Biển Đen “dậy sóng”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã từ khá lâu nay rồi, mối quan hệ giữa Mỹ, EU và NATO với Nga căng thẳng và trắc trở, thậm chí còn đến mức cả hai phía đều công khai xác nhận tồi tệ như chưa từng thấy kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây.
Các tàu tham gia diễn tập ở Biển Đen ngày 14/4.
Các tàu tham gia diễn tập ở Biển Đen ngày 14/4.

Nhưng cả trong suốt thời gian dài ấy chưa khi vào xảy ra tình cảnh bom rơi đạn nổ và trực diện quân sự với nhau như hiện tại đang thấy xảy ra ở vùng Biển Đen.

Trên danh nghĩa chính thức, ở vùng biển này đang có cuộc diễn tập chung giữa NATO và Ukraine cũng như cuộc diễn tập của Nga. Hai phe đã điều động rất đông tầu chiến, máy bay và binh lính đến khu vực này.

Phía Nga cho biết sẽ sử dụng bắn đạn thật trong tập trận và theo dõi chặt chẽ diễn biến của cuộc tập trận chung của Ukraine và NATO. Hai vụ việc nữa đáng được chú ý không kém là việc Nga ném bom và bắn đạn thật để ngăn chặn tầu chiến của Anh tiếp tục đi vào vùng lãnh hải xung quanh bán đảo Crimea và phía Nga mô phỏng cuộc tấn công nhằm vào một tầu chiến của Hà Lan. Phía Nga còn cáo buộc Mỹ đứng sau Anh tiến hành vụ khiêu khích nói trên.

Về địa chiến lược, vùng Biển Đen quan trọng đối với NATO vì liên quan trực tiếp đến Nga và Ukraine. Trên châu Âu lục địa, NATO đã tăng cường triển khai binh lính và vũ khí ở những nước thành viên là láng giếng của Nga. Ở vùng Biển Đen, NATO không thể gây dựng sự hiện diện quân sự thường trực nên phải tìm cớ để tiến hành việc này.

Mối quan hệ giữa Nga với Ukraine bất hoà và căng thẳng không kém gì mối quan hệ giữa Nga - NATO. NATO tuy hiện chưa sẵn sàng thu nạp Ukraine vào hàng ngũ nhưng có lợi ích chiến lược lâu dài khi tranh thủ Ukraine và duy trì sự thù địch giữa nước này với Nga. Sau khi Nga tiếp nhận Crimea năm 2014 và do nước này duy trì sự hậu thuẫn phe ly khai chính phủ ở vùng lãnh thổ miền Đông Ukraine nên Ukraine càng phải lụy Mỹ, EU và NATO.

Cùng với đó Mỹ, EU và NATO càng phải đối đầu Nga nhằm vừa thể hiện sự ủng hộ Ukraine vừa răn đe Nga chớ nên lấn tới nữa ở Ukraine cũng như ở một số nơi khác nữa trên châu lục. Tập trận chung giữa NATO và Ukraine là một trong những hình thức hoạt động của họ nhằm mục đích này.

NATO đưa tầu chiến vào vùng Biển Đen và tầu chiến của một số thành viên NATO tiến sát vào vùng lãnh hải xung quanh bán đảo Crimea còn nhằm mục đích thách thức Nga về chủ quyền đối với bán đảo Crimea, làm phép thử về giới hạn phản ứng của Nga. Do Mỹ, EU và NATO không công nhận tính hợp pháp của việc Nga tiếp nhận Crimea nên phe này không coi vùng lãnh hải xung quanh bán đảo Crimea thuộc về chủ quyền của Nga.

Biển Đen dậy sóng và trở thành chiến địa mới của cuộc đối đầu giữa Nga với Mỹ, EU và NATO bởi NATO không chỉ thống nhất về nguyên tắc định hướng chiến lược đối với Nga mà còn chủ ý tăng cường hành động cụ thể để gia tăng áp lực, thách thức và gây thêm khó dễ cho Nga. Tình trạng đối đầu quân sự hiện tại ở vùng Biển Đen là hệ lụy gần như tất yếu của cuộc gặp cấp cao vừa rồi của NATO và của cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Biden đã không những chỉ khôi phục sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ NATO mà còn gây dựng lại vai trò lãnh đạo và dẫn dắt của Mỹ trong NATO, đưa ra định hướng chung, khích lệ NATO cứng rắn với Nga trong các vấn đề chính trị an ninh ở châu Âu và liên quan đến tình trạng dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Nga.

Tại cuộc gặp cấp cao Mỹ - Nga vừa rồi, ông Biden và ông Putin đã làm cho không bên nào có thể hiểu nhầm về nhau liên quan đến Ukraine và Crimea, cũng như đến dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Nga. Họ không những chỉ không sẵn sàng nhượng bộ mà còn sẵn sàng leo thang đối đầu nhau trong những khía cạnh nói trên.

Vùng Biển Đen vì thế sẽ trở thành nơi diễn ra cụ thể trên thực tế cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga với Mỹ, EU và NATO. Bom đạn thật rồi sẽ còn được sử dụng ở nơi đây nhưng chỉ nhằm để xua đuổi và răn đe lẫn nhau. Cũng có thể nói là hai bên đang dàn trận đấu mới ở khu vực biển này.

Đọc thêm