Biên phòng Bình Định phấn đấu cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” ngành thủy sản Việt Nam, phát triển nghề cá bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, BĐBP Bình Định đã tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp, các ngành chức năng chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật. Qua đó đã góp phần xây dựng chủ quyền, an ninh biên giới biển, đồng thời phát triển nghề cá bền vững.
Biên phòng Bình Định phấn đấu cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” ngành thủy sản Việt Nam, phát triển nghề cá bền vững

Xác định tuyên truyền là nòng cốt

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được BĐBP Bình Định thường xuyên triển khai, với nhiều nội dung đa dạng, hình thức phong phú. Trên cơ sở đó, BĐBP Bình Định đã phối hợp với các cơ chức năng, chính quyền địa phương.

Nổi bật nhất là thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định đã tập trung phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, tăng cường quản lý chặt chẽ các loại phương tiện ra vào làm ăn trên biển; tổ chức điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, tái vi phạm đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển các nước để khai thác thủy sản.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Trong thời gian vừa qua, các đơn vị BĐBP Bình Định đã tổ chức tuyên truyền 562 buổi với 54.684 lượt cán bộ, nhân dân tham gia; duy trì hoạt động 520 Tổ tự quản an ninh trật tự với 8.759 thành viên, 625 Tổ tàu an toàn với 2.638 tàu và 17.270 thuyền viên, 1 Bến bãi an toàn với 286 tàu và 2.965 người tham gia; 100% phương tiện đánh bắt xa bờ trước khi xuất bến đều ký cam kết không khai thác thủy sản bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trong đó mô hình tại Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, BĐBP Bình Định là một điển hình trong công tác triển khai tuyên truyền, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng. Từ mô hình “Ngư dân phường Tam Quan Nam thị xã Hoài Nhơn đánh bắt thủy sản không vi phạm vùng biển nước ngoài”, UBND phường, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đã thường xuyên tổ chức tuyên tuyền, phổ biến kiến thức pháp luật về biển của các nước, các quy định của pháp luật Việt Nam.

Đồng thời, để kiểm soát chặt chẽ đội ngũ tàu thuyền, tỉnh Bình Định đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 3.174 tàu có chiều dài 15m trở lên đang hoạt động khai thác vùng khơi, đạt tỉ lệ 100% tàu theo quy định. Khi khai thác thủy sản, tàu cá buộc phải tuân thủ nghiêm các quy định như mở máy định vị 24/24 từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Nếu tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hoá thiết bị giám sát hành trình thị sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của UBND tỉnh và pháp luật.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Quan Nam tuyên truyền pháp luật cho ngư dân

Phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm

Việc Ủy ban châu Âu áp dụng “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản của Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình xuất khẩu các sản phẩm thủy sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng. Do vậy, để sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định đã cùng với các cấp, các ngành và các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn triệt để khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; góp phần hướng tới phát triển nghề cá tỉnh Bình Định “bền vững và có trách nhiệm”.

Hiện nay, Bình Định có gần 6.000 chiếc, trong đó có 3.174 tàu đánh bắt xa bờ, với lượng đánh bắt thủy sản hàng trăm nghìn tấn/năm, giải quyết việc làm và sinh kế ổn định cho hàng chục nghìn lao động; nhiều ngư dân đã đầu tư nâng cấp, đóng mới tàu cá với trang thiết bị hiện đại, bám biển dài ngày, vì vậy kinh tế gia đình trở nên giàu có từ biển. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tàu cá, ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm vùng biển; điều đó, không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của nhiều ngư dân, mà còn ảnh hưởng đến quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam để tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

Trong đó có trường hợp của anh Trần Thanh Thật ở thị xã Hoài Nhơn, năm nay hơn 40 tuổi nhưng đã có hơn 20 năm hành nghề trên biển, đời sống kinh tế gia đình đang ổn định. Tuy nhiên, chỉ vì bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm vùng biển, toàn bộ tài sản tích góp của gia đình và vay mượn thêm để đóng mới tàu cá đã bị nước ngoài tịch thu. Nguồn thu nhập chính của gia đình không còn, ngày càng không có khả năng trả nợ, đời sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp còn khó khăn hơn, một số người còn bị nước ngoài kết án và phải chịu cảnh tù tội.

Tuy nhiên, trong quá trình xử lý tàu cá vi phạm vùng biển các nước, BĐBP Bình Định vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá vi phạm gặp rất nhiều khó khăn; công tác quản lý cảng cá, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác còn bất cập; tàu cá của tỉnh xuất bến ngoài tỉnh và hàng năm không về địa phương còn nhiều (chủ yếu lưu trú ở các tỉnh phía Nam).

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định tặng cờ tổ quốc cho ngư dân

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Định tặng cờ tổ quốc cho ngư dân

Dù còn nhiều khó khăn, song BĐBP Bình Định quyết tâm hành động, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến các quy định của Luật Thủy sản, Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thi hành. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân cố tình đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; phấn đấu cùng với cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” đối với ngành thủy sản Việt Nam, góp phần xây dựng nghề cá của tỉnh Bình Định phát triển bền vững có trách nhiệm, phù hợp luật pháp, thông lệ quốc tế.

Đọc thêm