Bị quy sống “dựa hơi” ngân hàng, Chủ tịch 2 công ty mang “họ” Sông Đà nói gì?

(PLO) - Một loạt các công ty con của Tổng công ty Sông Đà vừa bị “rung chuông” cảnh báo tình trạng mất an toàn tài chính, khi hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chênh lệch quá lớn. Những cái tên như Sông Đà 4, Sông Đà 12, Sông Đà 3...  bị liệt vào danh sách cần quan tâm đặc biệt để tránh gây hậu quả xấu.
Nợ nhiều, nhưng lãnh đạo Sông Đà 4 nói nhà băng vẫn “rộng cửa” với doanh nghiệp này?

Ông Đặng Văn Chiến - nguyên Chánh Văn phòng Tổng công ty Sông Đà, giờ đang cùng lúc ngồi ghế Chủ tịch HĐQT tại 2 Công ty CP Sông Đà 4 và Công ty CP Sông Đà 12, cho hay, cách đây 2 năm, ông được phân công làm Chủ tịch Sông Đà 12 khi nó đang trong tình trạng cực kỳ “bê bết”. Còn Sông Đà 4 là nơi ông vừa tiếp quản công việc được chừng 3 tháng.

Chủ tịch 2 công ty con thuộc “Tổng” trên cũng xác nhận với PLVN, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Sông Đà 4 hiện vượt quá 6 lần; còn với Sông Đà 12, con số trên đang cao gấp hàng chục lần. Điều đó có nghĩa, các doanh nghiệp này hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay, trong khi vốn chủ sở hữu đang rất thấp. Bộ Tài chính đã phát hiện ra điều này, và cảnh báo sự nguy hiểm nếu tình trạng trên vẫn tiếp tục kéo dài.

“Theo tôi biết, Bộ Tài chính vào kiểm tra ở Tổng công ty được khoảng 1 tuần nay rồi. Họ vào là để kiểm tra theo kế hoạch chứ không phải vì sự vụ gì”, ông Chiến nói.

Theo tìm hiểu của PLVN, hiện vốn điều lệ của Công ty CP Sông Đà 12 đang là 50 tỷ đồng, còn Sông Đà 4 là 103 tỷ đồng. “Vốn điều lệ thì chỉ hơn trăm tỷ, trong khi sản lượng mỗi năm của Sông Đà 4 có khi lên tới cả ngàn tỷ đồng, thì việc vay ngân hàng để sản xuất kinh doanh là điều đương nhiên và cũng vì thế mới sinh ra chuyện nợ vay phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp”, lời Chủ tịch Đặng Văn Chiến.

Chủ tịch HĐQT Đặng Văn Chiến: "Sông Đà 12 vẫn đang khó khăn và nợ đọng lớn"

Cũng theo người đứng đầu 2 công ty này, hiện “sức khỏe” của Sông Đà 4 “vẫn ổn định”, việc làm có đủ cho người lao động trong khoảng 2 năm tới, các tổ chức tính dụng thì vẫn “rộng cửa” với công ty. “Riêng Sông Đà 12 vẫn đang khó khăn và nợ đọng lớn. Chúng tôi vẫn đang nỗ lực thu hồi công nợ và xử lý những tồn tại do các thế hệ trước để lại, nhưng xem ra cũng hết sức nan giải”, ông Chiến than.

Được biết, 2 công ty này dù thuộc Tổng công ty Sông Đà, nhưng ngành nghề kinh doanh khác nhau (một chuyên về xây dựng dân dụng, một chuyên về bê tông) nên rất khó hỗ trợ nhau để phục hồi hoạt động sản xuất nhất là với Sông Đà 12, vì thế doanh nghiệp này đang đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ mất vốn...  

“Có dự án ở Thái Bình, đơn vị đã hoàn tất mọi thủ tục rồi mà đợi hoài vẫn không lấy được số tiền hàng chục tỷ. Bây giờ, ngoài việc đi đốc nợ, Sông Đà 12 đang ra sức tìm việc làm để duy trì hoạt động”, Chủ tich Chiến nói thêm.

Vẫn vấn đề này, được biết, hồi năm ngoái - 2016, khi trình phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà, báo cáo tài chính của “Tổng” này thể hiện, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 3,8 lần. Có nghĩa, có thời điểm vốn chủ sở hữu của Tổng công ty là 2.645 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới... 10.190 tỷ đồng.

Đọc thêm