Bí thư Quảng Ninh phấn khởi khi biết huyện Bình Liêu quyết tâm xây mới hơn 223 nhà ở cho hộ nghèo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 1/6, tại chuyến đi kiểm tra thực tế việc hỗ trợ nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, triển khai thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Bình Liêu, Bí thư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký bày tỏ phấn khởi khi biết trong năm 2022, toàn huyện Bình Liêu quyết tâm sẽ hoàn thành xây mới hơn 223 nhà ở cho hộ nghèo và trên 1.200 nhà tiêu hợp vệ sinh.
Bí thư tỉnh Quảng Ninh kiểm tra thực tế việc hỗ trợ nhà ở cho hộ ông Nông Xuân Sơn, thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm.
Bí thư tỉnh Quảng Ninh kiểm tra thực tế việc hỗ trợ nhà ở cho hộ ông Nông Xuân Sơn, thôn Chè Phạ, xã Đồng Tâm.

Qua kiểm tra thực tế và làm việc tại xã Hoành Mô, Bí thư Quảng Ninh đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của huyện trong thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Nhận thức từ người dân đến cán bộ, đảng viên của cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã đã có sự chuyển biến rõ nét, thể hiện rõ nhất là đối với những công việc khó như xóa nhà tiêu không hợp vệ sinh; xóa nhà xuống cấp, không đảm bảo. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu trong năm 2022 về đích NTM, Bình Liêu còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc thực hiện các chỉ tiêu cứng cũng như vận động nhân dân thực hiện các chỉ tiêu mềm liên quan đến hoạt động phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, huyện cần tăng cường quán triệt, tuyên truyền để phát huy cao hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trên địa bàn.

Chỉ đạo một số giải pháp cụ thể, Bí thư Quảng Ninh yêu cầu: Đối với phát triển nông nghiệp, phải gắn liền với việc phát triển lợi thế của vùng đó, là những cây chủ lực như cây hồi, quế, dong riềng, sở. Phải tận dụng lợi thế này để gắn kết với du lịch dịch vụ và với kinh tế biên mậu nhằm tạo thay đổi căn bản về suy nghĩ, về tổ chức lại sản xuất bằng hình thức hợp tác. Tiếp tục giữ vững vùng xanh an toàn để tạo thuận lợi thông thương hàng hóa.

Về phát triển kết cấu hạ tầng tại Bình Liêu, đối với hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, du lịch, thương mại biên giới, trên cơ sở các công trình đã được tỉnh đầu tư, huyện Bình Liêu cần đề xuất được cách làm mới với quy hoạch, tầm nhìn xa để tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất, giảm chi phí nhất.

Đối với hạ tầng phục vụ cho đời sống, cần quan tâm đến hạ tầng để phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, bão lũ. Mục tiêu thời gian tới là hệ thống hạ tầng của Bình Liêu phải đi vào chiều sâu, phát huy được lợi thế vùng, thay đổi căn bản về cơ cấu lao động, cơ cấu sản xuất, tạo điều kiện mới cho người dân thu nhập tại chỗ.

Huyện phải tận dụng những cơ hội của tỉnh, của vùng để tạo ra sức sản xuất mới, môi trường kinh doanh mới để có nhiều doanh nghiệp đến với Bình Liêu, có nhiều mô hình sản xuất từ lợi thế riêng có như văn hóa, rừng, biên giới, thiên nhiên, con người. Đời sống người dân phải được nâng cao và người dân phải được thụ hưởng thành quả trong quá trình phát triển của huyện, được tiếp cận cuộc sống văn minh hơn.

Để làm được điều đó, quan trọng nhất là phải thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của người dân trong tổ chức sản xuất, thay đổi trong việc cho con em được học hành bài bản, cách tiếp cận về công ăn việc làm, đây là những việc đòi hỏi vừa lâu dài, vừa cấp thiết, đối với sự phát triển bền vững.

Đọc thêm