên quan đến giáo phái thờ thần Mặt trời gây chết chóc và lễ hiến tế người có thể là một phần của các màn trình diễn mô tả chu kỳ sống và chết.