Bị tình cũ lén khai sinh cho con theo quốc tịch nước ngoài

(PLO) - Sau một thời gian chung sống như vợ chồng với một người đàn ông có quốc tịch nước ngoài, chị Hương nói lời chia tay dù biết có một mầm sống đang hình thành trong người. Sinh con chưa được mấy ngày, chị Hương không ngờ cha đứa bé đã giấu chị, tự ý đi làm giấy khai sinh tại Lãnh sự quán, nhập quốc tịch nước ngoài và làm luôn hộ chiếu cho con.
Bị tình cũ lén khai sinh cho con theo quốc tịch nước ngoài
Mối tình trắc trở
Chị Ngọc Hương (25 tuổi, quê ở Khánh Hòa, trú tại TP.Hồ Chí Minh) và ông Ph (quốc tịch Pháp) có quan hệ tình cảm, chung sống như vợ chồng với nhau từ tháng 4/2013. Cuối năm 2013, chị Hương mang bầu đứa con chung của hai người, chuyện này ông Ph biết và rất phấn khởi, hứa hẹn sau này sẽ nhập quốc tịch cho con theo cha và làm thủ tục bảo lãnh cho hai mẹ con sang Pháp.
Tuy nhiên, chuyện tình cảm của hai người sau đó trục trặc, đến tháng 5/2014 thì chị Hương quyết định chia tay dù khi đó chị đang mang bầu được 6 tháng. Sau khi dứt tình, ông Ph dọn về ở tại nơi làm việc như trước kia, chị Hương về ở cùng gia đình để tiện nhờ cậy chăm sóc lúc sinh nở. Dù chia tay nhưng hai người vẫn giữ liên lạc chặt chẽ, ông Ph vẫn gửi tiền, chu cấp cho chị Hương dưỡng thai.
Ngày chị Hương chuyển dạ, ông Ph đã đến bệnh viện chăm sóc hai mẹ con chị tận tình, thực hiện các nghĩa vụ tài chính với tư cách là chồng của sản phụ Hương. Sau đó, trong khi chị Hương còn đang yếu thì ông Ph tự ý đi lấy giấy chứng sinh của con để đi làm giấy khai sinh tại Lãnh sự quán Pháp ở TP.Hồ Chí Minh, ghi tên cha là ông Ph, sau đó ông làm luôn hộ chiếu cho bé. Việc đăng ký khai sinh cho con, nhập quốc tịch Pháp cho bé chị Hương hoàn toàn không biết, không được hỏi ý kiến gì.
 Con dần cứng cáp, chị Hương muốn gửi con đi mẫu giáo để đi làm chứ không muốn cứ ở nhà trông con, sống phụ thuộc vào sự chu cấp của “chồng hờ”. Tuy nhiên, khi chị làm thủ tục xin học cho con thì mới té ngửa phát hiện ra con mình chưa có giấy khai sinh.
Ảnh minh họa từ Internet
Ảnh minh họa từ Internet
Quay lại bệnh viện hỏi giấy chứng sinh, chị Hương mới biết ông Ph đã lấy giấy tờ này để đi khai sinh cho con tại Lãnh sự quán, làm thủ tục nhập quốc tịch Pháp và làm hộ chiếu cho con. Chị Hương đòi giấy tờ để đăng ký khai sinh cho con tại các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thì bị người tình từ chối, bất hợp tác.
Trĩu nặng băn khoăn
Loay hoay mãi vẫn không thể xoay sở để làm được giấy khai sinh cho con, theo sự tư vấn, chị Hương quyết định quay về quê ở tỉnh Khánh Hòa để làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con theo đúng pháp luật hiện hành tại UBND xã nơi chị đăng ký thường trú.
Chị cũng trình bày thật về hoàn cảnh của mình, mong được tạo điều kiện giúp đỡ để cháu bé được khai sinh, được đi học nhưng cán bộ tư pháp xã từ chối cấp giấy khai sinh cho bé theo quốc tịch Việt Nam. Lý do từ chối căn cứ vào Nghị định số 158/2005 của Chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ tịch, trong đó quy định “mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký một nơi theo đúng thẩm quyền”. Cháu bé đã được đăng ký hộ tịch tại lãnh sự quán Pháp, nên UBND xã không thể lại làm thủ tục khai sinh cho bé được. Bé đã có giấy tờ tùy thân và là công dân Pháp nên không thể đăng ký khai sinh, nhập quốc tịch Việt Nam.
“Con tôi sinh tại Việt Nam, giữa tôi và ông Ph không tồn tại hôn nhân hợp pháp. Chẳng lẽ tôi đành “bó tay” nếu ông Ph cố tình không đưa giấy khai sinh, không cho con tôi nhập quốc tịch theo mẹ? Giờ tôi phải làm sao để đăng ký khai sinh và nhập quốc tịch Việt Nam cho con?”- chị Hương tâm sự với câu hỏi trĩu nặng băn khoăn./.
Đứa trẻ có thể mang cả hai quốc tịch
- Về việc khai sinh cho cháu bé: Nghị định 158 quy định “mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký một nơi theo đúng thẩm quyền” nên không còn cách nào khác, chị Hương phải thương lượng với cha cháu bé để cha cháu bé đưa giấy khai sinh của con. Trường hợp cha cháu bé không hợp tác, cần thiết phải có sự tác động, can thiệp của cơ quan lãnh sự hoặc nơi cha cháu bé công tác, trên cơ sở pháp luật và vì quyền lợi của cháu bé.
Nghị định 158 cũng nêu rõ: Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì phải có giấy thỏa thuận của cha và mẹ về việc chọn quốc tịch. Giấy thoả thuận về việc chọn quốc tịch phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước mà người nước ngoài là công dân về việc chọn quốc tịch cho con là phù hợp với pháp luật của nước đó.
- Vấn đề cháu bé đã được cha đăng ký nhập quốc tịch Pháp, liệu có được nhập quốc tịch Việt Nam hay không, tại Mục 1 phần 3 Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 2/6/2008 hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP quy định: “Trong trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người nước ngoài; nếu cha, mẹ lựa chọn quốc tịch Việt Nam cho con, thì cũng phải có thỏa thuận bằng văn bản của cha, mẹ theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam. Trường hợp không có thỏa thuận của cha, mẹ về việc lựa chọn quốc tịch cho con (vì lý do cha, mẹ không liên hệ được với nhau), thì quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam theo quốc tịch của người cha hoặc người mẹ là công dân Việt Nam.
     Vấn đề chị Hương băn khoăn việc ông Ph tự ý khai sinh, nhập quốc tịch Pháp cho con khi không có sự thỏa thuận, đồng ý của chị liệu có trái pháp luật hay không? Luật sư thấy rằng việc cha đứa trẻ lựa chọn quốc tịch Pháp cho con khi không có sự đồng ý của chị sẽ được áp dụng tương tự như trường hợp không thỏa thuận được việc đứa trẻ mang một quốc tịch nên con chị sẽ được mang cả hai quốc tịch Việt Nam và Pháp.
(Luật sư Phạm Thanh Bình- Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)