Bí thư Hải Phòng chỉ đạo giải “cơn khát” lao động ở TP Cảng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là thực tế Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Trần Lưu Quang đã chỉ ra trong chuyến thị sát và làm việc tại một số dự án trong Khu kinh tế Hải Phòng mới đây.
Ông Quang cùng lãnh đạo TP thăm dây chuyền sản xuất của một nhà máy.
Ông Quang cùng lãnh đạo TP thăm dây chuyền sản xuất của một nhà máy.

1 doanh nghiệp, mỗi năm đã cần cả vạn lao động

Trong chuyến thị sát tại Khu kinh tế Hải Phòng, ông Quang cùng Đoàn công tác đã làm việc tại dự án Pegatron Việt Nam giai đoạn 2 (tại Lô CN 3B, khu công nghiệp Deep C 2A) với tổng vốn đầu tư xây dựng 500 triệu USD, chuyên sản xuất thiết bị điện tử; Nhà máy sản xuất băng dính Tesa Hải Phòng (tại Lô CN2A, Khu công nghiệp Deep C 2B), có vốn đầu tư 55 triệu Euro; và Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam (Lô CN4.1H, Khu công nghiệp Đình Vũ), có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, chuyên sản xuất lắp ráp bảng mạch điện tử thiết bị đeo được.

Tại buổi làm việc, Cty Pegatron Việt Nam bày tỏ mong muốn TP hỗ trợ tạo điều kiện để tuyển dụng được nguồn lao động địa phương và lao động ngoại tỉnh. Dự kiến, nhu cầu lao động của Cty vào năm 2023 là 13 ngàn lao động, năm 2024 là 18 ngàn lao động, năm 2025 là 23 ngàn lao động. Bên cạnh đó, Cty mong muốn TP sẽ tạo điều kiện hỗ trợ hoàn thiện việc đấu nối tiện ích, cơ sở hạ tầng của khu vực cũng như hỗ trợ san lấp hoàn thiện khu đất để Cty sớm tiến hành xây dựng khu ký túc xá.

Cty TNHH Tesa Site Việt Nam thì đề nghị TP quan tâm sớm di dời bãi rác Đình Vũ để không ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên, người lao động.

Về phía Cty TNHH USI Việt Nam, đề nghị TP quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho người lao động, vì hiện nay Cty đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng kỹ thuật viên thao tác những thiết bị có tính chính xác cao, máy móc tự động hóa.

DN này cũng đề nghị Hải Phòng xem xét, xây dựng phương án giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư trong quá trình thực hiện thủ tục cũng như quy hoạch cơ sở hạ tầng, cung cấp điện nước trong triển khai dự án nhà ở công nhân viên; bố trí đèn giao thông tại nút giao thông từ đường Mạc Thái Tổ rẽ vào khu công nghiệp; quy hoạch phân luồng làn đường xe trên đoạn đường vào Khu công nghiệp Deep C...

Trước những ý kiến, kiến nghị của các DN, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết: Hiện nguồn lao động trong các khu công nghiệp của TP đang thiếu hụt gần 50 ngàn người. Ban Quản lý đã xin ý kiến TP và đưa ra các giải pháp thu hút, giữ chân người lao động như tổ chức họp giữa các DN và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn; tổ chức sàn giao dịch thương mại về lao động và bắt đầu vận hành, phối hợp các DN tầm trung để thu hút lao động; tổ chức triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân…

Ông Kiên cũng đề nghị các DN đang thiếu hụt lao động phải có các giải pháp hợp lý như tăng lương cho công nhân; tiền lương, tiền thưởng và các chính sách hỗ trợ cho lao động cần công khai, minh bạch.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy sản xuất băng dính Tesa Hải Phòng.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy sản xuất băng dính Tesa Hải Phòng.

3 điểm mấu chốt

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang cảm ơn các DN đã lựa chọn Hải Phòng là điểm đến để đầu tư và phát triển. Ông Quang cũng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các DN trong triển khai các dự án với tốc độ nhanh; các DN đã có dự định đầu tư lâu dài mang tính bền vững tại TP như xây dựng khu ký túc xá cho công nhân, xây các trung tâm nghiên cứu phát triển. Bí thư Thành ủy khẳng định, lãnh đạo TP Hải Phòng cũng như người dân TP coi sự thành công của DN góp phần vào sự thành công chung của Hải Phòng. Do vậy, việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cần có sự hợp tác hai phía.

Ông Quang cho biết, hiện TP đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt nguồn lao động giữa các địa phương. Thời gian tới, TP sẽ quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để thu hút người lao động ở các địa phương khác về công tác sinh sống, làm việc tại Hải Phòng.

Theo ông Quang, ý nghĩa quyết định trong cuộc cạnh tranh thu hút nguồn lao động là lương, phụ cấp chế độ, văn hoá của DN.

Về đào tạo nghề, TP sẽ tạo ra sàn giao dịch lao động, có động thái tích cực tìm kiếm thêm nguồn lao động cho các DN; đồng thời các DN cũng cần phối hợp với TP, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, có chương trình, dịch vụ hỗ trợ đào tạo nghề,…

Trước ý kiến di dời bãi rác Đình Vũ, ông Quang cho biết, trước mắt TP sẽ có bãi rác khác giảm tải áp lực cho bãi rác này. Tuy nhiên, trong tương lai, ở khu vực này sẽ có nhà máy xử lý rác thải công nghệ hiện đại khác, có thể xử lý triệt để rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt, đảm bảo các điều kiện về môi trường.

Về việc phân luồng giao thông xe container, xe bus, xe gắn máy cũng như lắp đặt tín hiệu đèn giao thông trên đoạn đường vào Khu công nghiệp Deep C, TP sẽ nghiên cứu tổ chức thêm nhiều tuyến đường giao thông để giải phóng bớt và giảm áp lực giao thông vào giờ cao điểm ở các khu công nghiệp…

Hiện Hải Phòng có hơn 400 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Năm 2021, Hải Phòng là địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt 5,2 tỷ USD. Đây cũng là khu vực làm việc của gần 180.000 lao động trong và ngoài nước. Trong năm 2022, Hải Phòng phấn đấu thu hút vốn FDI đạt từ 2,5-3 tỷ USD.

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết của Thành ủy, HĐND TP về nhiệm vụ phát triển KT-XH, QPAN năm 2022, ông Quang cho rằng để tiếp tục duy trì kết quả về thu hút vốn FDI, Hải Phòng phải tiếp tục triển khai các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển các khu công nghiệp.

Theo tính toán, trong thời gian 2021-2026, Hải Phòng sẽ cần từ 190 – 200 ngàn lao động đến từ các địa phương khác.

Để Hải Phòng là “đất lành”, cần nhanh chóng triển khai xây dựng nhà ở xã hội, phát triển y tế, trường học để đáp ứng nhu cầu của người lao động đến và gắn bó với TP. Các đơn vị cần nỗ lực cải cách hành chính hơn nữa để có lợi thế cạnh tranh.

Đọc thêm