Bí thư Hải Phòng thị sát 3 dự án giao thông: Công trình càng đặc biệt, cấp ủy càng phải đề cao trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang tại buổi thực địa kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng chiều qua (15/3).
Bí thư Hải Phòng Trần Lưu Quang kiểm tra tiến độ dự án đường bộ ven biển đoạn qua xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng.
Bí thư Hải Phòng Trần Lưu Quang kiểm tra tiến độ dự án đường bộ ven biển đoạn qua xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng.

Dự kiến khai thác, sử dụng từ tháng 6/2023

Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đã thực địa toàn tuyến kiểm tra tiến độ 3 dự án: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo hình thức đối tác công - tư; Dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Hải Phòng từ ĐT353 đến cầu Thái Bình; Dự án tuyến đường nối từ cầu Lạng Am (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo) đến đường bộ ven biển. Việc triển khai các dự án sẽ nói trên hoàn thiện 2 tuyến giao thông huyết mạch liên quan đến phát triển kết nối vùng, đi qua 4 huyện trên địa bàn TP Hải Phòng.

Báo cáo tại buổi thực địa, ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc BQL Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Hải Phòng cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Hải Phòng và 9km trên địa bàn Thái Bình theo hình thức đối tác công - tư (Dự án BOT) có điểm đầu tại nút giao ĐT353 khu vực ngã ba Đồng Nẻo (Km11+800 ĐT353) thuộc quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Điểm cuối dự án nằm trên QL37 mới (đang thi công, Km2+384,15), khớp nối với đoạn tuyến thuộc Dự án đường ven biển qua địa bàn huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tổng chiều dài tuyến 29,7km, trong đó đoạn qua địa bàn Hải Phòng 20,782km; đoạn qua địa bàn Thái Bình 8,925km.

Đến nay, việc đàm phán phụ lục hợp đồng, điều chỉnh số lượng thành phần liên danh nhà đầu tư; gia hạn thời gian thi công xây dựng thêm 15 tháng kể từ ngày ký kết phụ lục hợp đồng và một số điều khoản khác… đã hoàn thành. Dự kiến, ký kết phụ lục hợp đồng trong tháng 3/2022, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng tuyến đường từ tháng 6/2023.

Với dự án đầu tư xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn Hải Phòng từ ĐT353 đến cầu Thái Bình (Km0 - Km19+645) có tổng mức đầu tư 946 tỷ đồng. Dự án xây dựng mở rộng tuyến đường bộ ven biển với bề rộng nền từ 12m ÷ 16m thành 24,25m ÷ 26,25m về phía phải tuyến với tổng chiều dài gần 20km. Dự án cũng xây dựng mới thêm 1 đơn nguyên cạnh cầu cũ với các cầu Lạch Họng, cầu vượt ĐH.212, cầu Kênh Nam. Dự án được đầu tư từ ngân sách TW và ngân sách TP Hải Phòng.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), chiều dài tuyến trên địa bàn Hải Phòng có tổng diện tích GPMB là 102ha, qua địa bàn 3 quận, huyện (Đồ Sơn 2,9km, Kiến Thụy 5,987km, Tiên Lãng 11,2km), liên quan đến 1.523 hộ gia đình, tổ chức và cá nhân. Đến nay, các cơ quan chức năng đã phê duyệt phương án cho 1.523/1.523 hộ, đã chi trả và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư đạt 98,69%. Ước tính, đến nay, khối lượng thi công đạt 34,6% giá trị hợp đồng BOT (trong đó giá trị xây lắp đạt 872/2.465 tỷ đồng, tương đương 35,4% chi phí xây dựng).

Liên quan đến 2 dự án này, ông Tuấn Anh chỉ ra vướng mắc từ việc một số hộ dân chưa GPMB. Dự án BOT thi công chậm, ảnh hưởng đến việc thi công phần mở rộng do chênh lệnh cao độ 2 dự án. Việc thi công trên địa bàn huyện Tiên Lãng gặp khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu do điều kiện đường giao thông hiện trạng không cho phép xe trọng tải lớn lưu thông.

Ông Quang nhấn mạnh: “Bí thư các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Thành ủy về tiến độ giải phóng mặt bằng”.

Ông Quang nhấn mạnh: “Bí thư các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Thành ủy về tiến độ giải phóng mặt bằng”.

Nâng cao trách nhiệm để đẩy nhanh tiến độ các dự án

Tại Dự án tuyến đường nối từ cầu Lạng Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo đến đường bộ ven biển; có tổng diện tích thu hồi 29ha, liên quan đến khoảng 761 hộ dân, 6 tổ chức, kinh phí GPMB là 467,6 tỷ đồng.

Trong đó, tại huyện Vĩnh Bảo, dự án đi qua 5 xã, thu hồi khoảng 19,9ha, 700 hộ, 5 tổ chức; đã bàn giao để thi công là 374/516 hộ. Tại huyện Tiên Lãng, dự án đi qua 2 xã, thu hồi khoảng 9,1ha, 61 hộ, 01 tổ chức. Hiện, địa phương đã phê duyệt phương án 57 hộ, 11/57 hộ đã nhận tiền. Huyện Tiên Lãng đã bàn giao 4 hộ; nhà thầu bắt đầu triển khai thi công từ 25/2/2022 trên diện tích được bàn giao.

Về tiến độ thi công xây dựng đoạn tuyến từ cầu Lạng Am đến hết cầu vượt sông Chanh Dương và đoạn tuyến 1,36km phía trái sông Chanh Dương, đạt 26,3% giá trị hợp đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án nói trên, ông Tuấn Anh kiến nghị UBND huyện Vĩnh Bảo sớm bàn giao diện tích của 142 hộ đã nhận tiền; tiếp tục tuyên truyền, vận động 55 hộ đã phê duyệt nhận tiền bàn giao mặt bằng; vận động các hộ thu dọn đăng, đó và bàn giao mặt nước để thi công trụ cầu qua sông Thái Bình; tiếp tục phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 129 hộ dân còn lại trên địa bàn các xã.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Sở: KH&ĐT, TN&MT, GTVT đã đưa quan điểm, ý kiến tham vấn cho lãnh đạo Thành ủy và UBND TP để giải quyết các “điểm nghẽn” mà các địa phương đang gặp phải trong công tác đền bù, GPMB.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang khẳng định những tuyến đường nói trên rất đặc biệt về tính chất khi có đoạn xây dựng theo hình thức đối tác công - tư, đoạn xây dựng theo vốn đầu tư công; đồng thời có sự thay đổi quy định pháp luật trong quá trình triển khai.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, ông Quang nhấn mạnh: “Bí thư các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thường trực Thành ủy về tiến độ GPMB, đồng thời phải quan tâm, trực tiếp đôn đốc việc vận động quần chúng nhân dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho nhà thi công”.

Đọc thêm